Sự kiện giáo dụcTin tức

20.000 căn hộ giá rẻ cho giáo viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu dự án được thông qua, 20 ngàn giáo viên sẽ không còn phải lo lắng về chỗ ở nữa

Chiều 23-12, Sở GD-ĐT TP.HCM, Báo Giáo Dục TP.HCM và Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam đã có buổi họp xung quanh dự án xây dựng 20 ngàn căn hộ giá rẻ cho giáo viên, công chức ngành giáo dục. Dự án là sự phản hồi của loạt bài “Nhà giá rẻ cho giáo viên: Khi nào?” do Báo Giáo Dục TP.HCM khởi đăng trong thời gian qua…
Các cụm dân cư “Nhà giáo”
Tại buổi họp, ông Tạ Văn Doanh – Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM phát biểu: “Giáo viên là đối tượng rất cần được ưu tiên về nhà ở. Theo đó Báo Giáo Dục TP.HCM và Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam đề xuất với lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM hỗ trợ để hoàn thành dự án xây dựng 20 ngàn căn hộ giá rẻ cho giáo viên…”.
Theo đó, những cụm nhà giá rẻ dành cho các thầy, cô giáo sẽ được hình thành. Ở mỗi cụm nhà đều có các công trình công cộng như khu vui chơi giải trí cho trẻ em, hồ bơi, câu lạc bộ. Và đó chính là các cụm dân cư “Nhà giáo”, ở đây các thầy, cô giáo vừa là hàng xóm vừa là đồng nghiệp – họ có thể trao đổi với nhau về kinh nghiệm giảng dạy, về chuyên môn, nghiệp vụ…
Đại diện Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam, ông Trần Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Để có được những căn hộ giá rẻ chỉ với 6 – 7 triệu đồng/m2, bắt buộc các cụm dân cư phải nằm ở những quận ven, huyện ngoại thành. Do đó giáo viên có thể phải đi dạy xa, từ nhà tới trường mất khoảng 40 phút nhưng vấn đề bức thiết của giáo viên hiện nay là nơi ở chứ không phải là chuyện đi lại. Mặt khác, tuy là nhà cao tầng (5 tầng trở lên) nhưng không có thang máy để giảm chi phí cho đối tượng mua nhà. Và cụm nhà được làm bằng bê tông đúc sẵn ráp lại, như vậy vừa giảm được nguyên vật liệu, thời gian thi công. Diện tích của mỗi căn hộ khoảng 34 – 40m2. Đặc biệt, mỗi căn hộ có 2 phòng ngủ, do vậy hai giáo viên độc thân có thể mua chung một căn… Mô hình này đã được thực hiện tại thành phố Bangkok, Thái Lan từ năm 2001. Đến nay, thành phố này đã xây dựng được 300 ngàn căn hộ như vậy cho người thu nhập thấp”. Ông Thành khẳng định rằng mô hình này sẽ rất khả thi khi áp dụng tại TP.HCM.
Tuy nhiên, 20 ngàn căn hộ chỉ hoàn thành khi UBND TP có những chính sách đặc thù cho dự án. Cụ thể như đường vào cụm dân cư chỉ cần rộng 6m thay vì là 10m như quy định hiện nay. Ở mỗi cụm dân cư không cần phải có bãi đậu xe hơi. Vì dù có bãi đậu xe thì chắc gì giáo viên đã có tiền mua xe…
Xây dựng theo “cầu” của giáo viên

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Văn Cảnh (Q.9) và gia đình vẫn phải thuê nhà

Có lẽ vấn đề mà lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, Báo Giáo Dục TP.HCM và Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam lo lắng nhất chính là đất xây dựng các cụm dân cư. Ông Nguyễn Đình Thái Châu – Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM lo ngại: “Đất xây dựng trường còn thiếu thì lấy đâu ra đất xây khu dân cư cho giáo viên. Và chừng nào chưa xác định được quỹ đất thì chừng đó dự án còn khó thực hiện”…
Bà Tô Thị Thanh Nga – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng không khỏi băn khoăn: “Hiện nay đất ở thành phố đã được quy hoạch hết cả rồi, trong đó có cả quy hoạch cho mạng lưới trường lớp. Như vậy là giáo dục đã được ưu tiên, vì còn nhiều ngành nghề chưa được quy hoạch. Rõ ràng chúng ta không thể chủ động được về quỹ đất. Đất “sạch” (đất trống) thì không còn, bây giờ nếu có đất thì phải giải tỏa các khu dân cư. Vậy tiền đền bù giải tỏa ai trả, có phải là giáo viên không. Như vậy, ngoài mức giá 6 – 7 triệu đồng/m2 thì giáo viên còn phải trả thêm bao nhiêu tiền nữa…”.
Ông Trần Văn Thành đề xuất: “Nên chăng chúng ta xin UBND TP một phần đất đã quy hoạch cho cây xanh. Thành phố chỉ mất vài ngàn m2 đất cho cây xanh nhưng lại giải quyết được nhu cầu bức thiết về nhà ở của người thu nhập thấp, cụ thể là đội ngũ giáo viên…”.
Song, đề xuất của ông Thành có vẻ không khả thi vì theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP thì: “Tại những cuộc họp của UBND TP về vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, ủy ban không có chủ trương xây dựng nhà cho từng ngành như ngành GD-ĐT, ngành y tế. Mặt khác, đối với nhà cho người thu nhập thấp, thành phố chỉ cho cơ chế chứ không cho kinh phí…”.
Nói như vậy có nghĩa dự án xây dựng 20 ngàn căn hộ giá rẻ cho giáo viên sẽ không thể thực hiện? Ông Tạ Văn Doanh cho rằng: “Công đoàn ngành GD-ĐT TP sẽ thống kê nhu cầu mua nhà của giáo viên theo cụm (các quận, huyện lân cận) và cung cấp cho Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam cũng như các công ty địa ốc khác. Sau đó, căn cứ trên nhu cầu của giáo viên, các công ty này sẽ đi tìm đất xây dựng. Và khi đã có một cụm dân cư làm mẫu thì việc nhân rộng ra là không khó…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)