Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

21h00 ngày 26/6 trên VTV2, sân Nelson Mandela Bay, Uruguay – Hàn Quốc: Thuần phục Mãnh Hổ

Tạp Chí Giáo Dục

Các cầu thủ Hàn Quốc không hề kém cỏi. Họ có tinh thần thi đấu rất tuyệt, nhưng không vì thế mà Mãnh Hổ được đánh giá cao hơn Uruguay…
Sự có mặt của Hàn Quốc ở vòng 1/8 có thể xem là ngoài sức tưởng tượng. Thầy trò HLV Huh Jung-Moo đã làm được điều thần kỳ trong một bảng đấu rất “xương” với sự hiện diện của ƯCV vô địch Argentina, cựu vô địch châu Âu Hy Lạp, cùng một Nigeria được “Vua bóng đá” Pele dự đoán sẽ tiến sâu tại World Cup này. Chiến công của họ đã làm nức lòng châu Á. Qua đó lần đầu tiên trong lịch sử, Chiến binh Teaguk có mặt ở vòng knock-out, khi giải không diễn ra trên đất nước họ.
Những lời lẽ tụng ca thầy trò HLV Huh Jung-Moo đã rất nhiều. Đa số đều đặc biệt ngưỡng mộ tinh thần thi đấu của các cầu thủ Hàn Quốc. Khát khao thắng, khát khao khẳng định đã biến Mãnh Hổ thành một đội bóng khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải ngán ngẩm khi giáp mặt. Có cảm giác trong mỗi trận đấu, các học trò của ông Huh Jung-Moo đều thi đấu với 200% khả năng.
Hơn bao giờ hết, người yêu bóng đá Hàn Quốc đang mơ đến một giấc mơ táo bạo nhất. Họ muốn lần thứ hai trong lịch sử, ĐT Hàn Quốc vào đến bán kết một VCK World Cup. Lần này, họ muốn chứng tỏ mình không “cậy gần nhà” như khi giải được đồng đăng cai bởi Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2002. Sở dĩ các fan của Hàn Quốc dám mơ cao bởi đội bóng của HLV Huh Jung-Moo hiện rơi vào một nhánh khá dễ chịu. Nếu vượt qua Uruguay trong trận đấu tối nay, họ sẽ chỉ phải gặp đội thắng trong cặp Mỹ và Ghana.
Nhưng cũng không vì những gì thầy trò HLV Huh Jung-Moo làm được mà có thể phủ nhận Hàn Quốc có đôi chút may mắn khi có mặt ở vòng 1/8. Thực tế, đại diện châu Á chỉ chơi thực sự tốt trong trận ra quân gặp ĐT Hy Lạp. Ở trận cuối của vòng bảng, họ hòa Nigeria chật vật trong cuộc chiến mà Siêu đại bàng Xanh có bàn thắng trước. Còn trong màn so tài với ƯCV vô địch Argentina, họ thua toàn diện. Hàn Quốc bị vùi dập với tỉ số 4-1, trong đó tiền đạo Higuain của đội bóng xứ Tango lập 1 hat-trick.
Tham vọng của người Hàn Quốc là rất lớn. Có điều, họ vấp phải một đối thủ rất mạnh ở vòng knock-out này. Với người Uruguay, những vinh quang đã ngủ vùi suốt mấy chục năm đang bừng tỉnh. Không dám mơ lần thứ 3 trong lịch sử trở thành nhà VĐTG, nhưng khát khao ít nhất vào đến bán kết là điều thầy trò HLV Oscar Tabarez không hề giấu giếm. Những gì diễn ra ở vòng bảng càng giúp họ thêm tự tin vào khả năng của mình.
Ở vòng bảng, Uruguay rơi vào bảng A. Trước các đối thủ đều được đánh giá rất cao như chủ nhà Nam Phi, Pháp và Mexico, đại diện của Nam Mỹ đều thi đấu rất tốt. Sau trận ra quân hòa không bàn thắng với Gà trống Gaulois, Uruguay đã vùi dập Nam Phi 3 bàn không gỡ, trước khi họ đánh bại nốt Mexico để chiếm ngôi đầu bảng thuyết phục. Uruguay không chỉ mạnh trong tấn công với cặp tiền đạo Suarez – Cavani, dưới sự hỗ trợ vô cùng tuyệt vời của ngôi sao Forlan trong vai trò hộ công, họ còn có một hàng thủ rất hiệu quả, vẫn chưa để thủng lưới bàn nào tại World Cup này.
Thêm vào đó, Uruguay còn được sự ủng hộ của lịch sử. Quá khứ chỉ ra rằng, trong 5 lần chạm trán Hàn Quốc chưa từng một lần thắng. Họ chỉ kiếm được đúng 1 trận hòa 2-2 với Uruguay, còn lại thất bại 4 lần.
Thông tin xung quanh:
