Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

2 năm còn lại có thể không thực hiện được hoàn toàn 49 đề án đã đề ra

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 7-12, tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trực tiếp trả chất vấn của các đại biểu về vấn đề kinh tế – xã hội.


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại phiên chất vấn chiều 7-12

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức nhấn mạnh đến việc triển khai 4 chương trình trọng điểm đột phá phát triển TP trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Các đề án chương trình đến nay chưa đóng góp nhiều vào phát triển TP, chưa tạo đột phá, đặc biệt đột phá về phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, văn hóa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP.

“Từ thực tế này, mong Chủ tịch UBND TP cho biết thêm nguyên nhân vì sao? TP còn 2 năm nữa để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11 trong nhiệm kỳ thì UBND TP có biện pháp gì để điều hành, triển khai thực hiện 4 chương trình trọng điểm để mang lại hiệu quả như Nghị quyết Đại hội đã đề ra”, ông Đức đặt vấn đề.

Trả lời vấn đề đại biểu đặt ra, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP mất 2 năm trong việc cụ thể hóa triển khai thì đến giờ này có một số đề án chưa hoàn thành và chưa chính thức công bố để triển khai.

Theo ông, ông tiếp nhận nhiệm vụ sau gần một năm khi đại hội ban hành 4 chương trình trọng điểm đột phá. Trước đó, khi tổng kết nhiệm kỳ để chuẩn bị cho Đại hội 11, TP đặt rất nhiều kỳ vọng cho sự phát triển và đã đề ra 4 chương trình trọng điểm đột phá với 51 chương trình, đề án, công trình rất lớn.

Tuy nhiên, khi sơ kết lại cho thấy có những nội dung đặt ra khá cao so với thực lực, năng lực tiếp nhận triển khai, nguồn lực triển khai, đặc biệt chưa lường được các diễn biến sau Đại hội 11 đó là đại dịch Covid-19, những tác động từ kinh tế thế giới bên ngoài gần như xáo trộn tất cả. “TP gần như mất 2 năm 2021 và 2022 cho việc cụ thể hóa và thực hiện”, ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP cho biết, 4 chương trình trọng điểm đột phá với 51 chương trình, đề án, công trình thì lĩnh vực kinh tế – xã hội có 49 đề án thì đến hiện tại mới cụ thể hóa được 45 đề án.

Còn lại, 1 đề án thành lập trung tâm thương mại dịch vụ xin chủ trương dừng lại do chưa đúng thời điểm, có thể sau này điều kiện thuận lợi sẽ làm. 3 đề án công nghiệp dược, nâng huyện lên quận hoặc thành phố và quy hoạch xử lý chất thải rắn chưa hoàn thành.

“Trên thực tế đây là những đề án TP đã làm và đã trình thường vụ nhưng chưa hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường vụ để chính thức ban hành và có kế hoạch triển khai”, ông Mãi lý giải.

Ông cho biết thêm, đánh gía đóng góp của 49 đề án cho kinh tế – xã hội TP từ ý kiến các sở ngành, quận huyện, tổ chức, hiệp hội nhà khoa học thì quá trình cụ thể hóa chậm, gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được như kỳ vọng.

Về nguồn lực bố trí, trước hết là nguồn lực đầu tư công, các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội để triển khai chưa nhiều. Rất nhiều đề án có thể thu hút được nguồn lực xã hội nhưng TP chưa chuẩn bị được về quy hạch, cơ chế chính sách. Đơn cử, đề án logistics nếu có cơ chế tốt hoàn toàn có thể thu hút đợc nguồn lực đầu tư xã hội để triển khai. “Đây là một khía cạnh từ góc độ chuẩn bị và tình hình thực tế”, ông Mãi nói.

Trong thời gian tới, ông Mãi cho biết khi sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện 49 đề án, cộng với Ban Thường vụ Thành ủy TP giám sát cũng đã chỉ ra những định hướng. Trong đó, TP phải tiếp tục thực hiện 3 đề án công nghiệp dược, nâng huyện lên quận hoặc thành phố và quy hoạch xử lý chất thải rắn.

Các đề án còn lại tích hợp vào kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam bộ; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM. Hai nghị quyết này cũng chỉ ra những trọng tâm trùng đến 70-80% với 49 đề án, do đó TP sẽ lồng ghép để thực hiện.

Đồng thời, 2 năm còn lại TP phải xác định trọng tâm, trọng điểm trong đó có hạ tầng giao thông, đô thị, đặc biệt là hạ tầng số. “Nói về hạ tầng số cũng có một bất cập. TP đã xác định rất đúng việc xây dựng TP thông minh, chuyển đổi số nhưng thời gian vừa qua đầu tư và triển khai các dự án, đề án từng lĩnh vực này cũng chậm. Nguyên nhân do có thay đổi một số định hướng từ trên, cũng như một số quy chuẩn, kể cả cách tiếp cận cho nên TP phải rà soát lại đề án đã chuẩn bị ở thời điểm từ năm 2015”, ông Mãi lý giải.

Theo người đứng đầu UBND TP, trọng điểm nữa TP phải tập trung cho các nội dung có liên quan đến văn hóa, xã hội. Đồng thời, gắn việc triển khai 49 đề án với chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là kinh tế dịch vụ quan trọng có giá trị lớn như dịch vụ tài chính, như là trung tâm giải trí, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.

Tương tự, phát triển y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực khu vực, thu hút công nghiệp công nghệ cao… là những định hướng cho thời gian tới và một số ngành theo định hướng của Trung ương để TP có sự tập trung như: chip bán dẫn, công nghệ sinh học, tự động hóa, robotics. Những lĩnh vực này trong quá trình thực hiện sẽ có cập nhật để điều chỉnh cơ cấu kinh tế của TP theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Chủ tịch UBND TP đánh giá 2 năm còn lại của nhiệm kỳ có thể không thực hiện được hoàn toàn 49 đề án đã đề ra với những kỳ vọng ở thời điểm lúc đó TP chưa hình dung được hết những bối cảnh khó khăn. Như vậy, TP xác định lại trọng tâm, cố gắng đeo bám để điều hành, thực hiện và đạt được những kết quả cao nhất có thể.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)