Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

21 tuổi vẫn là em bé

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn vẻ ngoài cao hơn mét sáu, không ai nghĩ ở bên trong, Nga (21 tuổi, Gia Lai) vẫn chỉ là cô bé con, ngực phẳng lỳ, "vùng cấm" nhỏ xíu và chưa có kinh lần nào.
Tháng trước, Nga lên Hà Nội thăm người quen, tiện đi khám vì bị đau chân, và kiểm tra sức khỏe tổng thể luôn. Bác sĩ khám phụ khoa tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy ngực cô phẳng lỳ, vú nhỏ, không có lông nách, lông mu, âm hộ nhỏ. Hỏi ra mới biết, đã lớn từng này tuổi nhưng Nga chưa "bị" bao giờ.
"Em chưa bao giờ nghĩ mình có gì bất thường. Con gái có người ngực to, cũng có người ngực nhỏ mà. Với lại, dù không có kinh như bạn bè cùng lứa nhưng sức khỏe của em vẫn bình thường nên em không nghĩ đến chuyện đi khám", cô nói với bác sĩ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (số 4, nhà A2 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội), qua tuổi dậy thì mà ngực vẫn lép xẹp, chưa có kinh nguyệt và lông nách…, thì có thể người con gái đó gặp trục trặc ở nội tiết, cơ thể phát triển không bình thường.
Thông thường, ở giai đoạn 9-13 tuổi (gọi là tuổi dậy thì) cơ thể các bé gái bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt, từ đứa trẻ trở thành thiếu nữ. Biểu hiện rõ nhất là vú bắt đầu nhú lên một chút và tới cuối giai đoạn dậy thì nó đã hoàn thiện về kích thước và hình dáng đặc thù của mỗi người. Ngoài ra, các cô bé bắt đầu có lông mọc ở nách và cơ quan sinh dục. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tuổi dậy thì là hiện tượng kinh nguyệt.
Trường hợp những cô gái đã hết tuổi dậy thì mà vẫn chẳng khác gì một cô bé như Nga không phải hiếm gặp. Thanh (26 tuổi, Hà Nội) cũng gặp phải cảnh ngộ tương tự.
18 tuổi trong khi các bạn cùng trang lứa "có tháng" hết, người nào người nấy phổng phao, đường nét rõ ràng thì cơ thể cô không thay đổi gì nhiều, ngực vẫn nhỏ nhắn. Nga thấy băn khoăn không hiểu vì sao cơ thể mình lại không phát triển như các bạn nữ khác. Cô đã đi chữa trị một vài nơi, nhưng đều không được.
"Đi khám, các bác sĩ đều chỉ kê thuốc rồi cho về uống. Lúc đầu, thấy có được ít kinh cũng mừng lắm nhưng sau thì tắc tịt luôn, tôi chẳng biết làm thế nào. Thế nhưng tôi sắp kết hôn rồi, nên lần này phải kiên trì chữa cho bằng được. Chứ không có kinh thì sợ là không có con được", Thanh tâm sự.
Kinh nguyệt là biểu hiện của sự trưởng thành và bắt đầu hoạt động của buồng trứng. Khi ấy, người phụ nữ bắt đầu có khả năng thụ thai. Nếu không có kinh thì họ khó có cơ hội làm mẹ.
Theo bác sĩ Dung, những cô gái là "em bé" chỉ do rối loạn nội tiết thì có thể chữa trị bằng cách bổ sung nội tiết để họ có kinh và có con được. Tuy nhiên, việc chữa trị không đơn giản là cho uống thuốc là xong, có được ít kinh rồi thôi mà cần có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ, hết đợt này đến đợt khác nếu không thì cũng không có hiệu quả như trường hợp của Thanh.
Trong trường hợp họ có kinh đều trở lại thì khả năng có con là rất lớn. Trường hợp của Hoa (28 tuổi, Thanh Hóa) là một ví dụ. Trước khi lấy chồng, cô đi khám sức khỏe, bác sĩ bảo cô vẫn chỉ là "em bé", âm hộ nhỏ, không có lông mu…, nhưng cô vẫn có kinh bình thường. Bác sĩ cho biết có thể do trục trặc về nội tiết. Lúc đầu cô cũng hơi lo lắng vì sự khác biệt của cơ thể mình, sợ ảnh hưởng đến việc có con sau này.
"6 tháng sau khi kết hôn, không thấy dấu hiệu gì, tôi bắt đầu hoảng. Mẹ chồng suốt ngày hỏi thăm Con có bị nghén không, có dấu hiệu gì khác lạ không?… Đến khi biết mình có thai, tôi vẫn không dám tin. Giờ thì cục cưng của nhà tôi đã được gần 1 tuổi rồi", chị Hoa tâm sự.
Tuy nhiên bác sĩ Dung cũng cho biết những trường hợp không có kinh do dị tật bẩm sinh không có âm đạo, tử cung thì dù có thúc mãi kinh vẫn không ra được. Ở những người này bầu vú, cơ quan sinh ngục ngoài vẫn có thể phát triển bình thường nhưng đến tuổi dậy thì không thấy có kinh nguyệt. Các bác sĩ có thể dùng thủ thuật để tái tạo lại âm đạo, nhưng người phụ nữ đó khó có thể có con được.
Trong giai đoạn dậy thì, cỗ máy sinh học ở mỗi người hoạt động khác nhau, vì thế cùng độ tuổi có thể có bạn dậy thì sớm, có bạn dậy thì muộn hơn một chút cũng là bình thường. Nhưng bác sĩ Dung khuyến cáo nếu đã 18 tuổi mà ngực vẫn không phát triển, không thấy kinh nguyệt, lông mu, lông nách thì cần đến gặp các bác sĩ, để tìm hiểu nguyên nhân và có cách chữa phù hợp. Đặc biệt là xử lý vấn đề kinh nguyệt để người con gái đó có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo VnExpress
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)