Bị ảnh hưởng chất độc da cam, cô gái Lê Thị Thanh Hằng sinh ra đã không thể tự di chuyển được. 17 năm qua, trên đôi tay người cha, Hằng đã học xong lớp 12, bây giờ cô bắt đầu học nghề…
Con
Cô gái 27 tuổi với chiều cao chưa tới 1m được bố bế lên tận lớp học trên lầu. Lớp học miễn phí này dành cho một số bạn trẻ khuyết tật, mồ côi thuộc Làng Hòa bình Từ Dũ và Làng Trẻ em S.O.S TP.HCM. Ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế, Hằng chăm chú lắng nghe hướng dẫn cách cắm hoa. Dù đôi bàn tay bị co quắp nhưng chỉ học tới buổi thứ hai, Hằng đã biết kết những bó hoa cưới thật đẹp. Hằng tâm sự: “Năm nay đã 27 tuổi rồi, mình muốn kiếm một cái nghề để tự nuôi thân. Mình ước được làm chủ một shop hoa nhưng gia đình mình rất khó khăn, thôi thì làm nhân viên vậy! Chỉ lo không ai nhận người tật nguyền như mình…”.
Có lẽ ít ai ngờ rằng, Hằng đã tốt nghiệp lớp 12. Con đường học hành của Hằng rất gập ghềnh, mấy lần tưởng “đứt gánh” nửa chừng bởi những cơn đau hành hạ. Có giai đoạn, Hằng phải học chắp nối một lớp – hai năm. Vốn là người khát chữ, ham hiểu biết, Hằng không chịu đầu hàng số phận. Cô luôn được bố mẹ động viên và hết lòng hỗ trợ. Vệ sinh thân thể hằng ngày, mặc áo quần cho Hằng… đều nhờ bàn tay của người mẹ. Còn bố thì bế Hằng đến trường, bất kể ngày cũng như đêm. Nói về bố mình, Hằng đúc kết một câu ngắn gọn: “Bố mình là người vĩ đại!”, và “Mình chỉ biết cảm ơn bố mẹ bằng cách phải học thật giỏi thôi” – cô bộc bạch. Có lẽ nhờ thế mà kết quả học tập của Hằng rất đáng nể. Các kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12, Hằng đều đạt loại giỏi và khá. Cô còn ao ước học thêm vi tính nhưng vì lo ngại sức khỏe của người cha già nên không dám đòi hỏi.
Cha
Ông là Lê Quang Ánh, 71 tuổi, hưu trí quân đội. Trước giải phóng, ông từng chiến đấu ở tuyến lửa khốc liệt Khe Sanh – Đường 9 Nam Lào. Mẹ Hằng cũng từng là thanh niên xung phong, rồi làm giao liên. Nhiều năm nay, bà bị mất sức lao động nên bán hàng tạp hóa tại nhà. Vợ chồng ông Ánh có ba con, trong đó Hằng là đứa con duy nhất bị ảnh hưởng chất độc da cam. Năm 1994, ông Ánh quyết định chuyển gia đình từ Hà Nội vào TP.HCM để giúp Hằng bớt đau nhức các khớp xương mỗi khi trời trở rét. Suốt 17 năm, bằng đôi tay của mình, ông Ánh giúp con học xong chương trình lớp 9, rồi lớp 12. Từ lớp 6 đến lớp 12, Hằng học ban đêm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.1. Ông Ánh bế con lên lớp, rồi quanh quẩn trong sân trường đợi đón con về. Nhiều hôm, hai bố con về đến nhà thì đêm đã khuya. Có những hôm, ông đổ bệnh nhưng cắn răng không cho con hay, sợ con bỏ học. Đôi khi, do kiệt sức và đơn độc, ông có gắt gỏng với con, để rồi sau đó, ông hối hận và thương con nhiều hơn. Thấy con chăm học và có bạn bè trò chuyện, ông mừng. Nhưng ông chạnh lòng khi nghĩ tới ngày ông không còn sức đưa đón, Hằng sẽ ra sao.
…11 giờ 30, lớp học cắm hoa sáng chủ nhật kết thúc. Không biết từ bao giờ, người cha đã túc trực sẵn ở cửa lớp. Ông cẩn thận bế Hằng bước từng bước xuống cầu thang. Rồi ông nhẹ nhàng đặt con lên chiếc xe máy cũ kỹ. Ông mặc áo khoác, đội mũ bảo hiểm, đeo kính mát cho con trước khi nổ máy. Tôi nhẩm tính, từ đường Trần Quang Diệu (Q.3) – nơi Hằng học cắm hoa – về đến nhà ông ở đường 27 (Q.Tân Phú) cũng mất chừng 10 cây số nữa. Con đường phía trước của hai cha con còn xa và nhiều trắc trở…
Theo Như Lịch – Thanh niên Online
Bình luận (0)