Sau 15 năm tái lập tỉnh (1986 – 2011), với quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2010-2015
1. Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, Kỳ họp thứ X (từ ngày 15/10 đến 12/11/1996) về việc “Chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh” đã quyết định chia tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Theo đó, tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính, dân số 804.800 người. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Nam chính thức đi vào làm việc theo đơn vị hành chính mới.
2. Sau 15 năm tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tăng hơn 5 lần. Giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (tính theo giá so sánh 1994) lần đầu tiên vượt ngưỡng trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2010 và đạt trên 6.000 tỷ đồng năm 2011 (tăng gấp hơn 5 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997).
3. Công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng mạnh từ 20% (năm 1997) lên 50,2% vào năm 2011, với tổng giá trị sản xuất đạt 10.065 tỷ đồng. Từ chỗ không có khu công nghiệp, không có đầu tư nước ngoài, nay toàn tỉnh đã có 8 khu công nghiệp; 17 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; hơn 2.200 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Các khu công nghiệp giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 20.000 lao động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD.
4. Sản xuất nông nghiệp ổn định ở mức cao, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. 15 năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là mặt trận hàng đầu, với năng suất lúa duy trì ổn định ở mức 11 – 12 tấn/ha/năm, bình quân lương thực đầu người của tỉnh cao hơn bình quân chung của các tỉnh trong khu vực 90 kg/người/năm và cao hơn bình quân chung cả nước 60 kg/người/năm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện, trong đó nhiều công trình thủy lợi đầu mối quan trọng như: Công trình thủy lợi Tắc Giang – Âu thuyền Phủ Lý; Trạm bơm Yên Lệnh (Duy Tiên), Như Trác (Lý Nhân)…
5. Giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng nhanh và gấp 60 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Giá trị xuất khẩu từ mức 3,7 triệu USD (năm 1997) đã liên tục tăng nhanh và lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 triệu USD vào năm 2008 (109,7 triệu USD) và đạt 235 triệu USD vào năm 2011.
6. Thu từ kinh tế trên địa bàn tăng gấp hơn 30 lần. Tổng thu từ kinh tế trên địa bàn từ 60 tỷ đồng vào thời điểm tái lập tỉnh đã liên tục tăng nhanh, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng vào năm 2010 và đạt xấp xỉ 1.900 tỷ đồng (năm 2011), tăng gấp hơn 30 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt 21,1 triệu đồng/người/năm (tăng gấp hơn 8 lần so với năm 1997); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,6%.
7. Đột phá về hạ tầng giao thông đường bộ. Sau cầu Hồng Phú (thành phố Phủ Lý) khánh thành năm 1997, đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 9 cầu vượt sông, 6 cầu vượt đường bộ tại các nút giao thông: Đồng Văn, Vực Vòng, Tiên Hiệp (Duy Tiên); Liêm Tuyền, Liêm Thuận, Liêm Tiết (Thanh Liêm). Các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn được cải tạo nâng cấp và làm mới, 100% số xã có đường liên thôn được nhựa và bê tông hóa. Hà Nam là tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu toàn quốc phong trào làm đường giao thông nông thôn”.
8. Khu du lịch, dịch vụ Tam Chúc – Ba Sao và Khu đô thị Đại học cơ bản hoàn thành hạ tầng, tạo tiền đề cho phát triển, tạo bước đột phá về phát triển dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh Tam Chúc – Ba Sao rộng 2.700 ha, gồm 6 khu cơ bản liên kết: Khu chức năng, khu tâm linh (146 ha); khu dịch vụ lưu trú tiếp đón khách (193 ha); Khu du lịch lòng hồ Tam Chúc (549 ha); khu dịch vụ du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên (957 ha); khu vui chơi giải trí, sân golf (327 ha). Cùng đó, Khu đô thị Đại học rộng trên 1.000 ha đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị đón các trường đại học có chất lượng đầu tư về tỉnh.
