Sự kiện giáo dụcTin tức

2 trường, 5 ngành bị đình chỉ tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành kiến trúc của Trường ĐH Yersin Đà Lạt bị Bộ GD-ĐT ra quyết định dừng tuyển sinh năm 2012. Ảnh: I.T

Ngày 4-5, Bộ GD-ĐT đã tiến hành họp báo định kỳ quý II/2012. Tại kỳ họp lần này, vấn đề được báo chí quan tâm nhất đó là việc siết chặt chất lượng đào tạo tại các trường ĐH, CĐ. Trong đó có liên quan đến việc thanh kiểm tra 38 trường ĐH, CĐ vừa qua của Bộ GD-ĐT.
Đình chỉ tuyển sinh 2 trường CĐ và 5 ngành
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, trong tháng 3-2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra 38 trường ĐH, CĐ, trong đó có 19 trường công lập và 19 trường ngoài công lập. Việc kiểm tra này nhằm thực hiện Nghị quyết số 50 của Quốc hội và Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều trường đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả theo cam kết, tổ chức đào tạo có chất lượng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cao cho xã hội. Các trường CĐ Công nghiệp Cao su, ĐH Quang Trung, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, ĐH Thành Đông… đã có đất sử dụng ổn định, lâu dài với diện tích lớn. Trường ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Quảng Nam, CĐ Công nghiệp Tuy Hòa… đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang phục vụ đào tạo. Đội ngũ giảng viên của các trường cũng được bổ sung về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Một số trường có tỷ lệ giảng viên đạt trình độ sau ĐH cao như Trường ĐH TDTT Đà Nẵng đạt 82%, Trường ĐH Quảng Nam đạt 61,9%… Tuy nhiên, ông Bằng cho hay, nhiều trường còn quá khó khăn, thiếu thốn, nhất là về đội ngũ và cơ sở vật chất. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, năm 2012, Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh đối với 2 trường CĐ và 5 ngành của 5 trường ĐH, CĐ. 2 trường CĐ bị dừng tuyển sinh năm nay là Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Sài Gòn và CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội.5 ngành: Khai thác vận tải (của Trường CĐ Bách nghệ Tây Hà), công nghệ – kỹ thuật xây dựng (Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghiệp Quảng Ngãi), tài chính – ngân hàng (Trường ĐH Phú Xuân), kiến trúc (Trường ĐH Yersin Đà Lạt) và ngành quản trị kinh doanh (Trường ĐH Thành Tây).
Nhiều ngành “khan hiếm” giảng viên
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, việc đưa ra quyết định dừng tuyển sinh là một giải pháp để nâng cao chất lượng các trường ĐH, CĐ hiện nay. Nguyên nhân khiến Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Sài Gòn bị dừng tuyển sinh là do thành lập các cơ sở đào tạo trái phép, vi phạm quy định tại khoản 9, điều 7, điều lệ trường CĐ ban hành theo Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28-5-2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo. Cùng với đó, trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường; nội bộ mất đoàn kết kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, uy tín của nhà trường và địa phương. Đối với Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội, ông Bằng cho biết, nguyên nhân bị dừng tuyển sinh là do tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 93,2SV/giảng viên (trong khi quy định là 30SV/giảng viên đối với CĐ), 4-5 ngành chưa có thạc sĩ theo quy định. Trường hiện nay chưa có đất, thuê 5 cơ sở, trong đó có cơ sở thuê 6 tháng, có cơ sở 1 năm và lâu nhất là 3 năm. Tổng diện tích các cơ sở này thuê là 800m2 (chưa được 1ha). Trường này vi phạm nhiều lỗi theo Nghị quyết 50 của Quốc hội. Ngành công nghệ – kỹ thuật xây dựng của Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghiệp Quảng Ngãi bị dừng do tỷ lệ sinh viên trên giảng viên là 92,2, không có thạc sĩ theo quy định. Ngành khai thác vận tải của Trường CĐ Bách nghệ Tây Hà liên tục 3 năm không tuyển sinh. Ngành tài chính – ngân hàng ĐH DL Phú Xuân có tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 58,1 và không đảm bảo giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ theo quy định. Ngành quản trị kinh doanh của ĐH Thành Tây tỷ lệ SV/giảng viên là 423. Ngành kiến trúc của Trường ĐH Yersin Đà Lạt do chưa có giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tỷ lệ SV/giảng viên là 130,1.
Sau thời hạn dừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc dừng tuyển sinh được khắc phục và có hồ sơ đề nghị tuyển sinh trở lại của nhà trường thì cấp có thẩm quyền xem xét cho phép tuyển sinh trở lại.
Theo ông Bằng, việc Bộ GD-ĐT cử đoàn đi thanh tra, kiểm tra không phải chỉ để “sát phạt” các trường mà chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ các trường, thì các quyết định dừng tuyển sinh của bộ chưa hẳn đã là tốt. Ông Phạm Gia Thiệu, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội cho rằng quyết định này chỉ làm trường thêm khó khăn. Ông Thiệu cũng chia sẻ, đối với các trường ngoài công lập hiện nay, khó khăn nhất vẫn là vấn đề về đất. Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội đã đi xin đất 10 năm nay nhưng chưa xong. Ông Thiệu đề nghị bộ cũng cần có giải pháp để yêu cầu các đơn vị giải quyết nhanh các thủ tục hành chính giúp các trường.
Mặc dù vậy, các quyết định dừng tuyển sinh cho thấy quyết tâm “sốc” lại chất lượng đào tạo của ngành giáo dục. Và quyết tâm này đang nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Nghiêm Huê
Thanh tra bộ cũng đang xây dựng kế hoạch thanh tra hoạt động liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài.
 

Bình luận (0)