Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

20% đại học mới chưa thực hiện đủ cam kết

Tạp Chí Giáo Dục

“Xét về tổng thể, Bộ GD-ĐT chưa thể trả lời được ba câu hỏi gồm: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập thế nào?”.

Đó là đánh giá về công tác quản lý giáo dục ĐH hiện nay trong báo cáo Chính phủ về giáo dục ĐH, do Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 30-10. Ông Phạm Vũ Luận cho biết:
Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận – Ảnh: Thanh Hà

  – Nhìn chung chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng, chưa tạo được sự đồng hướng về lợi ích, sự quan tâm đủ mạnh đến chất lượng giáo dục giữa người học, người dạy, nhà đầu tư cho giáo dục, người sử dụng lao động và xã hội.

Khoảng 20% trường ĐH, CĐ, cụ thể là 12 trường, được thành lập mới hoặc nâng cấp lên ĐH từ năm 2005 trở lại đây chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ bốn yếu tố về: đất đai xây dựng trường, đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm…).
Một trong những hạn chế của bộ là chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (chỉ kiểm tra dựa theo hồ sơ). Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh… Đồng thời các trường ĐH, CĐ vẫn tập trung chủ yếu ở năm thành phố trực thuộc trung ương: năm thành phố này có 102/150 trường ĐH cả nước, chiếm 68%; có 82/226 trường CĐ, chiếm 36%…
*  Tỉ lệ 20% được Bộ GD-ĐT thống kê trên cơ sở nào? Đã có trường nào trong số các trường ĐH này bị xử lý như phải tạm dừng đào tạo, cắt giảm chỉ tiêu…?
– Số liệu 20%, tức là 12 trường ĐH mới thành lập chưa thực hiện nghiêm, đầy đủ các cam kết về đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… trong đề án xin thành lập trường và mở ngành tuyển sinh được Bộ GD-ĐT tập hợp qua các đợt thanh tra khác nhau. Các trường cũng có mức độ chưa thực hiện cam kết khác nhau. Tùy theo mức độ của từng trường, khi phát hiện bộ cũng đã nhắc nhở, chấn chỉnh.
Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng các quy định tạo hành lang pháp lý để xử lý. Bộ đang tích cực chuẩn bị ban hành các quy định để xử lý những trường ĐH không đảm bảo chất lượng, kể cả đóng cửa đối với những trường kém chất lượng, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị…
* Bộ GD-ĐT khẳng định nếu kiểm tra một lượt 376 trường ĐH, CĐ phải mất ba năm rưỡi, nhưng cũng chính bộ lại đặt kế hoạch từ nay đến tháng 7-2010 sẽ kiểm tra tất cả các trường. Liệu mục tiêu này có khả thi? Trong thời gian tới bộ có giải pháp nào để tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động, chất lượng của các trường và trả lời với xã hội được ba câu hỏi phía trên?
– Bộ sẽ xây dựng và trình Chính phủ quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD-ĐT và các bộ ngành khác, UBND các tỉnh thành đối với trường ĐH, CĐ trước tháng 3-2010. Trước đây kiểm tra theo kiểu cũ phải mất ba năm rưỡi. Nhưng đổi mới cách làm, phân cấp, phối hợp với các bộ ngành, UBND các địa phương cùng kiểm tra để liên thông, có hệ thống thông tin cụ thể, đầy đủ để kiểm tra, đánh giá hết các trường thì sẽ không mất ba năm rưỡi. Mục tiêu đến tháng 7-2010 hoàn tất là có thể thực hiện được.
* Đã xác định được mức độ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo do không thực hiện đúng cam kết khi xin thành lập của 12 trường ĐH, vậy Bộ GD-ĐT có công bố danh sách 12 trường ĐH này?
– Hiện lãnh đạo bộ chưa có chủ trương công bố tên các trường này vì các trường được kiểm tra ở những đợt khác nhau, vào thời điểm khác nhau. Khi phát hiện, bộ đã có nhắc nhở kịp thời để trường chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Chúng tôi chưa bàn đến việc công bố hay không vì kết quả kiểm tra các trường không vào cùng một thời điểm. Có thể đến thời điểm này có trường đã khắc phục, việc công bố thông tin đó có thể đã lạc hậu…
Sắp tới, bộ yêu cầu tất cả các trường ĐH, CĐ thực hiện “ba công khai”, trường nào cũng phải tự công bố kết quả thực tế thực hiện các cam kết đảm bảo chất lượng như thế nào cho xã hội và người học biết…
THANH HÀ thực hiện (TTO)
Ông Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục – thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội):
Cần công bố rõ 12 trường
Tôi hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT đã kiểm tra và xác định 12 trường trong tình trạng như đã nêu. Nhưng sẽ đáng hoan nghênh hơn nữa nếu Bộ GD-ĐT công bố rõ tên và những vấn đề cụ thể mà các trường đó chưa đáp ứng được. Việc công bố như vậy chỉ có tốt cho tình hình giáo dục – đào tạo hiện nay.
Tôi ủng hộ chủ trương “ba công khai”, gắn với chủ trương này trước hết Bộ GD-ĐT phải công khai các trường chưa đảm bảo điều kiện đào tạo. Việc định ra thời hạn cho đến tháng 7-2010 các trường phải hoàn thành quy định về “ba công khai” là đúng, nhưng Bộ GD-ĐT khó có thể kiểm tra hết. Nếu có thì chỉ có thể kiểm tra trên giấy tờ. Tôi nghĩ nên tập trung kiểm tra những trường mới thành lập, mới nâng cấp.
V.V.THÀNH
 
 

Bình luận (0)