Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) khai mạc tại Hawaii với sự tham gia của hơn 25.000 quân nhân từ 29 quốc gia và tiếp diễn cho đến tháng 8 tới.
Được tổ chức 2 năm một lần, RIMPAC năm nay quy tụ lực lượng vũ trang từ 29 quốc gia. Họ sẽ tham gia 5 tuần huấn luyện với mục đích tăng cường quan hệ đa phương và nâng cao khả năng sẵn sàng thúc đẩy "một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở".
Hải quân Chile tới Hawaii tham dự RIMPAC. Ảnh: Al Jazeera
RIMPAC do Úc, Canada và Mỹ khởi xướng vào năm 1971. Cuộc tập trận năm nay bắt đầu vào ngày 27-6, có sự tham gia của quân nhân Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các quốc gia ở Đông Nam và Nam Á, Mỹ Latin và 7 quốc gia châu Âu.
Israel cũng sẽ tham gia RIMPAC lần này (lần thứ ba họ có mặt), dẫn đến sự phản đối từ các nhóm ủng hộ Palestine trong khu vực vì cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến hơn 37.000 người thiệt mạng kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tàu đổ bộ JS Kunisaki của Nhật Bản tại Hawaii. Ảnh: Al Jazeera
Một trong 3 tàu ngầm của Hàn Quốc tham gia RIMPAC 2024. Ảnh: Al Jazeera
Theo các nhà lãnh đạo quân sự, RIMPAC cho phép các lực lượng hải quân tham gia "nâng cao khả năng tương tác, sẵn sàng cho một loạt hoạt động tiềm tàng trên toàn cầu".
Cuộc tập trận tập trung vào chiến đấu và huấn luyện dự phòng trên đất liền, trên không và trên biển. Tham gia tập trận gồm 150 máy bay, 40 tàu mặt nước, 3 tàu ngầm và hơn 25.000 quân nhân. Các hoạt động trong khuôn khổ tập trận bao gồm đổ bộ, huấn luyện chiến đấu đô thị, tác chiến chống ngầm, diễn tập đánh chìm tàu, các hoạt động mạng và không gian…
Người phát ngôn của RIMPAC cho biết cuộc tập trận năm nay sẽ nhấn mạnh "chiến thuật mạnh mẽ và phức tạp, các hoạt động cứu trợ thảm họa và nhân đạo toàn diện, tác chiến đa miền liên hợp".
Al Jazeera nhận định RIMPAC 2024 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực dâng cao.
Mỹ đã tăng cường quan hệ đối tác đa phương liên khu vực, thiết lập các thỏa thuận quốc phòng mới và phát triển năng lực quân sự trên khắp châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng tăng cường tập trận quân sự trong khu vực.
Trong khi đó, Nga đã trở nên tích cực hơn trong khu vực. Trong 2 tháng qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần lượt tới Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, ký hiệp ước phòng thủ với Bình Nhưỡng. Động thái này báo hiệu một kỷ nguyên mới về kinh tế, chính trị và hợp tác quân sự.
Trung Quốc từng tham gia RIMPAC vào hai năm 2014 và 2016 nhưng không được mời vào năm 2018. Nước này cũng sẽ không tham gia RIMPAC 2024.
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO
Bình luận (0)