Theo đó, hiện nay Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang xây dựng “Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông”, trong đó có chính sách chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch, làm cơ sở để triển khai thực hiện cho toàn bộ hệ thống xe buýt của TP trong thời gian tới.
Ông Phạm Quốc Huy – Phó Trưởng Phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở GTVT thông tin tại họp báo
Chiều 23-5, tại họp báo cung cấp thông tin các vấn đê kinh tế – xã hội trên địa bàn TP, do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức, ông Phạm Quốc Huy – Phó Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã thông tin về kết quả sau 2 năm thí điểm tuyến xe buýt điện có trợ giá D4.
Cụ thể, qua 2 năm hoạt động thí điểm, tuyến xe buýt điện có trợ giá D4 đã thực hiện 45.973 chuyến, đạt tỷ lệ 99,4% so với số chuyến kế hoạch (45.973/46.241 chuyến). Kết quả khảo sát hài lòng của hành khách, đánh giá theo quý đều đạt trên 89~95 điểm (thang điểm 100). Các chuyến xe không hoàn thành chủ yếu do tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm dẫn đến xe không kịp về bến để thực hiện chuyến tiếp theo.
Tổng sản lượng hành khách đã vận chuyển đến hết tháng 2-2024 đạt gần 2 triệu lượt hành khách, bình quân vận chuyển khoảng 3.200 lượt hành khách/ngày.
Bình quân của tuyến xe buýt điện D4 năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và năm 2023 bình quân đạt 29,5 hành khách/chuyến.
Khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng từ khi đưa tuyến vào hoạt động (tháng 3-2022) từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 30,6 hành khách/chuyến (tháng 12-2023), tuyến xe buýt này là một trong các tuyến xe buýt có sản lượng hành khách bình quân/chuyến cao trong hệ thống xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.
Theo ông Phạm Quốc Huy, quá trình hoạt động của tuyến D4 thời gian qua, mặc dù sản lượng hành khách tăng trưởng ổn định và sự ủng hộ của hành khách, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng hành khách tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.
Sở GTVT đã có công văn báo cáo tổng kết 2 năm hoạt động thí điểm xe buýt điện trên địa bàn thành phố và đề xuất UBND TP xem xét tiếp tục tổ chức thí điểm đến quý I-2025 và điều chỉnh tỷ lệ trợ giá phù hợp tương đương tỷ lệ trợ giá bình quân của hệ thống xe buýt.
Ông Phạm Quốc Huy cho biết, phát triển giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh là xu hướng và phù hợp với chủ trương, chính sách về phát triển phương tiện sử dụng năng lượng điện.
Triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hiện nay Sở GTVT đang xây dựng “Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông”, trong đó chủ trì xây dựng và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch, làm cơ sở để triển khai thực hiện cho toàn bộ hệ thống xe buýt của thành phố trong thời gian tới.
N.Trinh
Bình luận (0)