Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

2016 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều cơ quan khí tượng trên thế giới cảnh báo năm 2016 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Theo Scientific American, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cục quản lý Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) đánh giá tháng 4 vừa qua là tháng 4 nóng nhất trong lịch sử, đồng thời là tháng thứ 12 liên tiếp thiết lập kỷ lục về nền nhiệt độ tháng cao nhất, do cộng hưởng của biến đổi khí hậu với hiện tượng El Nino.
Nhiệt độ toàn cầu đang cao hơn so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1,5°C. Cụ thể, nhiệt độ trung bình tháng 4/2016 cao hơn 1,1°C so với nhiệt độ trung bình tháng 4 trong thế kỷ 20 (13,7°C) và cao hơn 0,3°C so với kỷ lục năm 2010.
Nhiệt độ đất liền và đại dương từ tháng 1 - 4/2016.
Nhiệt độ đất liền và đại dương từ tháng 1 – 4/2016.
Tổ chức phi lợi nhuận Climate Central, Mỹ, tái phân tích dữ liệu nhiệt độ trung bình các tháng đầu năm nay của NASA và NOAA, đồng thời so sánh chúng với mức trung bình giai đoạn năm 1881 – 1910. Kết quả cho thấy, nhiệt độ trung bình từ tháng 1 đến tháng 4 của năm 2016 cao hơn 1,45°C so với giai đoạn 1881 – 1910.
Năm 2015, tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21 tổ chức ở Paris, Pháp, chính phủ các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay khoảng 15°C.
"Nhiệt độ trung bình tháng đang vượt qua các ngưỡng kỷ lục về nhiệt độ trước đó, và điều này sẽ xảy ra thường xuyên hơn", Michael Mann, chuyên gia về khí hậu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận định.
Các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm lượng phát thải carbon dioxide (CO2) và nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính khác để thực hiện mục tiêu trên. Theo NOAA, nồng độ khí CO2 trung bình hàng tháng trên toàn cầu đạt mức kỷ lục, vượt 400 phần triệu (ppm) vào tháng 3/2015. Tốc độ tăng nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển giai đoạn 2012 – 2014 là 2,25 ppm/năm.
Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2016 và các năm 2010, 2014, 2015, so với mức trung bình giai đoạn 1881 - 1910.
Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2016 và các năm 2010, 2014, 2015, so với mức trung bình giai đoạn 1881 – 1910.
"Đây là cột mốc cho thấy việc con người đốt cháy nhiên liệu hóa thạch khiến nồng độ CO2 toàn cầu tăng lên 120ppm từ thời kỳ tiền công nghiệp", Earth Sky dẫn lời Pieter Tans, chuyên gia về khí nhà kính tại NOAA.
Hiện tượng El Nino đang có dấu hiệu suy yếu, khiến nhiệt độ trung bình tháng dần giảm xuống, nhưng mức nhiệt độ vẫn cao hơn đáng kể so với năm 2015.
Theo Gavin Schmidt, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Không gian Goddard, NASA, với mức nhiệt độ các tháng đầu năm 2016, có 99% khả năng nhiệt độ trung bình năm nay sẽ cao hơn năm ngoái và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
TT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)