Từ 25/8, hơn 200.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển nguyện vọng (NV)2 sẽ có hơn 2 tuần để cân nhắc, lựa chọn trường học, ngành học.
Tổng hợp ban đầu, cả nước có 87 trường ĐH (phía Bắc 55 trường; phía Nam 32 trường) đã thông báo chỉ tiêu và điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2.
So với năm 2008, điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 ở các trường đều giảm.
Chờ con thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Nhiều trường ấn định điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 bằng điểm sàn quy định của Bộ cho các khối. Cụ thể là: ĐH Hùng Vương, ĐH Hoà Bình, ĐH dân lập Phương Đông, dân lập Đông Đô, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Quảng Bình, ĐH Phú Yên, dân lập Văn Lang, ĐH Đà Lạt, ĐH Quy Nhơn, An Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, ĐH Thành Đô, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM…
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Lê Văn Toàn, điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 năm nay giảm 2 điểm so với năm 2008 (15 điểm). Riêng ngành Du lịch khối C điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 là 14.
Do vậy, với mức điểm nhận hồ sơ năm nay là 13 thì số hồ sơ sẽ "đội" lên khoảng 3.000 – 4.000, trong khi chỉ tiêu cần tuyển xấp xỉ 1.600.
Để trúng tuyển vào trường, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn đạt từ 15 điểm trở lên.
Còn nếu tổng điểm đạt 14 thì khả năng trúng tuyển chỉ có 60% – ông Toàn phân tích.
Trường ĐH Cần Thơ tuyển trên 900 chỉ tiêu từ NV2. Điểm nhận hồ sơ trường ấn định khối A, D1,3 là 13 điểm; khối B là 14.
Tương tự, ở phía Bắc – điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dao động từ 13-14 (khối A,D1), với chỉ tiêu cần tuyển là 1.150 thí sinh.
Với 534 chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào Trường ĐH Quảng Bình chỉ riêng ngành Sư phạm Văn – Sử (C) trường ấn định điểm nhận hồ sơ là 16; tiếng Anh (D1) là 13. Các ngành còn lại điểm nhận hồ sơ bằng sàn quy định của Bộ: khối A: 13; B: 14 điểm….
Xu hướng nhiều trường còn thiếu chỉ tiêu xét tuyển NV2 cùng đưa mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng sàn quy định của Bộ hoặc điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 ở nhiều trường công lập đưa ra bằng với điểm trúng tuyển NV1khiến thí sinh phải thận trọng khi đặt bút đăng ký.
Kết quả thi nên cách điểm nhận hồ sơ từ 2 điểm
Đó là lời khuyên của một số chuyên gia tuyển sinh. Cụ thể hơn, với những thí sinh có kết quả thi ĐH khối A,D1 là 13 điểm và khối B,C là 14 điểm thì nên chọn NV2 học hệ CĐ trong trường ĐH hoặc trường CĐ còn chỉ tiêu xét tuyển cùng khối thi, trong vùng tuyển. Còn với mức điểm đó, để xét tuyển vào ĐH từ NV2 là rất khó.
Vì nguyên tắc, các trường xét tuyển NV2 sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển.
Và như vậy, mức điểm nhận hồ sơ các trường đưa ra đồng nghĩa với việc có "vé" vào ĐH là rất mong manh hoặc chỉ trúng tuyển khi số hồ sơ "lao" vào trường ít.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 (từ ngày 25/8 đến 10/9) thí sinh nộp cho trường qua đường bưu điện gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường + lệ phí xét tuyển 15.000 đồng + 1 phong bì đã dán sẵn tem và ghi địa chỉ liên lạc của thí sinh. Kết quả trúng tuyển các trường sẽ công bố trước 15/9.
|
Tuy nhiên, khả năng lượng hồ sơ ít nộp vào một số trường: ĐH Thương mại, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội); ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM… có thể khó xảy ra.
Năm nay, Trường ĐH Công đoàn ấn định điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 khối A dao động từ 14-16 điểm tuỳ từng ngành; khối C từ 16-17,5 điểm và khối D1 là 16 điểm. Tuy nhiên, chỉ tiêu cần tuyển cho mỗi ngành không nhiều, dao động từ 20-25 thí sinh.
Còn điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) là 18 điểm, nhưng có một số ngành trường chỉ lấy vài thí sinh như: Nhân học (3 chỉ tiêu, khối D); Hán Nôm 3 chỉ tiêu (khối C); 3 chỉ tiêu (khối D); Công tác Xã hội 6 chỉ tiêu (khối D); Xã hội học 4 chỉ tiêu (khối C); 4 chỉ tiêu khối D.
Theo một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, với thí sinh có NV2 vào trường dân lập thì kết quả thi phải cao hơn từ 1-2 điểm; còn vào trường công thì kết quả thi nên cách điểm nhận hồ sơ từ 2 điểm trở lên mới có hy vọng đậu.
Cuộc "đua" căng thẳng?
Song song với quy định của Bộ, đối với các trường ĐH có điểm trúng tuyển NV1 thấp dưới 15 điểm (khối A,D), dưới 16 điểm (khối B,C) cần dành khoảng 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển NV2,3. Hiện, Bộ đang xem xét cho một số trường tuyển chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách. Thí sinh trượt NV1 nhưng kết quả thi cao có NV học hệ ngoài ngân sách sẽ phải đóng học phí cao.
Thông tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), hiện có rất nhiều trường có công văn xin được tuyển hệ ngoài ngân sách nhưng mới có 3 trường ĐH đã có quyết định chính thức gồm: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Dự kiến, sẽ thêm Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và một số trường ĐH khối Y được tuyển đào tạo hệ này.
Việc cho phép các trường tuyển hệ ngoài ngân sách cũng gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn tuyển NV2 ở các trường còn chỉ tiêu xét tuyển.
Thêm nữa, mấy năm gần đây danh sách trường xét tuyển không chỉ gồm khối các trường dân lập mà còn có cả những trường "top 1" như: Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển 525 chỉ tiêu NV2 với mức điểm nhận hồ sơ cách điểm sàn quy định của Bộ từ 2,5 đến 3,5 điểm.
Hoặc, các ngành đào tạo do Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cấp bằng công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 khối A cao hơn điểm sàn từ 2-4,5 điểm (từ 15 – 17,5 điểm); khối B cao hơn sàn 1,5 điểm (điểm nhận hồ sơ là 15,5) và điểm nhận hồ sơ khối D1 là 18 điểm – cao hơn sàn 5 điểm.
Còn các ngành thuộc Chương trình liên kết do các trường nước ngoài cấp bằng, trường ấn định điểm nhận hồ sơ các khối A,B,D1 dao động từ 13,5 đến 14 điểm…
Từ kinh nghiệm xét tuyển một số nhà quản lý trường ĐH đưa nhận định: việc xét tuyển đem đến cho cơ hội sàng lọc được những thí sinh có điểm cao nhưng trường cũng rất bị động.
Có thể sẽ "tái diễn" hiện tượng "trường gạt thí sinh không hết, trường dài cổ chờ".
Kiều Oanh (Vietnamnet)
Bình luận (0)