Nhịp cầu sư phạmGương sáng

15 năm ngồi xe lăn tới trường

Tạp Chí Giáo Dục

Minh Triển với người bạn gái từng giúp đỡ mình

Hình ảnh bạn Sử Minh Triển, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) được bạn mình cõng trên lưng, tiến ra bục vinh danh để nhận giải thưởng dành cho cho sinh viên xuất sắc của trường đã khiến mọi người xúc động, cảm phục.
Số phận nghiệt ngã
Như bao đứa trẻ khác, Triển cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui mừng của bố mẹ, dù điều kiện mưu sinh của cả nhà lúc ấy (và đến tận bây giờ) chỉ là mấy sào ruộng. Triển lớn lên, tung tăng chơi đùa cùng các bạn cho đến một hôm năm em 3 tuổi (1989) – “Tôi còn nhớ lúc đó tiết trời đã vào cuối thu, sắp sang đông, thằng Triển bị sốt nằm liệt giường cả tuần rồi sau đó hai chân bắt đầu mất đi cảm giác. Tôi chỉ còn biết khóc cho số phận sao nghiệt ngã với con mình như vậy…” – bà Bạch Thị Hung, mẹ Triển ngậm ngùi nhớ lại. Còn đối với Triển, bất hạnh mỗi lúc một lớn dần, khi đôi chân em cứ mỗi ngày lại mất đi một ít cảm giác. Đến giờ thì đôi chân ấy đã teo tóp hẳn. Lên 5 tuổi, Triển bắt đầu ngồi xe lăn. Lúc mẹ ra ruộng, em ở nhà trông nhà chờ mẹ. Và rồi cái ngày Triển bước chân vào cổng trường tiểu học đã đến. Các bạn cùng lứa cứ tròn xoe mắt nhìn Triển như “một vật thể lạ”. Tủi thân Triển khóc òa. Bây giờ em mới hiểu rằng mình không có được đôi chân như bạn bè để vừa đi, vừa chạy trên những nẻo đường làng mà đến lớp. Mặc cảm, em đã khóc rất nhiều về tình cảnh của mình và thậm chí buông xuôi luôn việc học tập do không chịu nổi những lời châm chọc từ bạn bè. Ở trường về thẳng nhà, em không nói chuyện với ai, chỉ có bố và mẹ ngày ngày đầu tắt mặt tối nhưng chẳng bao giờ quên chăm nom đứa con trai bé bỏng của mình là “người bạn” thân thiết, gần gũi nhất của em mà thôi.  
Còn bạn bên mình
Năm học lớp 4, một điều kỳ diệu đã đến với cậu bé bất hạnh, Triển bất ngờ gặp và kết thân với Đỗ Quang Hào, người bạn ở cùng quê. Kể từ đây, ròng rã mười mấy năm, hàng ngày Hào đều đến nhà và đẩy xe lăn đưa Triển tới trường, vào lớp học. Hào nhớ lại: “Triển rất chăm học và điều đó cũng nhắc nhở chính bản thân mình phải cố gắng hơn mới đồng hành với bạn được. Cực khổ nhất là những ngày mưa gió mùa đông. Trời rét như cắt da, tôi đưa cả hai tay run run ra trước, cố nắm chặt lấy khung xe đưa Triển tới lớp. Cả hai đứa đều không biết rét là gì nữa. Chỉ sợ đến trường muộn giờ không được vào học thôi”. Bà Hung tiếp lời: “Các chú xem đây, cả mấy chục tấm giấy khen này đều là của thằng Triển. Tình bạn đã giúp nó không những vượt qua mặc cảm mà còn học giỏi nữa các chú à!”. Bà con trong xóm cho chúng tôi biết, thấy con ăn học ngày càng tiến bộ, cả bố lẫn mẹ Triển đều đã phải làm bất kỳ việc gì không kể ngày đêm với quyết tâm nuôi dạy Triển thành tài. Năm 2007, Triển trúng tuyển vào Trường CĐ Công nghệ. Môi trường học tập mới xa gia đình, dù có bạn Hào luôn bên cạnh nhưng Triển cũng luôn cố gắng tự lo liệu mọi việc sinh hoạt của mình. Triển nung nấu ước mơ tốt nghiệp chuyên ngành CNTT và về làm việc tại quê nhà Ninh Phước (Ninh Thuận). Vì vậy, em lao vào việc học với tất cả niềm đam mê và suy nghĩ “đôi chân bị phế nhưng vẫn còn đó một trái tim còn đập. Miễn là cái đầu và đôi tay đừng lười”. Lớp trưởng lớp CN07 Nguyễn Hữu Long tự hào khoe: “Không quản ngày nắng ngày mưa, đi lại khó khăn, buổi nào không học ở lớp, ở giảng đường, Triển đều có mặt trên thư viện hoặc phòng thực hành máy tính của trường. Thời gian rảnh đó, bạn làm nhiều việc lắm. Những việc như cài đặt hệ thống mạng, viết lập trình phần mềm thì Triển là nhân vật số 1 của lớp CN07 tụi em”.
Bài và ảnh: Hồng Lam
“Triển là một sinh viên điển hình của tinh thần vượt khó. Không những có thành tích học tập đáng nể, hai năm liền đều đứng đầu lớp CN07 và đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc của khoa, Triển còn là một “cây văn nghệ” xuất sắc của trường. Chúng tôi luôn tự hào về những sinh viên biết vượt qua nghịch cảnh hướng đến tương lai với suy nghĩ và hành động rất cụ thể – hãy sống có ích cho đời” – Thầy Nguyễn Thanh Vinh – Bí thư Đoàn trường tự hào.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)