Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

200 báo cáo viên nguồn được tập huấn chương trình giáo dục mới

Tạp Chí Giáo Dục

Những giảng viên sư phạm, giáo viên phổ thông giỏi được tham gia tập huấn với chuyên gia Australia để triển khai mở rộng cho cả nước.

Ngày 16-21/4, Ban tổ chức Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn đợt 1 – giáo dục phát triển năng lực học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho 200 báo cáo viên nguồn, trong đó có 120 giảng viên sư phạm; 60 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý trường phổ thông giỏi; 20 cán bộ quản lý và chuyên viên của Bộ.

Chuyên gia đến từ Đại học Melbourne. Ảnh: Dương Tâm

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết mục tiêu của đợt tập huấn là giúp báo cáo viên hiểu rõ nguyên tắc chủ chốt của giáo dục phát triển năng lực và các yêu cầu cốt lõi đối với giảng viên cốt cán trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Giảng viên của khóa tập huấn là các chuyên gia đến từ Đại học Melbourne (Australia).

Các báo cáo viên nguồn được tập huấn theo hướng tập trung xây dựng năng lực và thay đổi nhận thức, hành vi thông qua tương tác hai chiều. Học viên được chia thành những nhóm nhỏ, cùng giảng viên tham gia các hoạt động tương hỗ liên kết giữa lý thuyết và thực hành; hợp tác giải quyết những vấn đề, xây dựng những bài học cụ thể trong bối cảnh Việt Nam, từ đó phát triển tài liệu này để triển khai tập huấn cho toàn bộ giáo viên trên toàn quốc.

Sau năm ngày tập huấn trực tiếp, những bài học được các báo cáo viên thiết kế sẽ được đưa xuống nhà trường để tổ chức giảng dạy, ghi hình rồi gửi cho đội ngũ chuyên gia của Australia để họ phân tích, góp ý. Mọi vướng mắc đều có thể trao đổi với đội ngũ này qua những buổi tập huấn online.

Các bài học được quay lại cùng những phân tích của chuyên gia cũng chính là phần minh họa để cấu thành bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên, được đăng tải trực tuyến để triển khai tập huấn mở rộng.

Các chuyên gia tương tác trực tiếp với 200 báo cáo viên nguồn. Ảnh: Dương Tâm

Các chuyên gia tương tác trực tiếp với 200 báo cáo viên nguồn. Ảnh: Dương Tâm

TS Nguyễn Thị Kim Cúc, đại diện nhóm chuyên gia đến từ Đại học Melbourne (Australia) cho biết giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh là xu thế của thế giới và hiện đã có trên 30 nước theo hướng này.

Nhận định các buổi tập huấn cho 200 báo cáo viên nguồn là quan trọng, bà Cúc hy vọng các học viên sẽ là người tiên phong và truyền cảm hứng cho giáo viên toàn quốc về dạy học theo định hướng phát triển năng lực.

"Với kinh nghiệm đã tập huấn cho giáo viên ở Arab Saudi, nhóm chuyên gia Australia cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giúp thế hệ tương lai của Việt Nam phát triển tốt những phẩm chất, năng lực chung", bà Cúc nói.

Theo lộ trình, 200 báo cáo viên nguồn này sẽ tham dự đợt tập huấn thứ hai từ 20 đến 24/5 với nội dung chính là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành giáo dục phát triển năng lực, tập trung vào các kỹ thuật tổ chức dạy học, phương pháp và hình thức giảng dạy.

200 báo cáo viên nguồn sẽ bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt. Những giảng viên chủ chốt tiếp tục bồi dưỡng cho gần 7.000 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên cốt cán các cấp học, 1.000 cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Từ đó, đội ngũ này tập huấn cho toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc.

Dự án Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông (RGEP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản và chủ dự án, Ngân hàng thế giới tài trợ. Dự án gồm 4 thành phần: Hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình; hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông; quản lý, giám sát, đánh giá dự án.

Dương Tâm/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)