Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

16 kỹ năng sống giúp trẻ trở thành người có trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cha mẹ cần dạy con nấu ăn, giặt đồ, giữ gìn sức khỏe thông qua tập luyện và ăn uống lành mạnh… ngay khi còn nhỏ.

Dạy con kỹ năng sống để trở thành người có trách nhiệm không thể làm trong vài ngày hay vài tuần, cha mẹ phải mất thời gian, nỗ lực và nhất quán dạy trẻ trong suốt quãng thời gian thơ ấu. Trang Lifehack chỉ ra 16 kỹ năng sống bạn nên giúp con học trước khi trở thành người lớn.

1. Nấu ăn

Mỗi đứa trẻ cần học nấu ăn trước khi trưởng thành và sống tự lập. Nếu không thể tự nấu ăn, con bạn sẽ lãng phí tiền để đi ăn hoặc ăn đồ ăn nhanh, thiếu lành mạnh. Hãy bắt đầu dạy trẻ ngay trong căn bếp nhà bạn, mỗi lần bạn nấu cơm nhưng phải đảm bảo sự an toàn.

Nếu trẻ còn nhỏ, bạn có thể để con trộn thức ăn, rửa rau củ. Dần dần, hãy hướng dẫn trẻ tự hoàn thiện các món ăn, có thể theo sách công thức hoặc theo cách làm của bạn.

Dạy nấu ăn nên là một phần trong hành trình trưởng thành của trẻ và nên thực hành hàng tuần. Mỗi lần trẻ nấu ăn với bạn, hãy dành thời gian để giải thích những gì bạn đang làm và tại sao, để chúng có thể học được điều gì đó mới mẻ trong nhà bếp.

Ảnh: eatright

2. Tự giặt đồ

Trước khi con bạn trưởng thành, hãy dạy chúng cách sử dụng máy giặt, máy sấy trong nhà và để chúng thực hành nhiều lần. Ngoài ra, bạn nên dạy cách tự giặt đồ bằng tay vì không phải lúc nào trẻ cũng có thể sử dụng máy giặt.

Không chỉ giặt đồ, hãy để trẻ gấp, phơi, phân biệt các loại quần áo… Biến những công việc này trở thành công việc hàng ngày, giúp trẻ xây dựng tính trách nhiệm và cùng cha mẹ gánh vác việc gia đình.

3. Quản lý tài chính

Trẻ em nên được học cách quản lý tiền từ nhỏ để có thể quản lý tài chính một cách thông minh khi trưởng thành. Từ việc cho phép trẻ sở hữu khoản tiền nhỏ, bạn có thể nhận thấy con mình tiết kiệm hay hào phóng trong chi tiêu. Và cách tốt nhất là giúp trẻ dung hòa hai tính cách này để hình thành thói quen chi tiêu hợp lý.

4. Giao tiếp

Giao tiếp là nền tảng của các kỹ năng xã hội. Trẻ cần giao tiếp với mọi người xung quanh để có thể xây dựng nhiều mối quan hệ, tự tin trình bày quan điểm và thu hút niềm tin của mọi người.

5. Đánh máy

Cho dù con bạn trở thành người lao động tay chân hay trí óc, kỹ năng đánh máy là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay. Hãy đảm bảo con bạn có thể gõ, sử dụng bàn phím hay soạn thảo văn bản nhuần nhuyễn như cách chúng sử dụng ngôn ngữ.

6. Đặt và đạt mục tiêu

Trẻ không cần thiết lập mục tiêu cuộc sống ở tuổi 12 nhưng hãy bắt đầu dạy trẻ đặt mục tiêu trong tương lai gần, phù hợp với độ tuổi. Bằng cách này, chúng sẽ được trau dồi và rèn luyện kỹ năng, cố gắng đạt những mục tiêu dài hạn khi trưởng thành.

7. Giữ gìn sức khỏe thông qua tập luyện và ăn uống lành mạnh

Trách nhiệm đối với cơ thể là điều cơ bản giúp con người tồn tại. Nếu có thể chăm sóc cơ thể trẻ mới có cuộc sống khỏe mạnh, tích luỹ nhiều thời gian cho cuộc sống.

