Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

13 tác nhân có thể gây ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà khoa học đã xác định được 13 tác nhân có thể gây ung thư.

1. Cà phê
Cà phê là một tác nhân khó xác định nhất. Các chuyên gia vẫn không hoàn toàn chắc chắn uống cà phê có lợi hay có hại hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy nó có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư nhất định ở người này, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư ở người khác.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống 6 ly cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Trong khi đó, uống 5 ly hoặc nhiều hơn mỗi ngày có thể làm giảm 57% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống thêm ít nhất hai ly một ngày có thể làm tăng 14% nguy cơ mắc ung thư phổi.
2. Rau dưa muối
Ăn rau củ muối có thể tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư thực quản và ung thư dạ dày.
Ăn dưa muối có nguy cơ ung thư dạ dày
Một nghiên cứu cho rằng dựa vào thói quen ăn uống của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thấy những người chủ yếu ăn các loại rau dưa muối thường có nguy cơ ung thư dạ dày hơn những người chủ yếu ăn rau quả tươi.
3. Rượu
Rượu có thể tốt cho sức khỏe khi uống ở mức vừa phải: tối đa 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly đối phụ nữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó hoàn toàn không có tác hại.
Rượu là nguyên nhân gây nên 10% bệnh ung thư ở nam giới và 3% bệnh ung thư ở phụ nữ, theo một nghiên cứu gần đây. Và uống quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, ung thư vú và ung thư gan.
4. Tắm nắng nhân tạo
Sử dụng giường tắm nắng (phương pháp tắm năng nhân tạo) có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư da tăng 75% khi người sử dụng giường tắm nắng ở độ tuổi 30. Trong nhiều năm, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xem phương pháp tắm nắng nhân tạo như một “nguyên nhân có thể gây ra ung thư”. Nhưng đến năm 2009, phương pháp này được coi như một "chất gây ung thư được biết đến".
5. Phấn bột
Các chuyên gia y tế khẳng định phấn bột có chứa chất amiăng là một chất gây ung thư. Tuy nhiên loại phấn bột này hiện nay đã bị cấm sử dụng hoàn toàn.
Mới đây một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, không chỉ phấn bột có chứa amiăng mới gây ra ung thư mà việc sử dụng phấn bột không amiăng gần các bộ phận sinh dục cũng có thể làm tăng 30% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Bởi những loại phấn này có thể đi vào buồng trứng thông qua âm đạo, tử cung hoặc ống dẫn trứng.
6. Liệu pháp hormon thay thế
Liệu pháp hormon thay thế thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của mãn kinh.
Với liệu pháp hormon thay thế, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc là dẫn chất estrogen, thường kết hợp thêm dẫn chất progestin hay còn gọi là progesteron (progestin và estrogen là hai hormon nữ giúp người phụ nữ có kinh nguyệt và thụ thai) nhằm bổ sung sự thiếu hụt mà cơ thể không thích ứng được và bị rối loạn.
Tuy nhiên, mới đây ở Mỹ, Tổ chức Hành động vì sức khỏe phụ nữ (The Women’s Health Initiative), với sự giúp đỡ của Viện Sức khỏe quốc gia, Mỹ (National Institute of Health) đã tiến hành thực hiện hai công trình nghiên cứu lớn đánh giá việc sử dụng thuốc phối hợp estrogen và progestin. Kết quả thật đáng buồn là liệu pháp hormon thay thế làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung và tử cung. Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên bạn nên dùng liệu pháp thay thế hormone ở liều thấp nhất và số lượng thời gian ngắn nhất để làm giảm triệu chứng mãn kinh.
7. Các nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với hoá chất
IARC cảnh báo một số nghề nghiệp đòi hỏi tiếp xúc nhiều với hoá chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Những người làm công việc giặt khô, phải thường xuyên tiếp xúc với khói hoá chất và các dung môi có thể  làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Trong khi đó, những người làm tóc hay thợ cắt tóc có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi và bàng quang khi tiếp xúc với những độc tố nhất định.
