Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

167/234 chợ truyền thống đã mở cửa

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 11-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Chủ trì họp báo có ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.


Các đại biểu tham dự buổi họp báo

Lượng hàng hóa về TP tăng cao

Tại họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, lượng hàng hóa về TP đến hôm nay rất cao, đạt 8.000 tấn/ngày. Riêng 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và trạm trung chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối Thủ Đức đạt 3.000 tấn/ngày. Có 167/234 chợ truyền thống đã được mở, dự kiến từ nay cuối tuần sẽ mở thêm 4 chợ nữa.

Trước thực trạng một số chợ tự phát hoạt động dù không được phép, ông Tú nhấn mạnh trong các cuộc họp lãnh đạo TP luôn nhắc nhở, chỉ đạo các địa phương không để mở lại các chợ tự phát trong điều kiện hiện nay. Ông mong người dân ủng hộ với quyết định của TP, không ủng mua thực phẩm tại các chợ tự phát để đảm bảo phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Và đề nghị các địa phương phải tập trung xử lý, không để phát sinh các chợ tự phát,nhất là khu vực xung quanh chợ truyền thống.

Về tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Tú cho biết trong khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) có 96% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, riêng khu công nghệ cao (KCNC) đạt 100%. Các doanh nghiệp ngoài KCX, KCN, KCNC đã đạt trên 90% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Liên quan đến lực lượng lao động, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết, thời gian qua nhiều lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã quay về quê với hơn 8.000 người về Tây Nguyên, hơn 44.000 người về Tây Nam bộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng này đã quay lại TP làm việc. Cụ thể, người lao động ở khu vực ở Tây Nguyên quay lại là hơn 400 người, Tây Nam bộ khoảng 14.600 người. “Để thu hút người lao động quay lại làm việc, TP đã có nhiều giải pháp hỗ trợ như tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông, tổ chức tiêm vắc xin, test nhanh miễn phí, giới thiệu việc làm, giảm giá nhà trọ…”, ông Lâm nói.

Dịch bệnh gia tăng ở huyện Nhà Bè và Hóc Môn

Đánh giá tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại huyện Nhà Bè, ông Võ Phan Lê Nguyễn – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, dịch bệnh tại Nhà Bè đang ở cấp độ 2, trong những ngày gần đây số ca bệnh có tăng, với 62 ca trong vòng 5 ngày gần nhất. Thống kê từ ngày 5 đến ngày 9-11 đã phát sinh 543 ca, trong đó nguồn lây từ các doanh nghiệp ở các KCX, KCN và các doanh nghiệp bên ngoài là 250 ca, chiếm khoảng 46%.

Theo ông Nguyễn, nguyên nhân lây nhiễm do lưu lượng lưu thông đông, sự tiếp xúc giữa người dân gia tăng nên số ca nhiễm tăng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Qua khảo sát, đánh giá có gần 50% các ca nhiễm xuất phát từ các KCX, KCN. Các biện pháp phòng chống dịch ở các doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ theo quy định của TP. Các công nhân lưu trú trong nhà trọ tương đối nhỏ, chật hẹp nên tỷ lệ lây nhiễm chuyển biến nhanh.


TP có 167/234 chợ truyền thống đã mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân

Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Nhà Bè thường xuyên họp đánh giá tình hình và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà Trung ương và TP hướng dẫn. Đặc biệt các ca F0 khi phát hiện được kịp thời đưa về nhà cách ly, điều trị nếu đủ điều kiện. Ngược lại sẽ đưa vào khu cách ly tập trung của huyện để chăm sóc, điều trị.

Ban chỉ đạo cũng vận động các chủ nhà trọ khai báo, nắm thông tin đầy đủ của người lưu trú và dành 50% công suất nhà trọ để thực hiện cách ly nếu phát hiện F0. Thường xuyên thông tin truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tiếp tục củng cố pháo đài ở xã, thị trấn để thực hiện hiệu quả nhất công tác phòng, chống dịch… Đặc biệt, quan tâm phối hợp xử lý các ca nhiễm trong KCX, KCN. Đơn cử, phối hợp thành lập khu cách ly F0, đảm bảo khi phát hiện F0 sẽ đưa vào cách ly; tổ chức trạm y tế lưu động để kịp thời xử lý;…

Tương tự huyện Hóc Môn, dịch bệnh đang ở cấp độ 2. Bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết, số ca F0 trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng trong những tuần lễ gần đây. Từ ngày 22 đến ngày 28-10 có 346 ca xét nghiệm PCR; từ ngày 29-10 đến ngày 4-11 tiếp tục với 342 ca xét nghiệm PCR. Qua đánh giá gần nhất là hôm qua, Hóc Môn thực hiện test nhanh đã phát hiện 633 ca nhiễm trong cộng đồng và hộ gia đình.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19 TP cho biết, tính đến 18 giờ ngày 10-11, có 443.212 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. TP đang điều trị 11.586 bệnh nhân, trong đó có 618 trẻ em dưới 16 tuổi, 232 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10-11, có 1.228 bệnh nhân nhập viện, 865 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 259.970), 38 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 17.055). Tính đến ngày 10-11, TP đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 7.836.196 mũi 1 và 5.899.912 mũi 2.

Theo bà Châu, nguyên nhân tăng ca bệnh do địa bàn Hóc Môn rộng, đông dân, mật độ tiếp xúc đông, nhất là từ ngày 1-10 TP bắt đầu mở cửa. Người dân vẫn còn chủ quan, lơ là phòng chống dịch. Việc TP mở cửa để khôi phục kinh tế tạo điều kiện cho nhiều cơ sở xuất kinh doanh được phép hoạt động nên nhiều công nhân bị nhiễm. Một số doanh nghiệp quản lý phòng chống dịch còn lơ là, cho phép các ca nhiễm quay về cộng đồng… “Mặt khác, lực lượng của huyện Hóc Môn mỏng nên việc ra quân đồng loạt để kiểm tra, nhắc nhở xử lý các hộ kinh doanh vẫn chưa tập trung, cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm tăng”, bà Châu nhìn nhận.

Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, bà Châu cho hay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện xác định thời gian tới phải xây dựng nhiều phương án, trong đó xây dựng cho được bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 300 giường, sẽ vận hành trong tuần sau. Tăng cường khoanh vùng, xét nghiệm ở những vùng nguy cơ nhằm đảm bảo xử lý nhanh, dứt điểm các ổ dịch phát sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, nhất là tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện nghiêm quy định 5K, quan tâm quản lý và chăm sóc F0 tại nhà… “Huyện vừa được sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP dập ngay 25 ổ dịch trong cộng đồng ở một số xã”, bà Châu thông tin.

N.Trinh

Hop bao1:

Hopbao2

BOX: 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)