Tòa soạnThư đi – tin lại

20 năm Ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em: Trẻ vẫn còn thiệt thòi

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em nghèo ở thị xã Lagi nhận học bổng của Hội Nhà báo TP.HCM.  Ảnh: TUY AN

Ngày 20-11-1989, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là nước thứ hai và là đầu tiên của châu Á phê chuẩn công ước này vào ngày 20-2-1990. 20 năm sau (20-2-1990/20-2-2010), một số quyền trẻ em đã được thực hiện tốt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em được quan tâm, chăm sóc nhiều song vẫn còn đó những thiệt thòi mà trẻ em phải gánh chịu. Nhiều vụ bạo hành trẻ em rất đau lòng như cha mẹ đánh đập con, người sử dụng lao động đánh đập tàn nhẫn lao động nhí, bắt ép, chăn dắt trẻ ăn xin. Các vụ việc xảy ra gióng lên một hồi chuông cảnh báo về quyền trẻ em. 
Công ước Quốc tế quyền trẻ em là một văn bản pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em mà tất cả mọi người cần thực hiện. Theo công ước này, trẻ có quyền được sống, trưởng thành, phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc trong tình thương yêu của cha mẹ, gia đình và cộng đồng. Trẻ có quyền được bảo vệ và chăm sóc, không phân biệt đối xử với trẻ em dù gái hay trai, dù nghèo hay giàu, khỏe mạnh hay ốm đau, khuyết tật, theo tôn giáo hay không tôn giáo…
20 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em là một chặng đường dài nhưng một số quyền trẻ em trong công ước vẫn chưa thực hiện tốt. Trước hết phải nói đến là quyền được bảo vệ chống lại sự bóc lột. Trẻ vẫn còn bị lợi dụng, bắt ép làm ăn xin, làm việc vì lợi ích riêng của người khác. Kế đến là quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế. Trẻ gái hoặc trai đủ 15 tuổi trở lên do nhu cầu cần phải lao động sớm, phải có chế độ làm việc đặc biệt, chỉ làm những côngviệc nằm trong khả năng của mình, tại nơi không nguy hiểm và không độc hại. Tuy nhiên ở một số nơi sử dụng lao động này có thực hiện đúng quy định. Điều đáng bàn nữa là việc kiểm tra, giám sát còn quá lơ là vô tình tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tha hồ bắt ép, làm lợi riêng cho mình. Bên cạnh đó, mặc dù lao động nặng nhưng trẻ không được hưởng mức lương hợp lý, không có thời gian học tập, giải trí. Thời gian qua, có không ít trường hợp trẻ em bị xúc phạm làm tổn hại nặng nề về tinh thần của trẻ, đây là thực trạng đáng buồn. Giải trí rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cũng như thể chất của trẻ, nhưng thực tế không phải trẻ em nào cũng có được cơ hội này. Các bậc cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ con cái tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục nhưng cũng có trường hợp chính cha mẹ lại đẩy con mình vào con đường này. Tệ hại hơn, không ít trường hợp trẻ bị làm nhục, đối xử vô nhân đạo như đánh đập bằng gậy, trói, cởi truồng…
Trẻ em vẫn còn chịu thiệt thòi có nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Song, để khắc phục những tồn tại cần sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và xã hội.
NGUYỄN THANH
Theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, trẻ có các quyền sau: Quyền được có họ tên và quốc tịch; quyền được bảo vệ và chăm sóc; quyền không bị cách ly khỏi cha mẹ; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học hành; quyền trẻ em trong trường học; quyền được sống trong môi trường lành mạnh; quyền được giải trí; quyền được tự do bày tỏ ý kiến; quyền được bảo vệ chống lại lạm dụng tình dục; quyền được bảo vệ chống lại sự bóc lột, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế…
 

Bình luận (0)