Cách nay 20 năm có một nghị quyết của Chính phủ ra đời đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ thống trường ngoài công lập (NCL).
Trước và sau đổi mới 1986, ngành giáo dục cả nước đứng trước muôn vàn khó khăn; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng, số đào tạo ra không đủ lấp vào chỗ bỏ việc. Trong khi đó, tình trạng học sinh tăng nhanh sau những năm hòa bình khiến hệ thống trường lớp trở nên quá tải. Trước thực trạng trên, để tháo gỡ khó khăn, vấn đề xã hội hóa giáo dục (XHHGD) bắt đầu được đặt ra. Cuối thập niên 1980 và đầu 1990, một số hội thảo về XHHGD được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của xã hội.
XHHGD hiểu một cách đơn giản là vận động các tổ chức, cá nhân tham gia lập trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, chia sẻ một phần gánh nặng với Nhà nước. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn quá mới mẻ nên ngay chính các nhà quản lý cũng gặp không ít lúng túng; nhất là khái niệm tư thục được nhắc tới với sự rụt rè. Nhưng không thể không làm vì tình hình rất cấp bách. Không đợi phải có văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện, một số cá nhân, tổ chức đã lao vào thực hiện.
Năm 1988, GS. Bùi Trọng Liễu ở Pháp viết thư gửi một số nhà giáo trong nước chia sẻ ý định thành lập một trường ĐH NCL. Nhiều GS trong nước, trong đó có GS. Hoàng Xuân Sính đã hưởng ứng. Tháng 12-1988, Bộ ĐH và THCN ra quyết định cho phép thành lập Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long. Đây là trường ĐH NCL đầu tiên trong nước.
Cơ sở giáo dục THPT NCL đầu tiên là Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Người sáng lập – GS. Văn Như Cương – kể vào giai đoạn khó khăn ấy, ông quyết định cùng một người bạn là Nguyễn Xuân Khang, giảng viên Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), đứng ra mở trường. Ý tưởng của hai người đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là GS. Phạm Minh Hạc ủng hộ. Và ngày 1-6-1989, trong vô vàn khó khăn vì thiếu quy chế hoạt động cùng với tư duy cũ của không ít lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Tâm Đan lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã ký quyết định thành lập Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh.
TP.HCM cũng không thể chậm chân. Từ năm 1992, các trường phổ thông dân lập lần lượt ra đời: trường đào tạo học sinh giỏi (nay là Ngôi Sao), Nguyễn Khuyến… Bậc ĐH thì năm 1995 có các ĐH dân lập Văn Lang, Kỹ thuật Công nghệ, Văn Hiến, Hồng Bàng… Nương theo đà của Hà Nội, TP.HCM, năm 1994, Trường ĐH dân lập Duy Tân – trường ĐH NCL đầu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên – được thành lập tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, thời kỳ này XHHGD mới chỉ có chủ trương là các nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (khẳng định 3 loại hình giáo dục NCL là bán công, dân lập và tư thục), nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (tiếp tục phát triển các trường dân lập ở tất cả các bậc học, từng bước phát triển vững chắc các trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, phổ thông, dạy nghề và ĐH). Mãi đến 1997, khái niệm về các loại hình trường NCL và các chính sách khuyến khích (về đất đai, tín dụng, bảo hiểm) cho trường NCL mới được thể hiện chính thức tại Nghị quyết số 90/CP ngày 21-8-1997 của Chính phủ về “Phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục…”.
Nghị quyết 90 trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống trường NCL phát triển. Nếu năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 cơ sở ĐH NCL thì đến 2012 có 54 trường ĐH và 30 CĐ NCL với hơn 330 ngàn sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước. Ở khu vực mầm non và giáo dục phổ thông, hệ thống NCL từ không có gì đến nay đã tham gia đào tạo cho 1/2 số trẻ mẫu giáo, 1/3 số trẻ mầm non, 1/20 học sinh tiểu học, 1/200 học sinh THCS, 1/10 học sinh THPT.
“Mặc dù về một số mặt còn chưa làm cho Nhà nước và xã hội thực sự yên lòng, nhưng nhìn chung phải thừa nhận đóng góp của hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL trong 20 năm vừa qua là rất to lớn”, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT thời kỳ đó, nay là Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nhận xét.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)