9. Nông thôn mới được tổ chức xây dựng từ năm 1998, khởi đầu bằng việc tỉnh cấp xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Đến khi có Nghị quyết của Trung ương, phong trào này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Sau 15 năm tái lập, tổng vốn đầu tư phát triển cho nông thôn mới đạt trên 40.000 tỷ đồng, đã thực sự làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi, an ninh nông thôn giữ vững, tạo sự ổn định vững chắc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam đến năm 2020”.
10. Hàng loạt di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, kháng chiến, lễ hội truyền thống tiêu biểu được tôn vinh, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa du lịch. Khu di tích Chùa Đọi và Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Đọi Sơn, Duy Tiên); Đền Trần Thương và Lễ hội phát lương Đền Trần Thương (Nhân Đạo, Lý Nhân); Khu di tích 32 cụ già và thanh thiếu niên Đức Bản (Nhân Nghĩa, Lý Nhân); Khu di tích Từ đường Tam nguyên Nguyễn Khuyến (Trung Lương, Bình Lục); Chùa Bà Đanh – Núi Ngọc (thị trấn Quế, Kim Bảng); Khu di tích Núi Chùa (Thanh Tâm, Thanh Liêm); Khu di tích Trận địa pháo phòng không Đình Tràng (Lam Hạ, thành phố Phủ Lý).
11. Đột phá về quy mô, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Năm 1997, cả tỉnh chỉ có 2 trường trung cấp, 3 trường công nhân kỹ thuật quy mô rất nhỏ với 238 cán bộ, giáo viên; 2.763 học sinh. Sau 15 năm tái lập, tỉnh đã có 9 cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, trong đó một trường đại học; 6 trường cao đẳng và cao đẳng nghề; 2 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh khoảng 8.500 người, tăng gấp hơn 3 lần năm 1997. Tổng số cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy gần 550 người, tăng gấp hơn hai lần năm 1997.
Với sự tăng cường toàn diện, hoạt động đào tạo trên địa bàn đã góp phần tích cực làm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên trên 35% vào năm 2011, tạo cơ sở phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp đạt chuẩn về đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị; trên 50% có trình độ đại học và trên đại học; đã quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị nguồn nhân lực (Duy Tiên); phấn đấu đến năm 2020 có 70% lao động qua đào tạo; 55% được đào tạo nghề theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.
12. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục khẳng định vị trí top 10 toàn quốc. Phát huy truyền thống của quê hương phong trào “Hai tốt”, “Tiếng trống Bắc Lý”, “Lá cờ đầu ngành Giáo dục miền Bắc”, 15 năm qua, giáo dục – đào tạo tỉnh Hà Nam tiếp tục là điểm sáng toàn quốc. Là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 1999; hoàn thành phổ cập giáo dục THCS năm 2002; 100% trường THPT, trên 99% trường tiểu học và THCS được xây dựng kiên cố, cao tầng; là tỉnh được xếp trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi và tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Trường cấp II Bắc Lý (nay là THCS Bắc Lý) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai – Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.
13. Sự nghiệp y tế và các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng phát triển. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, huyện, thành phố, khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với tổng số giường bệnh trong các cơ sở y tế nhà nước đạt 2.500 giường. 100% các thôn, xóm có cán bộ y tế; 88% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 17%.
14. Thành phố Phủ Lý từ thị xã được công nhận đô thị loại III năm 2006; công nhận thành phố trực thuộc tỉnh năm 2008 và đang phấn đấu trở thành đô thị loại II. Thành phố Phủ Lý được quan tâm đầu tư xây dựng và không ngừng phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Hiện nay, thành phố đang hướng tới mở rộng địa giới hành chính và phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2015, tạo cơ sở đề nghị được công nhận chính thức vào năm 2018.
15. Hệ thống chính trị luôn được chú trọng củng cố, kiện toàn, thu hút sự đồng thuận trong xã hội, tạo được niềm tin của nhân dân, giữ ổn định chính trị vững chắc từ cơ sở, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo P.V
(baodautu.vn)
Bình luận (0)