Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến ban hành bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Theo đó, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi có 29 chuẩn với 125 chỉ số.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, chuẩn của trẻ 5 tuổi (tính từ 60 tháng đến 72 tháng tuổi) được xác định theo bốn lĩnh vực phát triển: nhận thức, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học.
Cụ thể: Trẻ phải biết bật xa tối thiểu 50cm bằng hai chân; Nhảy xuống từ độ cao 40 cm và tiếp đất an toàn; Ném và bắt được bóng (đường kính 15cm) bằng hai tay; Trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân; Chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây; Chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng)…
Nói được họ và tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố, mẹ của mình; Biết mình là trai hay gái và có ứng xử phù hợp; Nói được khả năng của bản thân (những việc có thể làm được, không thể làm được);
Biết đề xuất những trò chơi và hoạt động thể hiện sở thích của cá nhân; Biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm; Nhận biết và không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi…) ; Không đi theo và nhận quà của người lạ khi chưa được người thân cho phép; Biết ý nghĩa và có ý thức thực hiện theo quy định của một số biển báo giao thông, biển báo nơi nguy hiểm…
Biết sử dụng một số ký hiệu, biểu tượng như tranh ảnh, chữ viết, số… trong sinh hoạt hàng ngày; Nhận biết được các phần của sách truyện (tên quyển truyện, phần mở đầu, kết thúc truyện, trang bìa, trang sách); “Đọc vẹt” theo truyện đã được nghe nhiều lần; Kể được nội dung câu chuyện đơn giản dựa vào tranh minh hoạ và kinh nghiệm của bản thân; Thích đọc những chữ đã biết có ở môi trường xung quanh…
Nghe và cảm nhận được giai điệu (vui, êm dịu, buồn) của bài hát/bản nhạc; Hát đúng giai điệu những bài hát đơn giản, thích tham gia vào các hoạt động biểu diễn; Thể hiện cảm xúc và vận động phù hợp (vỗ tay, lắc lư, nhún nhảy….) với nhịp điệu của bài hát, bản nhạc; Thể hiện cảm xúc (sờ, ngắm nhìn, ngạc nhiên, sung sướng …) trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sản phẩm tạo hình; Biết sử dụng các phương tiện, vật liệu khác nhau để tạo hình một sản phẩm đơn giản; Nói được ý tưởng thể hiện trong sản phẩm tạo hình của mình.
Nói được khả năng và sở thích của người khác; Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình (về sở thích, nhu cầu, những khiếm khuyết về cơ thể…); Nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng…
Qua bộ chuẩn, Căn cứ vào nội dung từng chỉ số của bộ chuẩn, giáo viên có thể lựa chọn các hình thức: quan sát trẻ qua các hoạt động, đàm thoại với trẻ, phỏng vấn phụ huynh, sử dụng bài tập để đánh giá sự phát triển của trẻ.
Hồng Hạnh (Dân trí)
Bình luận (0)