Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

2015: đấu thầu thuốc tập trung quy mô quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần phải sớm minh bạch giá trang thiết bị và đấu thầu tập trung thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả.

Giảm tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và gỡ khó trong quản lý giá thuốc, giá trang thiết bị y tế là bốn vấn đề được Bộ Y tế bàn thảo nhiều nhất tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác 2014, bàn kế hoạch 2015 diễn ra ngày 21-1.

Đấu thầu tập trung, không còn mỗi nơi một giá?

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết dự thảo thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc đang dần hoàn thiện, dự kiến năm 2015 có thể đấu thầu tập trung đối với một số nhóm thuốc.

Người bệnh mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM – Ảnh: Q.Định

Theo ông Liên, trên 20.000 mặt hàng thuốc đang lưu hành sẽ được hội đồng tư vấn chuyên môn với 22 thành viên của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Bảo hiểm xã hội VN… xem xét, chia thành bốn danh mục: thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, thuốc đấu thầu tập trung tại tỉnh thành, danh mục thuốc cần đàm phán về giá và danh mục đấu thầu tại bệnh viện.

Ông Liên cho biết nếu làm kịp thì năm 2015 sẽ đấu thầu tập trung trước với một số mặt hàng, năm 2016 sẽ mở rộng danh mục này.

Ông Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết hiện nay mỗi bệnh viện, địa phương có hội đồng chấm thầu riêng và đấu thầu thuốc riêng lẻ, giá thuốc chênh lệch giữa các địa phương có thể lên tới 5-20% tùy mặt hàng, nếu đấu thầu tập trung thì tình trạng mỗi nơi mỗi giá thuốc sẽ được giải quyết.

“Bộ trưởng Bộ Y tế và tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN đang hướng đến đấu thầu tập trung với 180 hoạt chất có lượng sử dụng lớn nhất, chiếm tới 50% tiền thuốc đang được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, trước mắt dự kiến đấu thầu tập trung trước với 50 nhóm hoạt chất, tương đương 25% chi phí sử dụng thuốc” – ông Thảo chia sẻ.

Ðấu thầu thuốc là một trong những vấn đề khó và yêu cầu bức thiết là tổ chức đấu thầu tập trung các thuốc có lượng sử dụng lớn, nhằm làm giảm giá thuốc đã được đặt ra nhiều năm nay. Tuy nhiên đến nay chưa có nhiều địa phương triển khai được yêu cầu này.

Dự kiến trước mắt đấu thầu tập trung với 50 hoạt chất trên quy mô quốc gia cũng dẫn đến nhiều lo ngại, đặc biệt là nỗi lo doanh nghiệp trúng thầu không đủ khả năng cung ứng số lượng lớn, những bất cập về giá thuốc và tiêu chuẩn thuốc trúng thầu không thật sự “hoa mỹ” như lý thuyết từng xảy ra tại TP.HCM.

Ông Thảo cho rằng nếu đấu thầu tập trung, lợi về giá nhưng cũng cẩn trọng nếu không sẽ thiếu thuốc điều trị, khâu giám sát sau trúng thầu do đó sẽ rất quan trọng.

Bệnh viện có hết cảnh chung giường?

Theo kết quả báo cáo trực tuyến từ 25 bệnh viện tuyến trung ương toàn quốc trong tuần đầu tháng 1-2015, có 9/25 bệnh viện còn bệnh nhân chung giường. Cụ thể Bệnh viện Chợ Rẫy có 20 khoa còn bệnh nhân phải nằm ghép, số bệnh nhân điều trị nội trú vượt gần 100 người so với số giường thực kê.

Bệnh viện K có 2.684 giường bệnh thì bệnh nhân trên 2.700 người, 14 khoa phòng còn bệnh nhân phải nằm ghép. Bệnh viện Phụ sản trung ương có số bệnh nhân nội trú gần gấp đôi số giường, tức là hầu hết giường bệnh của bệnh viện đều phải nằm ghép.

Vì vậy, nhiều ý kiến của đại diện bệnh viện lo ngại cam kết chấm dứt nằm ghép trong năm 2015 sẽ phải “chín ép” vì thực tế cơ sở vật chất chưa đủ nhu cầu. Ðại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay khảo sát dịp Tết dương lịch vừa qua bệnh nhân không ra viện được do con dấu tròn chỉ đủ tính pháp lý khi đóng trong giờ hành chính, trong khi đó bệnh nhân vẫn vào viện.

“Vào viện thì nhiều mà ra viện thì không ra được. Bệnh viện chúng tôi đã phải yêu cầu bộ phận hành chính đi làm cả thứ bảy. Nhưng muốn giảm và chấm dứt nằm ghép thì phải làm việc lại với bên bảo hiểm, để bảo hiểm có thể chi trả phí giường bệnh cả trong trường hợp bệnh nhân điều trị ban ngày” – vị đại diện này cho biết.

Theo Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam, vẫn còn rất nhiều vấn đề ngành y tế cần phải làm ngay như hiệu suất khai thác trạm y tế xã phường quá thấp, vấn đề minh bạch hóa giá trang thiết bị y tế (đến nay vẫn chưa có giá thiết bị cùng các tính năng kèm theo công khai trên Internet để bệnh viện tham khảo, dẫn tới việc đấu thầu trang thiết bị y tế trở nên hết sức tù mù), rồi kết quả xét nghiệm chênh lệch, ngay trong khối bệnh viện quân đội thiết bị hiện đại như thế mà có nơi có chỗ chênh lệch 60%, tổn phí tiền và vật tư xét nghiệm.

Ðó là những việc mà Bộ Y tế cần phải làm ngay, để khẩu hiệu mà bộ mới đưa ra “Chung sức giảm tải bệnh viện, làm hài lòng bệnh nhân” là câu chuyện có thật, không chỉ là khẩu hiệu.

Tăng sản xuất thuốc phiên bản

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo thống kê từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN, thực hiện đấu thầu theo hình thức mới (từ năm 2013) tổng chi phí mua thuốc cho bệnh viện đã giảm 10-30% so với trước, cá biệt có những mặt hàng cùng hàm lượng, hoạt chất, dạng dùng giảm 10-20%. Điều này tiết kiệm chi phí cho bảo hiểm y tế và tiền túi của người dân.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cảnh báo ngành y tế cần tiếp tục triển khai nhanh các biện pháp để giảm giá thuốc như đẩy mạnh sản xuất thuốc generic (thuốc phiên bản) trên cơ sở thuốc phát minh đã hết bản quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Thống kê vừa qua cho biết giá thuốc generic đang rẻ hơn thuốc phát minh (đã hết bản quyền) 32%. Nếu khai thác được lượng sản phẩm này, giá thuốc có thể giảm thêm.

LAN ANH (TTO)
 

Bình luận (0)