Nhằm đổi mới công tác quản trị TP trong tình hình mới để từ đó tạo động lực tăng trưởng, TP.HCM xác định từ năm 2023, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với hoạt động chuyển đổi số (CĐS) là “dữ liệu số” của TP. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP, Phó ban Chỉ đạo CĐS TP.HCM.
Ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
+ Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của TP.HCM trong năm 2022 về công tác CĐS?
Ông Lâm Đình Thắng: Năm 2022, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19, TP.HCM đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác CĐS. TP đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Đặc biệt, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27-8-2022 về đẩy mạnh công tác CĐS và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh để huy động toàn hệ thống chính trị của TP tham gia.
Trên cơ sở đó, kết quả triển khai CĐS của TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực. TP xếp hạng 3/63 tỉnh, thành, trong đó CĐS xếp hạng 3, kinh tế số xếp hạng 3 và xã hội số xếp hạng 4.
Nhiều ngành đã tăng tốc trong việc xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ hiệu quả quản trị điều hành và cung cấp dịch vụ công, điển hình như dữ liệu hộ tịch, dữ liệu giáo dục, dữ liệu nền thông tin địa lý…
Riêng Hệ thống thông tin thủ tục hành chính của TP, vì một số nguyên nhân nên TP.HCM có chậm so với các tỉnh, thành. Tuy nhiên, ngay khi Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ vào tháng 5-2022, thì trong 5 tháng đã chính thức cho ra mắt hệ thống. Và đến ngày 31-12-2022, gần như đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 450 dịch vụ công đã được UBND TP phê duyệt.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên TP đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn ở góc độ nghiên cứu khoa học. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TP ước đạt 15,38%, vượt chỉ tiêu của năm (chỉ tiêu là 15%).
+ Trong quá trình triển khai công tác CĐS, TP.HCM – đô thị lớn nhất nước – đã gặp khó khăn gì thưa ông?
CĐS không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà mục tiêu chính là thay đổi mô hình quản trị, thay đổi cách làm việc và phục vụ của các cơ quan Nhà nước; Là việc kiến tạo các sản phẩm mang giá trị mới, dịch vụ mới từ các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu và là thay đổi thói quen sử dụng, trải nghiệm mới của người dân trên môi trường số. Việc triển khai thực hiện chiến lược CĐS hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện toàn diện, tổng thể từ việc triển khai xây dựng chính quyền số đến thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM điều hành hiệu quả, linh hoạt và chính xác
TP.HCM là địa phương có dân số đông, là trung tâm kinh tế lớn nhất nên cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác CĐS. Bên cạnh khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực triển khai công tác này trong cơ quan Nhà nước, thì công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao, thống nhất về nhận thức, tư duy và hành động để triển khai đồng bộ chương trình CĐS của TP, của từng cơ quan Nhà nước, đến từng doanh nghiệp, từng người dân là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
+ Vậy, công tác CĐS của TP trong thời gian tới sẽ thế nào thưa ông?
Trong kế hoạch năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất chủ đề về CĐS và xây dựng đô thị thông minh là “dữ liệu số”. Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất, đầu năm 2023, sở sẽ tham mưu một hệ thống giám sát theo thời gian thực việc xử lý thủ tục hành chính của toàn bộ TP.
Ở nhóm giải pháp thứ hai – đẩy mạnh phát triển công dân số, TP sẽ triển khai ứng dụng di động thống nhất toàn TP để người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng tất cả dịch vụ công và được phục vụ mọi nơi mọi lúc.
Nhóm giải pháp thứ ba – TP sẽ hoàn thành kế hoạch vận hành 5 nền tảng số phục vụ cho công tác chỉ đạo và điều hành TP. Bao gồm: Hệ thống theo dõi các chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo thời gian thực; Hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Tổng đài 1022; Hệ thống theo dõi chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở ngành và địa phương – DCCI; Hệ thống theo dõi mức độ CĐS của các sở ngành, địa phương – DTI; và cuối cùng là ứng dụng công dân thống nhất của TP.
Nhóm giải pháp thứ tư, là việc tạo lập, duy trì dữ liệu số của TP phục vụ chia sẻ hỗ trợ và ra quyết định. Trên cơ sở định hướng dữ liệu này, các sở, ngành sẽ đẩy mạnh triển khai thống nhất các hệ thống thông tin chuyên ngành.
Chúng tôi dự kiến năm 2023 có 6 hệ thống thông tin chuyên ngành của 6 sở, ngành sẽ đưa vào vận hành. Đó là: Hồ sơ sức khỏe điện tử; Hệ thống thông tin quản lý đất đai; Hệ thống thông tin quản lý xây dựng; Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; Quản lý đầu tư công và quản lý hộ kinh doanh cá thể; Cơ sở dữ liệu quy hoạch.
+ Trong công tác CĐS, nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp, người dân rất quan trọng. Xin ông cho biết, TP có những giải pháp gì nhằm nâng cao, thống nhất về nhận thức, tư duy và hành động để triển khai đồng bộ chương trình CĐS?
Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phát huy hiệu quả công tác truyền thông; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về CĐS và phát huy hiệu quả của hơn 3.000 tổ công nghệ số cộng đồng ở địa phương để phổ cập cho người dân về CĐS, trước mắt là hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Thực tiễn cho thấy, TP.HCM đang rất cần đổi mới công tác quản trị trong tình hình mới để từ đó tạo động lực mới tăng trưởng cho TP. Do đó, đối với hoạt động CĐS từ năm 2023 đến 2025 yếu tố quan trọng hàng đầu là dữ liệu của TP. TP.HCM có thể bắt đầu việc này bằng cách khởi động cổng dịch vụ công của TP nhằm cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, từ đó có thể tạo động lực và làm tiền đề để hình thành các tiện ích khác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ban Chỉ đạo quốc gia về CĐS đã xác định năm 2023 cũng là năm của dữ liệu số; năm CĐS phải mang lại giá trị thực chất nhất. Để thực hiện được điều này, có 4 yếu tố rất quan trọng. Đó là sự chỉ đạo tập trung của lãnh đạo TP; vai trò tham mưu hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan; chủ động quyết tâm của người đứng đầu các cấp; việc bố trí nguồn lực hợp lý.
Với sự đồng tâm hiệp lực, TP.HCM kỳ vọng sẽ có những bước phát triển về CĐS thực chất để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, công tác quản trị của TP ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn.
+ Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)