Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

17 cô giáo bị “đầu độc” chì hơn 10 năm

Tạp Chí Giáo Dục

C

Hơn chục năm qua, 17 cô giáo tại Trường tiểu học Bản Thi, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã phải chung sống với nhiễm độc chì. Thế nhưng, kiến nghị của các cô không được cấp nào quan tâm trả lời một cách thấu đáo.

 

Bà Nông Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Bản Thi huyện Chợ Đồn cho biết: Trong trường có 17 cô giáo đi kiểm tra máu thì tất cả đều bị nhiễm độc chì với nhiều mức độ. Người nặng nhất là cô Hà Thị Chanh nhiễm mức 18mg/l, nhẹ nhất là cô Ma Thị Thu nhiễm 5,7mg/l, mức trung bình là từ 10-12mg/l.

 

Cũng theo các cô giáo, danh sách và kết quả xét nghiệm hiện Xí nghiệp Chì kẽm Chợ Điền cất giữ. Biểu hiện rõ nhất về sức khoẻ là cô Thu, năm nay mới 38 tuổi, nhưng đã bị thoái hoá cột sống, viêm khớp khá nặng. Còn hầu hết các cô đều bị thoái hoá cột sống, cô nào cũng thường xuyên bị đau lưng, nhức khớp.

 

Cô Hà Thị Trang bị nhiễm tới mức 8mg/l, người thường xuyên đau yếu. Năm 2006 cô xin chuyển ra dạy tại trường Tiểu học xã Yên Thượng, mới đây đi xét nghiệm cô thấy cơ bản lượng nhiễm chì đã giảm, cơ thể đã khoẻ khoắn, tóc đã mọc xanh trở lại…

 

Hơn chục năm đã qua, các cô đều sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước sát với trường học. Cô Vương Thị Ngọc, giáo viên trường Mầm non bức xúc: Nguồn nước trước đây còn trong vắt, giờ cứ lờ đờ đục nhưng cả trường đều phải sử dụng. Đây là nguồn nước ngầm chảy ra, cách đó không xa là con suối chảy gần xí nghiệp và xưởng tuyển quặng.

 

Hơn nữa, trên ngọn núi thì đào quặng chì kẽm, các hang hố cứ trống hoác, nước ngầm chảy từ trên núi xuống, đem theo các độc tố ra nguồn bó Bủn thôn Hợp Tiến.

 

Cô Ngọc cho hay, khi cô đi xét nghiệm thì tóc đã bị rụng hết, trong khi các cô khác thì thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Cô giáo Trịnh Thị Vi ai gặp cũng nghĩ cô đã 65 tuổi vì mái tóc đã bạc trắng.

 

Biết nước có nhiễm độc chì, cô đành gửi đứa con ra tận thị xã Bắc Kạn ăn học, chấp nhận cảnh mẹ con xa nhau. Sang năm học 2008 – 2009, các cô giáo tại Bản Thi đã nghĩ ra cách đi xe máy ra tận Bản Cậu, xã Bản Thi để lấy nước về uống. Còn người dân thì vẫn hàng ngày sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, ai bị đau đầu hay rối loạn tuần hoàn não lại đến trạm Y tế xã để xin thuốc.

 

Chị Hải, nhân viên tại trạm Y tế xã Bản Thi cho biết, các loại thuốc giảm đau bao giờ cũng cạn kiệt, nhất là những ngày nhà máy đốt, tuyển quặng chì kẽm.

 

Các cô giáo Trường tiểu học Bản Thi và người dân xã Bản Thi đều mong muốn Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên cần phải công khai việc nhiễm độc chì với dân cư gần khu vực khai thác, chế biến quặng chì kẽm xã Bản Thi và phải chịu trách nhiệm giúp dân nơi đây tẩy độc chì, nếu bị nhiễm.

 

Theo TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)