Bạn có thể dạy trẻ sống có trách nhiệm với cơ thể bằng một vài phương pháp dưới đây:

– Ăn ít nhất một bữa một ngày cùng gia đình.

– Tham gia hoạt động ngoài trời như vui chơi, thể thao.

– Hạn chế sử dụng công nghệ khi ăn.

– Không sử dụng thức ăn làm phần thưởng.

8. Mặc quần áo đúng cách

Mặc quần áo đúng cách sẽ giúp con bạn xây dựng trách nhiệm đối với ngoại hình của mình. Đúng cách bao gồm mặc quần áo sạch sẽ, phù hợp với ngoại hình, tình huống…

Ảnh: fibre2fashion

Ảnh: fibre2fashion

9. Sử dụng dụng cụ và sửa chữa cơ bản

Bất kể con trai hay con gái, trước khi trưởng thành, chúng nên biết cách sử dụng búa, đinh, thay bóng đèn, may vá cơ bản. Bạn có thể dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ bằng việc tháo các món đồ chơi đơn giản và cùng lắp ráp lại. Dạy trẻ cách sửa chữa vật dụng là cách dạy chúng có trách nhiệm với đồ đạc của mình.

10. Quản lý thời gian

Từ khi còn nhỏ, bạn hãy dạy con cách quản lý thời gian cá nhân từ việc nhỏ như đi ngủ sớm, dậy sớm đến việc lớn như tiết kiệm, sử dụng thời gian hợp lý. Ngoài ra, hãy luôn nhắc nhở và hình thành cho trẻ thói quen đến sớm.

11. Ứng phó trong trường hợp khẩn cấp

Điều đầu tiên, bạn hãy yêu cầu trẻ ghi nhớ số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại người thân. Sau đó, đăng ký cho trẻ tham gia những khóa học sơ cứu và kỹ năng hồi sức cấp cứu. Nếu không có điều kiện cho trẻ tham gia, hãy cho trẻ xem video hướng dẫn và thử luyện tập với đồ chơi.

12. Dọn dẹp nhà cửa

Nếu có thói quen dọn dẹp nhà cửa từ nhỏ, trẻ sẽ không để nhà bị bẩn nếu ra ở riêng và biết cách sống có trách nhiệm với gia đình riêng của mình. Bạn hãy dạy con cách giữ nhà cửa sạch sẽ, phân biệt và cách dùng các loại chất tẩy rửa, để chúng thực hành thường xuyên.

Ảnh: montessoriacademy

13. Sử dụng phương tiện công cộng

Giao thông công cộng đang trở thành xu hướng hiện đại và việc biết cách sử dụng chúng là cần thiết. Nếu bạn cùng con di chuyển bằng phương tiện công cộng, hãy nhớ hướng dẫn chúng cách sử dụng.

14. Bảo vệ bản thân

Bạn không thể ở bên cạnh con cả đời và bảo vệ chúng. Vì vậy, ngay từ khi con con nhỏ, hãy hướng dẫn và hạn chế giúp đỡ để chúng có thể tự bảo vệ mình. Bảo vệ bản thân cũng là dạy con có trách nhiệm với chính mình.

15. Kỹ năng làm việc nhóm

Bạn hãy để trẻ tham gia vào những công việc nhóm như học tập, vui chơi. Hãy bắt đầu từ nhóm thành viên trong nhà và những công việc nhà như tổng vệ sinh, nấu ăn, chơi trò chơi. Sau đó, hãy khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao đồng đội hoặc vui chơi cùng bạn bè trong khu phố. Kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp trẻ xây dựng trách nhiệm với các công việc cộng đồng, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

16. Cư xử có văn hóa

Cư xử văn hóa được thể hiện qua rất nhiều hành động, thể hiện trách nhiệm đối với mọi người xung quanh và xã hội. Bạn hãy bắt đầu dạy trẻ cư xử tốt với người thân, bạn bè bao gồm tôn trọng mọi người, hành động lịch sự, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, biết cảm ơn và xin lỗi…

Theo Tú Anh (Theo Lifehack)/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)