Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

1300 suất đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ năm 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
1.300 chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo các nước đào tạo: Anh (80), Australia (100), New Zealand (50), Hoa Kỳ (100), Canada (40), Pháp (190), Đức (190), Bỉ (45), Nga (30), Nhật Bản (130), Trung Quốc (100), Singapore (40), Hàn Quốc (30) và 175 chỉ tiêu được gửi đi đào tạo tại các nước khác.
Số lượng tiến sĩ này sẽ gửi đi đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới nhằm thực hiện Đề án 911 về đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ.
Đề án 911 do Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ, trong đó có khoảng 10.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới, giúp tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo Bộ GD-ĐT, việc phân bổ chỉ tiêu theo ngành học được căn cứ theo nhu cầu đào tạo giảng viên của các trường và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước, gồm ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật- công nghệ, khoa học xã hội, nông – lâm – thủy sản, y – dược, kinh tế – quản lý, nghệ thuật – thể dục thể thao.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối tượng dự tuyển học bổng không quá 45 tuổi, là giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn tại các học viện, ĐH, CĐ (không bao gồm trường CĐ nghề).
Ngoài ra, sinh viên mới tốt nghiệp ĐH có kết quả học tập đạt loại giỏi, học viên mới tốt nghiệp thạc sĩ trong vòng 12 tháng có kết quả học tập ĐH đạt loại giỏi và học thạc sĩ đạt 8.0 trở lên cũng có thể dự tuyển với cam kết đi học để về làm giảng viên và được một trường ĐH, CĐ xác nhận đủ điều kiện tuyển dụng làm giảng viên, ký hợp đồng cam kết tuyển dụng làm giảng viên sau khi tốt nghiệp.
Thời hạn nộp hồ sơ trước ngày 31-3.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ứng viên  phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ B2 trở lên theo khung tham khảo châu Âu chung do một cơ quan khảo thí quốc tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn hai năm tính đến thời điểm dự tuyển hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc thạc sĩ ở nước ngoài.
Người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và phải trở về phục vụ tại trường cử đi học ít nhất gấp ba lần thời gian đào tạo.
Cá nhân nào vi phạm cam kết sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định.
Trong thời gian học tại nước ngoài, ứng viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng bao gồm học phí (tối đa 15.000USD/năm), các loại phí bắt buộc liên quan đến chương trình học tập, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, vé máy bay quốc tế một lượt đi và về theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, dù nhận được học bổng từ ngân sách Nhà nước, nhưng ứng viên trúng tuyển khi nộp hồ sơ làm thủ tục đi học chính thức tại nước ngoài sẽ phải nộp học phí một lần cho Nhà nước tùy theo thời gian học tập tại nước ngoài.
Mức học phí được quy định là 13 triệu đồng/khóa đối với nghiên cứu sinh học một năm, 26 triệu đồng/ khóa với nghiên cứu sinh học hai năm, 39 triệu đồng/ khóa đối với nghiên cứu sinh học ba năm và 52 triệu đồng/khóa đối với nghiên cứu sinh học bốn năm.
Theo TTO

 

Bình luận (0)