Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

20 lần cai nghiện của một sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

14 năm chìm đắm trong cơn ma mị của thuốc phiện, đất đai, nhà cửa bay theo khói trắng, hơn 20 lần đến các trung tâm cai nghiện nhưng không bao giờ ở quá được 3 ngày. Người vợ sát cánh cùng anh bao năm có lần phải đập đầu vào tường tự tử mong chồng thức tỉnh.

Cuộc đời bế tắc, gia đình khuynh đảo. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, anh đã cai được nghiện và hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Thiên thanh hoàn, giúp đỡ cho hơn 1.000 người cai nghiện.

Lằn ranh tội lỗi

Tôi tìm đến ngôi nhà anh Đỗ Văn Hiếu tại làng Định Công vào một chiều đầu thu. Đứng trước cơ ngơi biệt thự 3 tầng khang trang nằm trên diện tích hơn 300m2, tôi thật sự không tin vào mắt mình. Ngôi nhà của một “thằng nghiện” 14 năm có lẽ nào lại bề thế như thế. Hỏi ra mới biết rằng gia đình anh từng giàu nhất nhì huyện Thanh Trì với cơ man đất cát. Bố anh một thời là Phó giám đốc một công ty xây dựng Hà Nội, mẹ là giáo viên tiểu học.

 2 anh em Đỗ Văn Hiếu từ nhỏ đã học giỏi, cùng lúc thi đậu trường ĐH Kiến trúc. Vừa thi đậu ĐH cũng là lúc anh lấy vợ, sinh con. Hạnh phúc dường như quá tròn trịa với một gia đình có đầy đủ vật chất, sự nghiệp. Nhưng tai họa đã ập đến vào năm thứ hai đại học khi Hiếu dính vào ma túy.
Ngày ấy, năm 1993, ma túy vẫn còn là một khái niệm xa lạ mà không nhiều người biết đến. Hiếu cũng vậy, anh chẳng hiểu gì về ma túy. Những đêm làm đồ án quá mệt mỏi và căng thẳng, anh thường bị đau đầu triền miên. Một người bạn đã mách anh sử dụng thuốc có tác dụng làm cơ thể dễ chịu, giảm đau, lấy lại hưng phấn làm việc. Anh sử dụng ngay mà không hề biết rằng đó là ma túy.
Em trai anh khi đó đang học ĐH Kiến trúc cũng cùng dùng thuốc với anh. Sau 6 tháng thì hai anh em bắt đầu nghiện, không dùng không chịu được. Số tiền 500.000 đồng mua thuốc hàng ngày dù rất có giá trị vào thời điểm đó nhưng cũng không phải không thể đáp ứng với gia đình Hiếu nhưng ma túy đã biến anh thành kẻ kiệt lực, không thể tập trung học hành, bởi mỗi lần lên lớp là anh lại thèm thuốc, buồn ngủ.
Gia đình ra sức khuyên can, vợ anh khi đó đang mang bầu cũng hàng ngày theo anh đến trường, ngồi ở cổng đợi. Nhưng chị đâu biết rằng chị đợi cổng trước, anh luồn cổng sau để đi tìm thuốc. Có lần bụng mang dạ chửa chị đi tìm anh, bị ngã đẻ non. Lắm lúc nghĩ cũng thương vợ thương gia đình, nhưng những cơn thèm thuốc đã khiến anh không thể vượt qua được lằn ranh tội lỗi.
20 lần cai nghiện
Bố anh quá lo lắng vì con cũng xin nghỉ hưu sớm ở nhà giúp con cai nghiện. Nhưng hơn 20 lần bố mẹ, vợ con đưa anh lên trung tâm thì cả 20 lần anh đều không ở sang được ngày thứ 3. Anh trở về vì không thể chịu nổi những cơn đau đầu như búa bổ, cái cảm giác dòi bò khắp cơ thể. Thà chết còn hơn là sống mà không có thuốc.
