Hội nhậpThế giới 24h

17 đồng tiền biến mất trong 12 năm qua

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong vòng 12 năm qua đã có 17 loại tiền tệ khác nhau biến mất trên bản đồ tiền tệ thế giới. Một công bố tuần của Viện Nghiên cứu chính sách (PPI, trụ sở tại Mỹ) giải thích chi tiết thêm về vấn đề này.

 

Việc một số nước sử dụng đồng USD cũng làm giảm số lượng đồng tiền trên thế giới – Ảnh: smallbizeconomy.com

Tiền xu được phát minh khoảng 2.500 năm trước bởi một nhà luyện kim ở Lydia, một vương quốc ở vùng miền tây Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại – nơi do một nhân vật giàu có huyền thoại tên Croesus trị vì. Khái niệm về tiền xu này nhanh chóng lan tới Hi Lạp, Ba Tư, và trong vòng 200 năm tiếp theo lan tới Rome, Carthage, Ấn Độ và Trung Quốc.

Kể từ đó tới thế kỷ 19, một vài đồng tiền lớn – đồng denarius của La Mã, đồng quan của Trung Quốc, đồng dinar của Abbasid (một vương quốc ở Iraq cổ đại), đồng penny bạc của Anh, đồng ducat của Venice, đồng real của Tây Ban Nha và đồng dollar của Úc – đã lưu thông trên hầu khắp thế giới.

Đến thế kỷ 19, đồng tiền đã trở thành một phần mang tính bản sắc riêng của mỗi đất nước. Các quốc gia mới độc lập từ thế kỷ 19 và 20 đều đưa ra đồng tiền xu, tiền giấy riêng cùng với việc công bố quốc kỳ, người đứng đầu chính quyền, quốc ca và tham gia LHQ. Khoảng một thế hệ trước, số lượng các loại tiền tệ xấp xỉ ngang với số lượng mỗi quốc gia.

Nhưng kể từ đầu những năm 1990, số lượng đồng tiền trên thế giới bắt đầu giảm dù có thêm một số quốc gia độc lập mới. Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đã đưa ra danh sách 171 đồng tiền khác nhau của 191 quốc gia năm 1996. Đến năm 2008, trong tổng số 194 quốc gia độc lập thì ISO liệt kê chỉ còn 157 đồng tiền khác nhau. Có ba lý do chính cho sự biến mất của các đồng tiền này:

 

Cho đến giờ việc đếm số lượng đồng tiền không hề dễ dàng chút nào do có nhiều khái niệm độc lập khác nhau gắn với từng đồng tiền nhất định.

Đồng đôla của Bermuda, dù gắn chặt với đồng USD, được quản lý bởi cơ quan quản lý tiền riêng của mình nên được coi là đồng tiền riêng. T

ương tự, đồng lira của Vatican dù có thể hoán đổi với đồng lira cũ của Ý cũng được coi là đồng tiền riêng do có một cơ quan kinh tế riêng của Vatican quản lý.

Ngược lại với điều này, đảo Channel của Anh dù in đồng tiền riêng của mình nhưng sự khác biệt chỉ có trên giấy tờ, còn về giá trị thì hoàn toàn bằng đồng bảng Anh và được điều hành bởi Ngân hàng trung ương Anh.

Euro: đồng euro là một trong những lý do chính khiến nhiều đồng nội tệ biến mất. Được chính thức lưu thông từ năm 2002 để giảm chi phí trong giao dịch, tránh tình trạng lãi suất không đồng đều do đầu cơ và tình trạng cạnh tranh phá giá đồng tiền, củng cố thêm ý thức về một cộng đồng chung châu Âu, việc đồng tiền này ra đời đã xóa sổ một loạt đồng tiền nổi tiếng như mark Đức, đồng franc có 640 năm tuổi, đồng guilder nhiều màu sắc của Hà Lan và đồng lira của Ý.

Cũng chung số phận này có đồng schilling của Áo, franc của Bỉ, markka của Phần Lan, punt của Ireland, drachma của Hi Lạp, franc của Luxembourg, escudo của Bồ Đào Nha, peseta của Tây Ban Nha và lira của Vatican. Khi EU mở rộng, các đồng tiền khác như pound của đảo Cyprus, lira của Malta, koruna của Slovakia và tolar của Slovenia cũng mất dần. Các đồng zloty của Ba Lan, kroon của Estonia và pengo của Hungary có thể là những đồng tiền ra đi kế tiếp.

Các đồng tiền khu vực khác: Ở hai khu vực duy trì đồng tiền chung khác cũng làm giảm số lượng tiền tệ trên thế giới. Tám đảo quốc và vùng lãnh thổ ở Caribê đã cùng dùng chung đồng đôla Đông Caribê kể từ năm 1965, trong khi khoảng chục nước châu Phi khác đã sử dụng đồng CFA franc kể từ năm 1945 (Guinea-Bissau gia nhập từ năm 1997). Hội đồng hợp tác vùng Vịnh gồm sáu nước (Bahrain, Kuwait, Saudi Arabia, UAE và có thể là Oman) có thể sẽ triển khai đồng tiền chung từ đầu năm 2010. Hiệp định về Cộng đồng kinh tế châu Phi năm 1991 cũng cam kết cả 58 quốc gia ở châu lục này sẽ sử dụng một đồng tiền chung vào năm 2028.

Đôla hóa và euro hóa: Một vài quốc gia nhỏ và mới thành lập đã đơn giản chỉ lựa chọn sử dụng một đồng tiền quốc tế mạnh, do lo sợ tình trạng bấp bênh của tiền tệ và giảm áp lực thanh toán. El Salvador và Ecuador đã xóa bỏ đồng colon và sucre của mình để dùng đồng đôla trong khi Ireland, dù không là thành viên EU, có thể sẽ sử dụng đồng euro sau sự sụp đổ của hệ thống tài chính nước này. Các lãnh thổ tí hon như Monaco, Andorra, San Marino và Vatican cũng có thể chuyển sang sử dụng euro. Trong năm quốc gia giành được độc lập kể từ năm 1992, có bốn nước đã “không thèm” đưa ra đồng tiền mới: Đông Timor và Palau chỉ đơn giản chọn đồng đôla (cũng tương tự Micronesia và quần đảo Marshall hơn một thập kỷ trước đó). Kosovo và Montenegro đã chỉ đơn giản là chọn đồng euro. Ngoại lệ duy nhất là Eritrea đã đưa ra đồng nakfa của mình.

Việc đôla hóa hay euro hóa dù được coi là giúp giảm lạm phát, giảm nguy cơ phá giá đồng tiền đột ngột nhưng bị coi là mất độc lập về mặt tiền tệ, mất quyền in tiền và khó có thể đảo ngược được một chính sách sai nào đó.

Như vậy, có vẻ như thế giới lại đang trôi dạt dần về với xu hướng tiền tệ thời Trung cổ khi chỉ có một vài đồng tiền chủ chốt, thay vì có rất nhiều loại tiền tệ mạnh yếu khác nhau. Có lẽ điều này xuất phát từ trên góc độ thực tiễn nhiều hơn vì các quốc gia nhỏ có thể thiệt thòi nhiều hơn nếu sử dụng đồng tiền riêng của mình. Cũng có thể ý nghĩa của chủ quyền (mà tiền tệ từng được coi là một phần trong đó) đã có những biến chuyển nhất định.

THANH TUẤN (TTO)

Bình luận (0)