Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

2 ngày đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ: Dè dặt đăng ký trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh được đăng ký xét tuyển trực tuyến vào ĐH-CĐ năm nay nhưng nhiều em không an tâm nên vẫn “đổ” về TP.HCM nộp hồ sơ. Chỉ trong ngày đầu tiên xét tuyển có trường đã nhận cả ngàn hồ sơ dù năm nay không được rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sáng 2-8

Những trường ĐH thuộc phân khúc điểm cao hẳn hoặc thấp ngang sàn trong ngày đầu đã nhận được trên dưới 1.000 hồ sơ. Trong khi, số lượng này ở trường tốp giữa ít hơn…

Tốp trên và dưới: Thí sinh nộp sớm

ThS. Nguyễn Văn Đương – Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết, trong ngày đầu tiên (1-8), trường nhận được khoảng 900 hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Tính đến 10 giờ sáng ngày thứ hai, con số này đã lên đến 1.200 hồ sơ. Theo ThS. Đương, lượng thí sinh đăng ký vào trường chủ yếu đạt điểm cao, bình quân mỗi môn các em đạt từ 7-8 điểm. Đặc biệt, có cả những em đạt 29 điểm và cũng có một số em dưới ngưỡng sàn.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngay trong buổi sáng đầu tiên đã đón hàng loạt thí sinh đến đăng ký, lượng thí sinh này tiếp tục đến vào buổi chiều. Trong đó, nhiều em đã “lặn lội” từ Bình Thuận, Tây Ninh, Long An, Bến Tre… đến nộp. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ngay sáng đầu tiên cũng đã nhận được 600 hồ sơ đăng ký trực tiếp và gần 800 hồ sơ đăng ký online.

Ngay cả một số trường ĐH ngoài công lập dù xét tuyển từ ngưỡng sàn do Bộ GD-ĐT quy định nhưng 2 ngày đầu đã tấp nập thí sinh. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngày đầu tiên nhận được 1.230 hồ sơ đăng ký, sáng 2-8 tiếp tục nhận 320 hồ sơ. Thí sinh đăng ký nhiều nhất vào các ngành: Quản trị kinh doanh (120 hồ sơ); ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Nhật, mỗi ngành khoảng 70 hồ sơ; công nghệ thông tin (62 hồ sơ), công nghệ kỹ thuật ô tô (58 hồ sơ); Luật Kinh tế (65 hồ sơ)…

Khoảng 1.000 thí sinh cũng đã đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Văn Hiến trong ngày đầu tiên. Trong đó, khoảng 60% thí sinh xét tuyển học bạ và 40% thí sinh xét kết quả thi THPT quốc gia. Lượng thí sinh xét tuyển online chiếm khoảng 45%, mức điểm bình quân xét tuyển là 17 – 18 điểm tập trung vào các ngành kinh tế, du lịch, quản trị kinh doanh…

Trong khi đó, trường tốp giữa thuộc phân khúc điểm xét tuyển lỡ cỡ từ 16 đến 20 có lượng thí sinh đăng ký chậm hơn. ThS. Phạm Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – ước tính, trong ngày đầu tiên và buổi sáng hôm qua (2-8), khoảng 1.100 thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, lượng thí sinh và phụ huynh đến để nhờ tư vấn, tham quan trường còn nhiều hơn. Ông Sơn cho rằng, năm nay thí sinh không được rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng nên cân nhắc hơn, số lượng đăng ký ngay trong 2 ngày đầu không đông bằng năm trước. “Năm nay, những trường ĐH thuộc phân khúc điểm cao hẳn hoặc thấp ngang sàn được thí sinh đăng ký đông đảo ngay từ đầu. Riêng những trường tốp giữa, thí sinh với mức điểm lỡ cỡ chưa biết “vươn” lên trên hay hạ thấp xuống thì có phần chần chừ và đăng ký chậm hơn”, ông Sơn nói.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ngày đầu chỉ nhận được 450 hồ sơ, buổi sáng ngày tiếp theo có thêm 500 em đến nộp. TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) nhận định, năm trước, những ngày đầu thí sinh, phụ huynh chủ yếu đến tìm hiểu thông tin, nhờ tư vấn là nhiều. Năm nay, tuy không được rút hồ sơ trong xét tuyển nhưng các em lại nộp luôn.

Thiếu an tâm khi đăng ký trực tuyến

Dù năm nay được đăng ký xét tuyển trực tuyến bên cạnh xét trực tiếp và qua bưu điện nhưng nhiều thí sinh không yên tâm đã “đổ” về TP.HCM nộp cho chắc chắn. Trong đó, có những em thức dậy từ hơn 2 giờ sáng để di chuyển đến TP.HCM.  Có mặt tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM từ 8 giờ sáng nhưng thí sinh Nguyễn Thu Hiền (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết em đã thức dậy từ hơn 2 giờ sáng để đón xe đi. Với 22,75 điểm khối A, thí sinh này có nguyện vọng vào ngành kinh doanh thương mại và marketing. Hiền chia sẻ, em không chọn đăng ký trực tuyến vì còn đóng khoản lệ phí xét tuyển nên em đến trường nộp luôn cho thuận tiện.

Thí sinh Võ Lê Thanh Huyền (Kiến Tường, Long An) đăng ký xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay cho rằng ngại sai sót, trục trặc có thể xảy ra khi đăng ký online nên em lên thẳng trường nộp cho… an toàn. Nhóm thí sinh đến từ Trường THPT Hùng Vương (Gia Lai) cũng lo ngại sai sót khi đăng ký trực tuyến nên đến thẳng Trường ĐH Tài chính – Marketing nộp hồ sơ. Lý giải lý do nộp hồ sơ ngay trong những ngày đầu, nhóm thí sinh này cho rằng, các em đã tìm hiểu kỹ ngành nghề, mức điểm tuyển… nên tự tin đăng ký.

ThS. Phạm Thái Sơn cho hay, tâm lý chung của nhiều thí sinh, phụ huynh vẫn muốn lên tận trường đăng ký cho chắc chắn. Thậm chí, có 4 phụ huynh ở Sóc Trăng cùng thuê xe đưa các con lên trường đăng ký xét trực tiếp với lý do “làm như vậy mới thực sự an tâm”.

Bậc CĐ, Trường CĐ Giao thông vận tải 3 trong 2 ngày cũng nhận được 500 hồ sơ, đông hơn năm trước. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thịnh – Trưởng phòng Tuyển sinh nhà trường – đánh giá, trong 500 hồ sơ này có 300 em đăng ký trực tuyến. TS. Trần Mạnh Thành – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – cũng thống kê, trong 300 hồ sơ trường nhận được trong 2 ngày đầu có trên 100 thí sinh đăng ký xét online…

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)