Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

200 năm gắn với bục giảng

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng chú Tư Đực và các con, cháu đi tham quan Thảo Cầm Viên

Tới ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM hỏi nhà chú Tư Đực (Phạm Văn Đực) ở đâu, dù người già hay trẻ con, ai cũng biết. Gia đình chú Tư Đực nổi tiếng vì có tới 10 người con đẻ, một con dâu, một con rể làm giáo viên. Tổng số năm gắn bó với nghề giáo của 12 người con chú Tư Đực lên tới trên 200 năm…

Đổi đất lấy chữ

Tôi đến nhà chú Tư Đực vào một ngày đầu tháng 11 – tháng có Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhìn cơ ngơi nhà chú (nhà ngói, nền lát gạch bông…), tôi có chút so sánh với mặt bằng chung của người dân chân lấm tay bùn ở vùng quê này. Và nhận thấy gia đình chú có giàu hơn hàng xóm chút đỉnh.

“Nhìn cơ ngơi nhà mình cũng hoành tráng thật đấy”, tôi buột miệng nhận xét. Tiếp tôi là cô Phạm Thị Bạch Yến – giáo viên Trường Tiểu học Trang Tấn Khương (H.Nhà Bè). Cô Yến thật thà: “Năm ngoái, thấy nhà của ba mẹ xuống cấp nên mấy chị em trong nhà mỗi người đóng góp một chút để xây cho hai cụ ngôi nhà này. Nếu chỉ nhìn vào hiện tại thì không thể thấy được nỗi vất vả của ba má chị trong việc nuôi 11 đứa con ăn học và có nghề nghiệp ổn định như bây giờ đâu…”.

Rồi những năm tháng tuổi thơ của cô Yến cùng các chị em trong nhà, những nhọc nhằn của vợ chồng chú Tư Đực dần dần được tái hiện.

Trước giải phóng, gia đình chú Tư Đực ở gần cầu Phú Xuân (nay thuộc Q.7, TP.HCM). Do buôn bán và lúc đó mới có 7 đứa con nên cuộc sống cũng tạm gọi là đủ ăn. Năm 1976 (sau giải phóng gần một năm), ba chú Tư Đực bán nhà và đưa vợ con, các cháu về xã Long Thới, Nhà Bè sinh sống. Về nông thôn nên gia đình chú Tư Đực cũng phải đổi nghề sang làm ruộng và chăn nuôi. Trước đây, vợ chồng chú bán hàng… thì nay phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ấy vậy mà cái đói, cái nghèo nó cứ bám chặt lấy vợ chồng chú như keo dính sắt!

Khổ vậy đó, đói vậy đó nhưng khi về đây vợ chồng chú Tư Đực cũng ráng sinh thêm 4 cô con gái nữa, nâng số con của hai người lên 11 đứa. Có lẽ thời đó quan điểm của vợ chồng chú Tư Đực đơn giản: “Con là của”, “càng đông con, nhiều cháu thì càng giàu”…

Khác với nhiều người – nhất là những người phải chạy ăn từng bữa thường nghĩ “cái ăn chưa no thì lo làm sao được cái chữ”, vợ chồng chú Tư Đực quyết đầu tư “cái chữ” cho con cái đến nơi đến chốn. Cứ mỗi đứa con đặt chân vào giảng đường đại học là một mảnh đất của gia đình được… sang tên cho người khác. Từ chỗ ruộng vườn rộng thênh thang đến nay chỉ còn lại một mảnh vườn be bé đủ để trồng mấy luống rau xanh.

Soi còng nuôi chữ

Cô Phạm Thị Thúy Hạnh trong giờ lên lớp

Con đường đi tìm cái ăn, cái mặc cho 11 đứa con của vợ chồng chú Tư Đực khó nhọc bao nhiêu thì con đường đến trường của 11 chị em cô Yến vất vả bấy nhiêu.

“Thời đó chỉ học một buổi. Vì vậy, mấy chị em trong nhà phân công nhau ai học buổi sáng thì đi bắt còng buổi chiều, ai học buổi chiều đi bắt còng buổi sáng. Còn buổi tối, tất cả lớn bé đều dắt nhau cầm đèn đi soi còng”, cô Yến nhớ lại.

Tôi hỏi: “Vậy thời gian đâu mà học bài?”. “Thì là buổi tối đó. Mấy chị em chong đèn dầu lên học. Học đến 9 giờ thì cầm đèn đi soi còng. Cũng có khi phải chờ nước rút nên ngủ đến 3 giờ sáng thì dậy đi soi. Buồn ngủ lắm, mở mắt không nổi nhưng vẫn phải dậy mà đi. Vì không làm vậy thì không có tiền mua sách vở, quần áo để đi học. Đến nay thỉnh thoảng chị Tư (cô Phạm Bình Phước – giáo viên Trường Tiểu học Tân Thuận, Q.7) vẫn nhắc: “Ngày đó đi soi còng cả ngày lẫn đêm mà chỉ mua được mỗi cái quần đi học”…” – cô Yến chia sẻ.