Gia đình nhiều lúc đành buông xuôi, phó mặc cho số phận vì không còn cách nào khác. Tiền trong nhà cứ dần dần đội nón ra đi sau mỗi cơn say thuốc. Nhà anh có hàng nghìn m2 đất cũng bị cắt dần để cho anh đốt vào ma túy. Người đau khổ nhất vẫn là vợ anh, có những lúc bế tắc, chị từng tìm đến cái chết, đập đầu vào cột nhà. Rất may được cấp cứu kịp thời nên chị đã qua khỏi.
Lúc đó vì thương vợ anh nghĩ nhất định mình phải cai nghiện, dù có chết cũng phải cai nghiện. Nhưng trở về nhà được vài ngày anh lại thèm thuốc không chịu nổi. Những cơn vật thuốc khiến anh muốn phát điên, anh lại gây sự với chị để bỏ nhà ra đi.
Có lần đi được vài ngày, trong lòng anh nóng như lửa đốt. Linh tính có chuyện gì anh bắt xe về thì thấy vợ nằm mê man trên giường. Anh liền đổ nước vào mồm bắt chị nôn ra. Gần 30 viên thuốc ngủ. Chị bảo chị muốn chết, không thiết sống nữa nếu anh không cai nghiện.
“Nhục nhã lắm, lúc đó tôi thấy căm thù mình ghê gớm. Không phải tôi không muốn cai nghiện mà là tôi không thể”. Anh bộc bạch. Một là cai nghiện, hai là chết chứ anh không muốn sống chuỗi ngày như vừa qua nữa – nghĩ vậy và quyết tâm phải cai thuốc bằng được.
Cứu rỗi những người đồng cảnh ngộ
Anh cho rằng người nghiện muốn cai được thì điều quan trọng là phải vượt qua chính mình. Trong những ngày cai nghiện, anh luôn cố tình để thuốc phiện trước mặt để thử thách chính mình và anh đã vượt qua. Có lẽ ngay chính anh cũng không thể nghĩ rằng sau 14 năm lại có ngày mình không phải dùng thuốc, một điều không tưởng.
Từng là một con nghiện, từng trải qua những nỗi đau khi thèm thuốc, từng dằn vặt về tội lỗi, hơn ai hết anh hiểu được rằng có rất nhiều người đã lầm lạc như anh muốn quay trở về. Chính vì vậy anh quyết định lập một câu lạc bộ Thiên thanh hoàn, tư vấn giúp đỡ cho những người nghiện, dành hẳn hơn 1.000m2 đất của gia đình để xây nhà ở cho anh em đến cai nghiện.
Câu lạc bộ được đi vào hoạt động từ năm 2009, lúc đầu chỉ có 2-3 người, rồi đông dần lên 10 người, đến nay là hơn 20 người. Họ đều là những người đã nghiện 10-20 năm, thậm chí có người đã nghiện 30 năm. Nhưng sau khi cai họ đã tình nguyện ở lại câu lạc bộ để giúp những người khác cai nghiện.
Anh Nguyễn Văn Chiến, quê Yên Bái, một thành viên của câu lạc bộ kể: Chúng tôi đều là những người đã từng nghiện nên rất hiểu các cảm giác và yêu cầu của người nghiện. Tâm lý của những người nghiện thường rất tự ti, mặc cảm và không có niềm tin, lạc quan vào cuộc sống, hiểu được điều đó nên chúng tôi biết mình phải làm gì để giúp đỡ họ.
Đến nay, dù mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm nhưng câu lạc bộ đã giúp cho hơn 1.000 người cai  nghiện. Và điều làm anh hạnh phúc nhất là chính từ nơi này đã có những người nghiện đến với nhau nên vợ nên chồng.
Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động từ câu lạc bộ này khiên tôi cứ ấn tượng mãi về những con người nơi đây. Họ là những người đã từng một thời lầm lỗi, thậm chí đã từng là tội phạm, nhưng trong họ vẫn có những góc le lói sáng. Họ đã từng không còn gì để mất, từng bế tắc, tuyệt vọng nhưng bây giờ, họ đã lấy lại niềm tin và tình yêu cuộc sống. Nụ cười và ánh mắt của họ nói lên điều đó. 
Theo Huyền Chi
ANTĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)