Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

2010, kích cầu du lịch bằng bán hàng giảm giá

Tạp Chí Giáo Dục

Để kích cầu du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam năm 2010, tổng cục Du lịch (bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) sẽ phát động chiến dịch bán hàng giá giá "Impressive Vietnam Grand Sale 2010", dự kiến diễn ra vào quý III của năm.

Thí điểm ở ba thành phố lớn
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó vụ trưởng vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, do lần đầu tiên Việt Nam tổ chức chương trình bán hàng giảm giá để thu hút khách du lịch nên chiến dịch chỉ thí điểm tại một số thành phố và trung tâm du lịch chính là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Các địa phương khác, nếu có khả năng tổ chức, sẽ đăng ký với Tổng cục Du lịch.
Đối tượng tham gia là các siêu thị, cửa hàng mua sắm, cửa hãng thủ công mỹ nghệ. Thậm chí, các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, hãng vận chuyển cũng có thể tham gia. Ban đầu, các đơn vị tham gia đăng ký với sở Công Thương và sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại 3 thành phố này, gồm tên đơn vị, mức độ giảm giá và thời gian triển khai.
Đồng thời, cơ quan tổ chức (Tổng cục du lịch, cục Xúc tiến thương mại – bộ Công Thương) cũng sẽ lựa chọn tổ chức các phố mua sắm, phố nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ và phố ẩm thực tại 3 thành phố được chọn; hay triển khai các chương trình bốc thăm trúng thưởng cho khách.
Dự kiến, mức giảm giá trung bình sẽ duy trì từ 10 đến 50% trong hai tháng khuyến mại. Tất nhiên, khi đăng ký tham gia, các đơn vị sẽ được bù đắp phần thiệt thòi, như giới thiệu miễn phí trên các trang web về du lịch, quảng bá không mất tiền tại các hội chợ quốc tế, các chương trình xúc tiến…
Theo ông Đỗ Xuân Hạ, phó cục trưởng cục Xúc tiến Thương mại (bộ Công Thương) sau năm thí điểm 2010 sẽ phấn đấu triển khai chiến dịch thường niên. Nó cũng sẽ xoá sổ chương trình tháng khuyến mãi (tháng 9 hàng năm) mà TP.HCM tổ chức từ năm 2005 hay chương trình khuyến mại của Hà Nội vừa khởi động năm 2009.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, tổng thư ký hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nếu 150 thành viên gồm các nhà bán lẻ, phân phối và cả sản xuất tham gia thì chương trình sẽ thành công rất lớn, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng nội địa từ khách du lịch mà lâu nay chúng ta tổ chức chưa chuyên nghiệp và chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chiến dịch bán hàng giảm giá chỉ là một trong ba đề xuất trong dự thảo chương trình kích cầu nội địa năm 2010 do Tổng cục Du lịch thực hiện, giới thiệu ngày 25/2 nhằm lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ.
Ngoài ra, cơ quan này còn có chương trình tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa với hàng loạt chính sách giảm giá khác nhân nhiều sự kiện du lịch lớn năm 2010, mà điển hình là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội hay chương trình nhằm thu hút khách quốc tế, với tên gọi dự kiến "Việt Nam – Điểm đến của bạn".
Đúng đối tượng mới "trúng"
Hầu hết các ý kiến phát biểu đều ủng hộ đề xuất mới của Tổng cục Du lịch, song, lại không khỏi băn khoăn về đối tượng để kích cầu du lịch.
Ông Lưu Đức Kế, giám đốc công ty lữ hành Hanoi Tourist, nhấn mạnh chính vì xác định nhầm đối tượng là thu hút khách quốc tế nên chương trình khuyến mại Ấn tượng Việt Nam 2009 triển khai còn chậm trễ và lúng túng. Năm 2010, nếu Tổng cục Du lịch tiếp tục xác định nhắm vào hút khách quốc tế, trong khi cứu cánh là du lịch nội địa và từ đầu năm đến nay lượng khách nội địa vẫn rất hùng hậu thì cần xem xét lại và xác định kích vào đâu cho trúng.
"Nếu không rõ thì nội dung đi theo sẽ không chuẩn", ông Phạm Trung Lương, phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển du lịch (bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), nhận xét.
Theo ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải, trưởng ban Tiếp thị Hành khách (Vietnam Airlines), thì nên nhằm vào cả hai đối tượng, bởi trên thực tế mùa thấp điểm của hai đối tượng là khác nhau. Phó cục trưởng cục Xúc tiến Thương mại (bộ Công Thương) Đỗ Xuân Hạ nói thêm, khi bàn bạc, cả hai cơ quan đứng ra tổ chức đều thống nhất chương trình giảm giá vừa nhằm kích cầu nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời tăng chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam.
Về thời gian, hai mốc dự tính bắt đầu chương trình là tháng 8-9 hoặc 9-10 năm nay. Hầu hết các ý kiến cho rằng nên khuyến mại trong tháng 8-9. Ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, lập luận, tháng 9-10 rơi vào chính lễ Hà Nội nghìn năm nên khách trong nước, quốc tế đã rất đông.
Một ý kiến khác của ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh về việc nên kiến nghị Nhà nước đồng ý hoàn trả lại thuế VAT cho khách quốc tế vì các nước đã làm từ đâu, trong khi Việt Nam vẫn đang suy đi tính lại. Giải thích điều này, vụ trưởng vụ Lữ hành Vũ Thế Bình nói, cái khó bó cơ quan quản lý là hiện không thể phân biệt nổi đâu hoá đơn mua hàng thật, đâu là giả để mà miễn cho khách.
Còn đại diện công ty du lịch Saigontourrist góp ý, chương trình này không nên chỉ giảm giá bán hàng mà cần hơn nữa là sự ổn định về giá, đặc biệt trong mùa cao điểm.
Ông Đỗ Xuân Hạ nói thêm, từ trước Tết, chương trình tour mua sắm đã được hai bên bàn thảo nhằm vừa kích cầu nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời tăng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam.
Liên quan đến vận chuyển, ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải cũng thông báo, hàng không năm nay sẽ tiếp tục khuyến mại vào mùa thấp điểm, gồm hai giai đoạn từ nay đến cuối năm (tháng 3-4 và tháng 9-10), ưu tiên các công ty lữ hành có lượng bán lớn. Mức giá giảm dự kiến 30 đến 50-60% so với giá thường.
Tuy nhiên, ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc công ty du lịch Thế hệ Trẻ, lưu ý Vietnam Airlines cần thông báo sớm thời gian giảm giá đồng thời có kế hoạch dài hơi bởi năm 2009, hãng giảm giá 3 đợt làm du lịch phải chờ đợi trong thế bị động và mất nhiều công sức quảng bá.
Chiến dịch bán hàng giảm giá sẽ được ủng trợ thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), phát thẻ ưu đãi giảm giá hoặc vé mua sắm (shopping coupe) cho khách tại các siêu thị, cửa hàng, khách sạn, điểm du lịch. Khách chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân để nhận thẻ ưu đãi này.

Ngọc Hà, SGTT

 

Bình luận (0)