8. Ánh nắng mặt trời
Việc nhận quá nhiều tia UV từ mặt trời không những làm da bị tổn thương mà nó còn làm tăng nguy cơ ung thư da. Dạng ung thư da nguy hiểm có thể gây ra tử vong thường phổ biến ở các vùng có nhiều ánh nắng mặt trời, như bang California (Mỹ), hơn ở các vùng ít có ánh nắng mặt trời, như Minnesota (Mỹ).
9. Cadmium
Cadmium là một kim loại độc hại được tìm thấy tại các nhà máy nấu và tinh chế quặng kẽm, hoặc sản xuất pin nickel-cadmium.
Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Argonne, thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, cho thấy cadmium giải phóng can-xi khỏi xương trong vòng vài giờ sau khi phơi nhiễm, ngay cả ở mức thấp dưới tiêu chuẩn hiện hành (5 phần triệu) do Cục Sức khoẻ và An toàn Nghề nghiệp (OSHA) công bố.
Theo đó, chỉ vài giờ sau khi bị ngộ độc cadmium dù ở mức thấp, kim loại nặng này sẽ giải phóng can-xi khỏi xương trong cơ thể. Vì vậy, nó rất nguy hiểm và có thể gây ung thư. Chất này cũng tồn tại trong khói thuốc lá.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu tiếp xúc với cadmium, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy và cũng có khả năng gây ung thư vú.
10. Phoóc – môn (Formaldehyde)
Formaldehyde có công thức hóa học là HCHO, được xếp vào loại hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.
Ở điều kiện bình thường, chất này không có màu, mùi cay hăng nồng, có đặc tính dễ tan trong nước. Chất này được sử dụng khá rộng rãi trong công nghiệp, có mặt trong nhiều sản phẩm tiêu dùng. Trong ngành may mặc, người ta thường dùng nó dưới dạng keo UF (urea formaldehyde) dùng để chống nhăn, chống co rút các sợi vải nhân tạo. Để trong môi trường thông thường, keo UF sẽ phóng thích formaldehyde. Ở hàm lượng 40 ppm trở lên, formaldehyde có mùi khó chịu, tiếp xúc qua da sẽ gây nên những tác hại như ngứa ngáy, dị ứng, hen suyễn… Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh, có thể dẫn đến ung thư, thường biểu hiện ở mũi, miệng.
11. Tamoxifen
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, Tamoxifen là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị ung thư vú. Nhưng trong một số trường hợp người ta chứng minh được nó làm tăng nguy cơ ung thư tử cung.
Tuy nhiên, những rủi ro này thấp hơn so với lợi ích của việc dùng tamoxifen để điều trị ung thư vú. Vì vậy, người ta vẫn kê đơn cho những bệnh nhân ung thư vú loại thuốc này.
12. Thuốc lá
Thuốc lá được biết đến như một tác nhân gây ung thư không chỉ cho người hút mà còn cho những người xung quanh như ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư vú, ung thư trực tràng…. Trong khói thuốc lá có tới 70 chất gây ung thư. Đây là kết luận của rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.
Không chỉ thuốc lá điếu dùng để hút mà cả thuốc lá sợi dùng để nhai cũng là nguyên nhân gây ung thư. Các nhà nghiên cứu cho biết có ít nhất 28 hóa chất trong loại thuốc lá này được biết là gây ra bệnh ung thư miệng, ung thư thực quản và ung thư tuyến tụy.
13. Amiăng
Amiăng là một loại quặng có thể kéo thành sợi.
Trên thực tế, amiăng có tới 6 loại, trong đó loại độc hại nhất có tên khoa học là crocidolite, hay còn gọi là "amiăng xanh", đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Loại ít độc hơn cả là chrysolite, còn gọi là "amiăng trắng", hiện vẫn đang được sử dụng để làm tôn lợp nhà, gioăng đệm, hoặc ống dẫn nước.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các sợi bụi amiăng lơ lửng trong không khí, nếu hít phải một lượng nhất định vào phổi sẽ gây ra các bệnh ung thư phổi, khối u ở vòng ngực, ung thư dạ dày, ruột, v.v..
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 100.000 người chết do các bệnh ung thư có liên quan đến amiăng. Hội chứng của nó có thể kéo dài từ 10, 20, hoặc 30 năm trước khi phát bệnh.
Theo Huffingtonpost
Bee.net.vn

 

 

Bình luận (0)