Con số trên là dự đoán của Bộ GD-ĐT căn cứ vào chỉ tiêu, tổng quan điểm thi của các trường ĐH và mức dự kiến điểm sàn ĐH. Hôm nay 8-8, hội đồng xét duyệt điểm sàn ĐH-CĐ 2012 tiếp tục thảo luận.
Việc thảo luận sẽ đi đến quyết định chính thức điểm sàn ĐH-CĐ. Đây là cơ sở để các trường tiến hành các đợt xét tuyển.
Nhóm học sinh lớp 12A1 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đạt điểm cao kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 gặp gỡ chia sẻ niềm vui đậu đại học – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Khối C gieo hi vọng
Sẽ dễ quyết điểm sàn hơn năm trước
Sáng 8-8, hội đồng xét duyệt điểm sàn tiếp tục thảo luận và cân nhắc trên cơ sở dự kiến điểm sàn và bản phân tích của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Dự kiến có một số phương án điểm sàn đưa ra để thảo luận: hoặc giữ nguyên điểm sàn như năm 2011, hoặc tăng đều điểm sàn ở mỗi khối thêm 0,5 điểm… Nhưng phương án khả thi nhất là giữ nguyên điểm sàn khối A, B, tăng 0,5 điểm đối với khối C, D.
Ông Bùi Văn Ga cho biết: “Năm nay chắc sẽ không xảy ra việc tranh cãi nhiều. Việc quyết định sẽ không khó khăn như năm trước. Nếu năm trước điểm sàn được dự kiến sát ngưỡng chỉ tiêu khiến hội đồng phải cân nhắc kỹ, thì năm nay với mức sàn dự kiến, số dư (thí sinh)/số thiếu (chỉ tiêu) đều đủ cho các trường chọn lựa”.
|
Theo phân tích của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, mặt bằng điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay tốt hơn năm 2011 và các năm trước đây. “Mừng nhất là khối C có phổ điểm khá lý tưởng, phần đông thí sinh đạt khoảng 15 điểm/ba môn thi. Nếu so sánh số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên và thí sinh từ 15 điểm trở xuống thì tỉ lệ là 50/50. Như vậy, phổ điểm mỗi môn thi “chụm lại” ở mức điểm trung bình” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận xét.
Trong bối cảnh khối C được xem là “lựa chọn bất đắc dĩ” của những thí sinh học lực đuối thì kết quả trên là tia hi vọng đối với nhiều trường khối C. Bản phân tích của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho thấy khối D1 có kết quả khả quan hơn, số thí sinh đạt 12,5-13 điểm chiếm đa số. Các khối A, A1, B có kết quả nhích hơn năm trước 0,5-1 điểm.
Trên cơ sở phân tích điểm thi cùng với quy hoạch nhân lực ngành nghề trong 4-5 năm tới, tính toán về khả năng chuyển dịch của thí sinh trong các khu vực, Bộ GD-ĐT đã dự kiến mức điểm sàn cho từng khối thi. Theo đó, khối A, A1 dự kiến điểm sàn là 13, khối B là 14, khối C 14,5 và khối D 13,5. Với dự kiến trên, số thí sinh khối A đạt từ sàn trở lên gấp 1,8 lần chỉ tiêu, khối B gấp 10 lần chỉ tiêu, khối C, D gấp gần 3 lần so với chỉ tiêu. Riêng khối A1, vì là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh nên số thí sinh đạt từ sàn trở lên chỉ gấp 1,1 lần so với chỉ tiêu.
Thực tế với đề thi được định hướng phân loại học sinh, vừa đủ cho học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm trung bình, Bộ GD-ĐT từng kỳ vọng điểm thi ĐH năm nay cao hơn nữa, nâng mức điểm sàn lên cao hơn. “Thực tế với khối A, nếu nâng điểm sàn lên 13,5 thì nguồn tuyển sẽ bị hụt đáng kể so với năm 2011. Với mức điểm sàn 13 năm 2011, số thí sinh đạt điểm sàn trở lên là khoảng 1,5 lần so với chỉ tiêu mà nhiều trường đã than khan nguồn tuyển.
