Đã hai mươi năm trôi qua, kể từ khi Tim Berners – Lee phát minh ra internet. Nhân dịp này, nhật báo The Daily Telegraph bình chọn 20 hiện tượng và dịch vụ nổi bật trên internet.
1. Blog: Blog – viết tắt của “web blog” là sự sáng tạo trong truyền thông đại chúng. Hiện tại, ước tính có khoảng 200 triệu blog – nhật ký điện tử trên mạng. Có nhiều trang blog được nhiều người ghé thăm, chẳng hạn blogger.com.
2. Hoạt động từ thiện: Nhờ có internet, các tổ chức từ thiện có thể xin được tài trợ theo cách đỡ tốn kém hơn. Những trang như justgiving.com nhanh chóng được nhiều người biết đến và ủng hộ.
3. Mua bán: Dịch vụ trực tuyến kiểu như eBay cho phép mua gần như tất cả mọi thứ qua mạng. Những người truy cập internet còn có thể so sánh giá sản phẩm ở nhiều người bán hàng và hưởng khuyến mại, giảm giá (chẳng hạn trên trang amazon.com.uk)
4. Du lịch: Mạng internet là nguồn thông tin quí giá cho khách du lịch. Trên những trang như Expedia có thể đặt chỗ du lịch trực tuyến (expedia.co.uk).
5. Điện ảnh và âm nhạc: Số lượng đĩa CD bán ra bị giảm sút, một phần là do sự xuất hiện ngày càng nhiều các trang web cho phép download nhạc (cả hợp pháp lẫn không hợp pháp). Ngoài ra còn có các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Một cuộc cách mạng tương tự cũng diễn ra trong thế giới điện ảnh online: Mỗi tuần có hàng triệu người truy cập vào các trang dịch vụ như iPlayer BBC để xem các trích đoạn phim từ chương trình tivi.
6. Thông tin “nóng hổi”: Các chương trình như MSN Messenger cho phép trò chuyện trực tuyến trên internet. Skype và videophone cũng làm thay đổi tính chất các cuộc tiếp xúc từ xa: Các nhà kinh doanh nằm trong phòng khách sạn cũng có thể đọc truyện cổ tích cho con mình ở nhà (trang meebo.com).
7. Xã hội trực tuyến: Trên mạng có nhiều cộng đồng xã hội ảo, thu hút nhiều người từ các fan bóng đá cho đến các “con mọt sách”. Mỗi loại sở thích đều có diễn đàn trên internet (mumsnet.com).
8. Tin tức: Mạng internet phục vụ như một kênh thông tin liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (chẳng hạn: telegraph.co.uk).
9. Hoạt động chính trị: Các chính trị gia sử dụng internet để quảng bá cho hoạt động của họ (chẳng hạn: theyworkforyou.com).
10. Thư rác: Cụm từ này được dùng để xác định những loại thư điện tử không mong muốn, hiện đang là “đại dịch” trên internet (mailwasher.net).
11. Tri thức: Nhờ những trang web như wikipedia, chúng ta có thể tìm được hầu như mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng mạng làm chúng ta lười suy nghĩ và kém thông minh bởi vì nó hạn chế khả năng ghi nhớ thông tin của chúng ta (wikipedia.org).
12. Thư điện tử: Những dịch vụ thư điện tử như hotmail hay yahoo! cho phép mọi người liên lạc được với nhau mà không cần viết những bức thư truyền thống hoặc gọi điện thoại.
13. Dịch vụ xã hội: Mạng xã hội liên kết những nhóm bạn bè hoặc những người có cùng sở thích, là động lực của trào lưu web 2.0 (chẳng hạn: facebook.com).
14. Trí thông minh của đám đông: Nhờ có mạng internet chúng ta không cần phải hỏi người dẫn đường những câu hỏi đại loại: “Tôi có thể tìm khách sạn bình dân nào ở thành phố London?”. Cách tốt nhất là hỏi ngay dân sở tại, chẳng hạn, qua trang web tripadvisor.com. Nhờ vậy, giá trị thông tin thay đổi một cách đáng kể.
15. Ảnh: Khi máy ảnh số thay thế máy ảnh truyền thống, những người truy cập internet đã tìm ra cách lưu trữ và chia sẻ ảnh với nhau (trang web flickr.com).
16. Bản đồ: Trên internet có những chỉ dẫn dành cho tài xế và bản đồ toàn thế giới, còn thông tin về tình trạng giao thông càng ngày càng trở nên chính xác hơn (maps.google.com).
17. Quảng cáo: Phần lớn các dịch vụ trực tuyến đều miễn phí, đó là do các công ty đã khôn khéo “chèn” quảng cáo vào các trang web (phorm.com).
18. Google: Không gian ảo khổng lồ, cung cấp mọi thứ từ cỗ máy tìm kiếm cho đến thư điện tử, phim ảnh và dịch vụ xã hội.
19. Mối nguy hiểm trên mạng: Một số người coi internet là “sân chơi vô tổ chức”, nơi mọi thứ đều có thể xảy ra. Vì vậy chúng ta cần dạy cho con em cách sử dụng internet an toàn và hữu ích (thinkuknow.co.uk).
20. Ngân hàng: Nhờ có dịch vụ ngân hàng hoạt động 24 giờ trong ngày mà chúng ta có thể theo dõi tài khoản của mình liên tục. Có nhiều trang web dạy chúng ta cách giao dịch và điều phối hợp lý các khoản tiền của mình (uk.zopa.com)
Lê Vân (GD&TĐ)
Bình luận (0)