“Anh Bảy (thầy Phạm Tấn Hùng – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, Nhà Bè) và anh Tám (thầy Phạm Tấn Thành – nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, vì lý do sức khỏe nên nghỉ dạy khoảng 5 năm nay) thì đi giăng câu, thả lưới để bắt tôm, bắt cá. Hôm nào được nhiều thì mớ làm thức ăn cho gia đình, mớ đem bán lấy tiền đóng học phí. Có nhiều hôm đi từ khuya tới sáng mới về. Về tới nhà tắm rửa thay đồ là đi học liền” – cô Phạm Thị Thúy Hạnh (em cô Yến) – giáo viên Trường Tiểu học Tạ Uyên, Nhà Bè góp thêm vào câu chuyện tuổi thơ của mấy chị em trong nhà.

Không những vậy, mấy chị em cô Yến còn phải chằm lá dừa nước thành từng miếng to rồi đem bán lấy tiền. Thậm chí, “Khi lên cấp 3, tôi học ở Trường THPT Ngô Quyền. Mỗi buổi sáng đi học, hoặc là đem theo một giỏ trứng vịt (ông nội nuôi vịt) hoặc đem theo một giỏ rau lang, bông so đũa (má trồng) vào chợ Phú Xuân nhờ người quen bán giùm. Trưa tan học, trước khi về nhà thì ghé chợ lấy tiền” – cô Yến nhớ lại.

Chưa hết đâu. Ngày ấy giao thông ở Nhà Bè tệ lắm, đường là đường đất đỏ – nắng thì bụi, mưa thì sình lầy, ngập nước, mỗi lần tới trường là té lên té xuống. Nhưng ớn nhất là mỗi lần phải qua đò. “Hồi đó chưa có cầu Mương Chuối nên muốn tới trường tụi chị phải đi đò. Đò thì nhỏ, nước lại chảy siết, trong khi mấy bác lái đò “tham lam” nhét quá trời người, đò cứ chòng chành chòng chành, mấy lần suýt chết đuối” – cô Yến cho biết thêm.

“Thủy chung” với nghề giáo

Trên con đường đi tới tương lai tươi sáng của mấy đứa con chú Tư Đực, không thể không kể đến những người thầy tốt bụng. Như câu chuyện của cô Phạm Thị Thúy Liễu (em cô Yến, hiện đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Lương, Nhà Bè) đang học dở lớp 10 thì bỏ ngang. Nguyên nhân thứ nhất là nhà nghèo, muốn nghỉ học để có nhiều thời gian đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi các chị em đi học. Thứ hai là do đường tới trường vừa xa vừa trắc trở khó đi. Một tuần không thấy cô học trò nhỏ người mà học giỏi tới lớp, thầy chủ nhiệm đã lặn lội tìm tới tận nhà hết lời động viên, khuyên bảo Liễu đi học trở lại. Trước tấm lòng của thầy cũng như mong mỏi của ba má, Liễu đã quay trở lại trường. Ngoài cái lý do theo gương chị Hai (nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà Bè, mất cách đây 10 năm do bệnh tim), Liễu chọn nghề sư phạm là để tỏ lòng biết ơn người thầy của mình…

Hay như hoàn cảnh của các cô Phạm Thị Thúy Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Văn Ba, Nhà Bè; cô Phạm Thị Thúy Hạnh, cô Phạm Thị Thúy An – giáo viên Trường Tiểu học Trang Tấn Khương, Nhà Bè và cô em út Phạm Thị Thúy Vân – giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Thập, Q.7, khi còn học ở Trường THPT Long Thới, luôn “mắc nợ” học phí. Cứ mỗi lần tới gần kỳ thi học kỳ, lại bị nhắc nhở nếu không đóng tiền sẽ không được thi. “Thầy Hiệu trưởng nói với chúng tôi mời ba tới trường thầy gặp. Khi ba tới trường trình bày hoàn cảnh và xin thầy cho đóng trễ, thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Vân nói sẽ miễn học phí cho mấy chị em tôi. Từ đó mấy chị em đi học mà không phải lo lắng chuyện học phí nữa” – cô Hạnh xúc động nói.

Có lẽ chính vì có những người thầy nhân hậu, cao cả đứng ở sau lưng giúp đỡ nên khi đã được đứng trên bục giảng, mấy người con của chú Tư Đực luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Cô Hạnh thổ lộ: “Khoảng  hai chục năm về trước, lương giáo viên còn thấp lắm, nhiều giáo viên đã bỏ nghề nhưng mấy chị em trong nhà vẫn cương quyết bám nghề. Ngày thì đi dạy ở trường, tối về nhận hàng may gia công – Có nhiều hôm may tới 11, 12 giờ đêm”.

… Đến hôm nay, ở cái tuổi được cho là cao, vợ chồng chú Tư Đực đã thảnh thơi nghỉ ngơi và tận hưởng hạnh phúc tuổi già bên những người con thành đạt và những đứa cháu ngoan, học giỏi.

Hòa Triều

Bình luận (0)