Năm 2012, nếu nâng điểm sàn lên 13,5 thì tỉ lệ này chỉ còn hơn 1,2 lần. Giữ ở mức điểm sàn 13 thì số thí sinh đạt sàn trở lên sẽ bằng 1,8 lần chỉ tiêu, nguồn tuyển các trường sẽ dồi dào hơn, nhất là ở khối trường ngoài công lập. Khối B mặc dù với mức sàn dự kiến, thí sinh đạt điểm sàn trở lên gấp 10 lần chỉ tiêu, nhưng do khối thi này những năm trước bị “ảo” nhiều nên mức sàn dự kiến trên là ngưỡng an toàn cho nhiều trường” – ông Ga phân tích.
Điểm chuẩn tăng
Thực tế trước khi có điểm sàn của bộ, những trường tuyển sinh đồng thời các khối A, C, D đều đưa ra mức dự kiến điểm chuẩn có sự khác biệt đáng kể ở khối C, D so với năm 2011, trong khi với khối A, mức điểm chuẩn tương đối ổn định. Với những trường có tăng điểm chuẩn dự kiến ở tất cả các khối thì mức tăng ở khối C, D vẫn mạnh hơn.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong khi điểm chuẩn dự kiến của các nhóm ngành khối kỹ thuật tuyển sinh khối A, A1 từ 18-21,5 điểm, tăng 0,5-1 điểm so với năm 2011 thì điểm chuẩn chuyên ngành tiếng Anh khoa học, kỹ thuật và công nghệ (tiếng Anh hệ số 2) là 26 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2011. Tại Trường ĐH Điện lực, năm chuyên ngành tuyển sinh đồng thời khối A và D1 thì điểm chuẩn xét trúng tuyển khối D1 cao hơn 0,5-1 điểm, trong khi các năm trước mức điểm chuẩn hai khối thi cho một chuyên ngành là bằng nhau.
Theo ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, thực tế với mức điểm sàn dự kiến bộ đưa ra thì thí sinh “chạm” sàn rất khó theo học các ngành có kiến thức khá nặng. “Với các ngành kỹ thuật – công nghệ, thí sinh nếu đạt điểm sàn chưa đủ khả năng để theo học. Trường ĐH Điện lực lấy điểm chuẩn ngành thấp nhất vào trường là 15,5 điểm, nghĩa là cách điểm sàn của bộ 2,5 điểm, nhưng quả thật thí sinh trúng tuyển bằng điểm chuẩn tối thiểu đó khi vào trường học rất đuối”.
Ông Hiền đưa ra ví dụ ngành điện hạt nhân các năm trước trường lấy điểm trúng tuyển là 16, nhưng chất lượng học tập của sinh viên không đạt yêu cầu. Do đó, năm 2012 là năm thứ ba tuyển sinh ngành này, trường buộc phải nâng điểm chuẩn dự kiến lên 18 điểm để đẩy chất lượng đào tạo lên. “Thực tế với mức điểm chuẩn 18, trường chỉ có thể tuyển được 20 em đăng ký nguyện vọng 1. Song trường vẫn quyết định nâng điểm chuẩn, mở cửa xét tuyển nguyện vọng bổ sung vì thí sinh điểm thấp không theo học được sẽ rất lãng phí” – ông Hiền chia sẻ.
Dành 15-20% chỉ tiêu xét tuyển bổ sung
Trao đổi với Tuổi Trẻ về cơ hội xét tuyển bổ sung của thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ quan điểm: Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường dành 15-20% chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung. Việc xây dựng điểm chuẩn cận sàn để xét tuyển 100% chỉ tiêu NV1 tuy có thể rút ngắn thời gian tuyển sinh, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội tuyển những thí sinh có kết quả thi cao hơn trượt NV1 ở trường khác. “Nếu các trường đặt vấn đề chất lượng lên cao thì cơ hội xét tuyển bổ sung cho những thí sinh có kết quả thi tốt nhưng không may trượt NV1 sẽ nhiều hơn” – ông Ga cho biết.
Nếu điểm sàn khối A và A1 là 13 điểm thì theo số liệu của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, sẽ có khoảng 125.000/167.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối B nếu điểm sàn là 14, sẽ có 29.000/32.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối C nếu điểm sàn là 14,5, có khoảng 19.000/22.700 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối D nếu điểm sàn là 13,5 thì có khoảng 45.000/57.000 thí sinh trúng tuyển NV1.
Như vậy, với mức sàn ĐH dự kiến sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1.
|
Theo TTO
Bình luận (0)