Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

150.000 trẻ mầm non sẽ phải đi học muộn?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đi học muộn của các cháu mầm non sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình

Sáng 10-2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức lễ tổng kết học kỳ I (năm học 2008-2009) bậc học mầm non. Một trong những vấn đề mà các đại biểu đặc biệt quan tâm đó là làm sao giải phóng sức lao động chân tay cũng như tăng thu nhập cho giáo viên mầm non…
Giờ đón trẻ: trễ 1 giờ
Hơn 20 năm qua, hàng ngàn giáo viên mầm non (GVMN) trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải dạy không công trung bình 2 giờ/ngày. Để “đòi” lại sự công bằng, đầu năm học 2008 – 2009, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP đề nghị hỗ trợ tiền phụ trội cho GVMN là 396 giờ/năm học. Ngay sau đó, UBND TP đã chỉ đạo cho Sở Tài chính TP tìm hiểu về vấn đề này…
Sau nhiều tháng trực tiếp xuống các trường MN khảo sát thời gian làm việc của GV cũng như việc sử dụng ngân sách của nhà trường, cuối cùng Sở Tài chính TP đã căn cứ vào Thông tư 50 (Liên Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT) kiến nghị UBND TP chỉ trả 200 giờ/năm cho GVMN thay vì là 396 giờ như đề nghị của Sở GD-ĐT. Như vậy, các GVMN vẫn phải làm không công 196 giờ/năm học.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) cho rằng: “Nếu ngân sách chỉ trả được 200 giờ/năm thì các trường nên vận động cha mẹ học sinh trả phần còn lại là 196 tiết”. Nhưng “kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh là rất khó khăn, bởi ngay cả những khoản chi phí theo quy định mà nhiều phụ huynh còn không đóng được. Nếu bây giờ kêu gọi họ đóng góp để chi trả tiền phụ trội cho GVMN thì không ít phụ huynh sẽ cho trẻ nghỉ học”, bà Trần Thị Hoàng Mai – Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ tâm tư.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm thời gian làm việc cho GVMN. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3 đề xuất: “Hiện tại các trường mầm non đón trẻ từ 7 giờ hoặc 7 giờ 30 phút sáng và trả trẻ vào lúc 4 giờ 30 phút, không có thời gian nghỉ trưa, như vậy là mỗi ngày GV làm việc ít nhất là 10 tiếng. Do ngân sách nhà nước chỉ trả được 9 giờ/ngày nên chúng ta chỉ làm 9 giờ. Vì vậy thời gian đón trẻ nên trễ 1 giờ, khoảng 8 giờ mỗi ngày”…
Thống nhất với đề xuất của bà Minh Nguyệt, bà Lê Thị Lan – Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.1 cũng cho rằng: “Từ nhiều năm nay, Q.1 đã hỗ trợ tiền phụ trội cho GVMN là 1 giờ/ngày. Bây giờ xin thêm 1 giờ nữa là không khả thi vì ngân sách cấp cho GDMN chiếm tương đối nhiều so với các bậc học khác. Nên chăng là giảm thời gian làm việc của GV xuống còn 9 tiếng/ngày…”. Như vậy thành phố sẽ có khoảng 150.000 trẻ mầm non đến trường muộn hơn hiện nay là 1 giờ.
Mỗi lớp nên có thêm 1 bảo mẫu
TP.HCM hiện có gần 12.911 GVMN với tổng số học sinh là 255.835 (trong đó có 40.440 cháu nhà trẻ và 215.395 cháu mẫu giáo). “Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì với 255.835 cháu, TP.HCM phải có 20.000 GVMN. Như vậy là chúng ta đang thiếu khoảng 7.000 GV. Thiếu GV sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ, đặc biệt là với chương trình giáo dục MN đổi mới (yêu cầu GV phải giám sát trẻ để giúp đỡ các bé khắc phục những yếu kém). Song tuyển thêm GV thì không thể vì chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm chỉ có giới hạn. Mặt khác số học sinh thi vào các trường sư phạm ngành MN cũng không nhiều. Vì vậy để giải phóng công tác sự phụ (như làm vệ sinh lớp học, vệ sinh thân thể cho trẻ…) cho GVMN, các trường cần tuyển thêm bảo mẫu (BM). Trung bình mỗi lớp trên 45 cháu nên có 1 BM và 2 GV”, bà Kim Thanh – Phòng GDMN Sở GD-ĐT đề nghị.
Tăng cường BM để giải phóng bớt sức lao động chân tay cho GVMN là điều mà các trường rất muốn làm nhưng không phải trường nào cũng có đủ điều kiện để làm. Hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có một số trường có BM, cụ thể là Trường MN 19-5. Để có tiền trả lương cho BM, mỗi tháng phụ huynh phải đóng thêm 25 ngàn đồng.
“Cho dù phụ huynh có đồng ý đóng thêm tiền để trả lương cho BM, nhà trường cũng không biết giải chi như thế nào vì thủ tục tài chính rất rườm rà, chi ly và hành chính”, bà Minh Nguyệt – Q.3 bức xúc.
Không chỉ bức xúc về đời sống khó khăn của GVMN, nhiều đại biểu còn tâm tư về chế độ ưu đãi đối với cán bộ đang công tác tại phòng GD. Bà Nguyễn Thị Bích Nga – Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè cho biết: “Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè hiện còn 16 biên chế, trong khi công việc thì quá nhiều nhưng muốn nhận thêm người cũng rất khó. Nhiều cán bộ quản lý đang công tác ở các trường khi được mời lên phòng đều từ chối. Bởi ở trường, họ được hưởng 35% phụ cấp đứng lớp nhưng lên phòng thì không có. Mặt khác phụ cấp chức vụ ở trường cũng cao hơn ở phòng. Trong khi phụ cấp chức vụ của hiệu trưởng, hiệu phó là 0,30 – 0,35% thì phụ cấp của trưởng phòng, phó phòng chỉ có 0,25%”…
Bà Trương Thị Kim Chọn – Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cũng cho biết: “Phòng GD-ĐT Bình Chánh đã tham mưu với lãnh đạo huyện về chế độ ưu đãi cho cán bộ phòng nhưng UBND huyện nói phải có chủ trương chung chứ huyện không dám làm khác. Vì vậy thu nhập khi làm việc phòng GD và trường có thể chênh lệch nhau từ 5 – 6 triệu đồng/tháng xuống còn trên dưới 2 triệu đồng/tháng”…
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)