Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐ-TB-XH), nói số người mất việc tập trung trong ngành xuất khẩu, gia công…
– Phóng viên: Theo bà, những nhóm lao động nào bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế nhiều nhất?
|
– Bà Nguyễn Lan Hương: Kinh tế thế giới suy thoái có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế VN, đặc biệt là xuất khẩu. Các ngành xuất khẩu của VN thường sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày, chế biến…). Vì vậy, khi xuất khẩu gặp khó khăn dễ dẫn đến mất việc làm. Theo tính toán, cứ tăng xuất khẩu 1% thì việc làm trong ngành xuất khẩu tăng 0,4%. Nhưng nếu như tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 gần 30% thì dự kiến năm 2009 chỉ 13%, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng sẽ thấp hơn.
Ba nhóm lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động di cư, lao động không có trình độ tay nghề và lao động theo thời vụ. Khi doanh nghiệp đóng cửa thì nhóm này thường bị sa thải đầu tiên.
– Bao nhiêu người có thể mất việc trong năm nay?
– Theo chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, năm 2009 phải giải quyết việc làm cho 1,7 triệu lao động với điều kiện kinh tế tăng trưởng từ 6,2% đến 8,5%. Nhưng năm 2008, chúng ta chỉ tạo được 1,3 triệu đến 1,5 triệu việc làm; năm 2009 dự đoán cũng không cao hơn. Mặt khác, năm 2009 có thể 400.000 người bị mất việc làm, thậm chí có những dự báo cho thấy số người mất việc làm có thể lên tới 1 triệu người. Nếu cộng thêm với 1 triệu người đang thất nghiệp hiện nay thì VN có đến 2 triệu người bị mất việc làm. Và trong năm 2009, tỉ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị có thể bị quay ngược lại khoảng 5,3% đến 5,5% thay vì 4,7% như dự kiến.
Cán bộ LĐLĐ quận Thủ Đức- TPHCM tiếp xúc công nhân bị mất việc tại Công ty TNHH Hải Vinh. Ảnh: V. tùng |
– Vậy thì đâu là giải pháp cho thị trường lao động trong năm nay?
– Theo tôi, muốn giải quyết căn cơ tình hình phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tính linh hoạt của thị trường lao động. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, hoàn thiện Bộ Luật Lao động theo hướng này. Cùng với đó là những chính sách an sinh xã hội để tạo ra cơ hội cho người lao động, vì khi thị trường linh hoạt hơn thì người lao động sẽ phải chuyển việc nhiều hơn. Muốn tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động như chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2009, đòi hỏi gói kích cầu của Chính phủ phải được đặt đúng chỗ.
Khó khăn của kinh tế thị trường luôn có chu kỳ. Về mặt lý thuyết kinh tế, sau khủng hoảng sẽ tạo ra một trật tự mới. Đối với 2 triệu lao động bị mất việc đây là cơ hội để tái cơ cấu vấn đề việc làm như đào tạo, chuyển dịch lao động. Việc này nhằm bảo đảm không bị hụt hẫng về lao động khi nền kinh tế hồi phục.
– Tuy nhiên một số ngành nghề vẫn cần nhiều lao động?
– Trên thực tế vẫn có những ngành thiếu lao động vì năm 2009, chúng ta phải tiếp tục lộ trình vào WTO. Điều này có tác động rất mạnh đến các ngành dịch vụ, ngân hàng, tài chính, giao thông, địa ốc… Những ngành này vốn vẫn rất thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề cao. Bên cạnh những doanh nghiệp sa thải công nhân vẫn có rất nhiều thông báo tuyển nhân lực, nhất là những người có trình độ cao. Tôi cho rằng khu vực lao động trình độ cao lâu nay luôn thiếu thì sẽ còn thiếu trong tương lai, mặc dù thị trường này vẫn có thể phải chịu tác động nhất định trong ngắn hạn.
– Bức tranh thị trường lao động năm 2009 sẽ như thế nào?
– Lao động của năm 2009 khá hỗn hợp với nhiều luồng. Luồng thứ nhất là lao động mất việc làm, luồng thứ hai là các ngành dịch vụ mở cửa, luồng thứ ba là sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đối với những lao động bị dôi dư, sự tái cơ cấu lành mạnh chỉ đến khi tiền hỗ trợ thất nghiệp cũng như chính sách của Nhà nước đủ cho họ có cơ hội tìm được nghề mới.
Bình luận (0)