Theo đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020, hơn 2.312 tỷ đồng sẽ được sử dụng để nâng cấp và xây dựng mới hệ thống trường chuyên. Bộ GD-ĐT sẽ mời chuyên gia trong nước và nước ngoài tư vấn về cách thức tuyển sinh.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị triển khai thực hiện “Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020” tổ chức tại Hà Nội ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trưởng ban điều hành Đề án, cho biết: các hoạt động chính trong kế hoạch triển khai thực hiện đề án là rà soát, hoàn thiện các văn bản đã ban hành và xây dựng các văn bản liên quan đến trường THPT chuyên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường THPT chuyên; phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục. Đề án sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2010-2015) sẽ tập trung vào những công việc nhằm tạo cơ sở, nền tảng phát triển hệ thống trường THPT chuyên. Giai đoạn 2 (2015-2020) thực hiện những việc với mục đích phát triển hệ thống trường THPT chuyên một cách vững chắc.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Thưa Thứ trưởng, hệ thống trường chuyên hiện nay trong cả nước phát triển không đều, thiếu quy hoạch, thậm chí có tỉnh còn không có trường chuyên. Với Đề án phát triển trường chuyên lên tới hơn 2.300 tỷ đồng, để nâng cấp và xây dựng mới hệ thống trường chuyên. Vậy Đề án trên có lộ trình bài bản không thưa ông?
Đúng là có thực trạng đó. Trong xã hội hiện nay cơ bản thống nhất mục tiêu đào tạo và mục đích phát triển trường chuyên, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau do hạn chế của hệ thống trường chuyên trước để lại. Do đó, cần phát triển trường chuyên theo Đề án mới, thúc đẩy, phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng học sinh giỏi cho đất nước, định hướng đúng cho trường chuyên phát triển đúng với ý nghĩa, giá trị của trường chuyên.
Với kinh phí của Đề án lớn như vậy, tại sao Bộ không xây dựng hệ thống trường chuyên từ cấp THCS vì như thế tạo cho học sinh có quá trình đào tạo dài hơn, vững chắc hơn. Bằng chứng là hiện nay có rất nhiều trường THCS vẫn tồn tại lớp chuyên, lớp chọn?
Luật Giáo dục đã quy định rồi, không có hệ thống trường chuyên lớp chọn từ cấp THCS mà chỉ có cấp THPT. Trước đây đã có địa phương có trường chuyên ở bậc THCS, thậm chí ở bậc tiểu học, điều đó làm cho việc phát triển toàn diện học sinh bị hạn chế, hạn chế cả năng khiếu của các em đi không đúng hướng.
Việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh có ở tất cả các cấp học, tuy nhiên năng khiếu muốn phát triển được cần có thời gian phát hiện đúng, hơn nữa cần phát triển con người toàn diện, trên cơ sở đó mới phát triển năng khiếu riêng.
Bộ GĐ- ĐT có ý định tham mưu sửa đổi Luật giáo dục để xây dựng trường chuyên ở bậc THCS?
Luật giáo dục quy định đã rất đúng, Bộ không có chủ trương tham mưu sửa đổi.
Mục tiêu của đề án đặt ra giai đoạn 2010-2020 mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có ít nhất một trường THPT chuyên, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh phổ thông của từng tỉnh, thành phố. Đến năm 2015, có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng đội ngũ giáo viên dạy chuyên hiện nay đang thiếu trầm trọng và sẽ không đáp ứng kịp yêu cầu mà Bộ đề ra?
Trước mắt chúng tôi sẽ cho 200 giáo viên đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài, đồng thời cử đi học ở nước ngoài 730 giáo viên để có thể về dạy các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin học bằng tiếng Anh. Bộ cũng sẽ đào tạo thạc sỹ trong nước cho 500 giáo viên và bồi dưỡng, đào tạo tiếng Anh, tin học cho 1.560 cán bộ quản lý. Dự kiến kinh phí để phát triển đội ngũ giáo viên khoảng 624 tỷ đồng.
Được biết, sắp tới Bộ sẽ thay đổi cách thức thi vào lớp chuyên như ngoài việc việc kiểm tra kiến thức cơ bản còn có kiểm tra năng khiếu, chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc và chỉ số đạo đức… Vậy cách thay đổi này sẽ được thực hiện như thế nào thưa thứ trưởng?
Ý tưởng này có rồi, nhưng làm thế nào thì phải suy nghĩ thêm, không chỉ dừng ở việc đánh giá môn văn hoá như hiện nay, dần dần sẽ đưa vào quy chế của trường chuyên.
Thưa thứ trưởng, việc thay đổi cách thức tuyển sinh mới như vậy có vượt quá khả năng của chúng ta hiện nay không? Có cần phải mời chuyên gia nước ngoài không?
Chắc chắn là vượt quá khả năng của chúng ta, rất khó. Có thể sẽ mời chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn về tuyển sinh. Tuy nhiên, khó thì làm được đến đâu tốt đến đấy.
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh (ghi) / Dan tri
Bình luận (0)