Diego Forlan: Trong vai trò kiến tạo, Forlan nguy hiểm với những cú dứt điểm bất ngờ khiến đối phương không biết đường nào chống đỡ. Quan trọng hơn, anh còn là cầu nối giữa hàng tiền vệ với hàng công Uruguay, là người "tiếp đạn" đắc lực cho các chân sút ở trên. Ở vị trí này, Forlan đã và đang rất thành công trong việc phân tán sự tập trung của hàng thủ đối phương, tạo điều kiện cho đồng đội có nhiều khoảng trống hơn để bắn phá khung thành đối phương.
Park Ji-Sung: Trong những trận đấu đỉnh cao mang tính knock-out như thế này, kinh nghiệm của các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm là vô cùng quan trọng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Hàn Quốc đi tiếp hay không phụ thuộc rất nhiều vào phong độ của cầu thủ đang khoác áo CLB Man United. Với kỹ thuật cá nhân điêu luyện cùng những đường kiến tạo tuyệt vời, lại có khả năng thi đấu bùng nổ, nếu có thêm chút may mắn Park không biết chừng sẽ trở thành người hùng của đội bóng Hàn Quốc.
Đội hình dự kiến:
Uruguay: Muslera-1 (Thủ môn), M.Pereira-16, Lugano-2, Godin-3, Fucile-4, Perez-15, Arevalo-17, A.Pereira-11, Forlan-10, Suarez-9, Cavani-7
Hàn Quốc: Park Chu-Young-10, Lee Dong-Guk-20, Lee Chung-Yong-17, Kim Jung-Woo-8, Ki Sung-Yong-16, Park Ji-Sung-7, Lee Young-Pyo-12, Cho Yong-Hyung-4, Lee Jung-Soo-14, Cha Du-Ri-22, Jung Sung-Ryong-18 (thủ môn)
Dự đoán: 2-1
Quan điểm của A.Riedl: "Kinh nghiệm sẽ lên tiếng"
Tôi rất ấn tượng với cách chơi của Hàn Quốc tại vòng bảng. Nhưng nếu giữ lối chơi như vậy, họ có rất ít cơ hội trước Uruguay. HLV Huh Jung-Moo luôn chọn đá chủ động phòng ngự và phản công nhanh với những tiền vệ giàu thể lực và tốc độ. Uruguay đang sở hữu một hàng phòng ngự cực kỳ chất lượng. Họ không để lọt lưới bàn nào tại vòng bảng, và là đội thứ tư trong lịch sử World Cup làm được điều này. Nếu không duy trì một sức ép liên tục, xuyên thủng hệ thống ấy là rất khó. Ở phía trên, Uruguay cũng đang có những cầu thủ chất lượng vượt trội. Tôi đặc biệt đánh giá cao Forlan, không phải bởi số bàn thắng mà là hiệu quả của anh. Đó là cầu thủ luôn biết tìm cơ hội dù lâm vào tình trạng “đói bóng”. Tôi tin rằng lần thứ hai Hàn Quốc gặp một đội bóng Nam Mỹ tại giải lần này cũng là lần thứ hai họ nhận một trận thua đậm.
Mỹ và Ghana cũng sẽ là cặp đấu mà người giàu kinh nghiệm sẽ chiến thắng kẻ ngây thơ. Huyền thoại bóng đá Roger Millar người Cameroon, từng chỉ ra 3 nguyên nhân thất bại của bóng đá châu Phi mà tôi rất tâm đắc, đó là: 1. Khả năng tổ chức kém, 2. Vội vàng bổ nhiệm các HLV nước ngoài, 3. Các ngôi sao thi đấu mờ nhạt trong màu áo ĐTQG. Ghana cũng đang rơi vào tình trạng đó. Các cầu thủ của họ rất thích phô diễn đẳng cấp cá nhân và kém trong lối chơi đồng đội. Hàng tiền đạo có lẽ là điểm yếu nhất của Những ngôi sao Đen, khi cả 2 bàn họ ghi được tại vòng bảng đều đến từ những quả penalty.
Trong khi đó, Mỹ tỏ ra là một đội bóng giàu bản lĩnh. Trong trận gặp Slovenia, nếu trọng tài chính xác, họ đã có thể có một chiến thắng sau khi bị dẫn trước tới 2 bàn. Còn ở trận cuối, họ giành vé nhờ một bàn thắng ở những giây cuối. Đó chính là điểm sẽ giúp Mỹ vượt qua Ghana và vào tứ kết.
Bình luận: Không chỉ là bóng đá
Một con số cực ấn tượng vừa được Sponsorship Intelligence, cơ quan điều tra chính thức của FIFA công bố: cứ mỗi phút Hàn Quốc góp mặt tại VCK World Cup 2010 sẽ mang lại cho nền kinh tế nước này 10 triệu won từ việc nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm được quảng cáo và thương hiệu quốc gia. Xa hơn, viện nghiên cứu Hyundai ở Hàn Quốc còn khẳng định: chiếc vé vào vòng 1/8 của các chiến binh Teaguk có thể đem về cho kinh tế Hàn Quốc 4,3 nghìn tỷ won, tương đương 3,6 tỷ USD. Đây chắc chắn là chiếc vé vào vòng 2 đắt giá nhất tại VCK World Cup năm nay.
Con số ấy sẽ còn tăng theo cấp số nhân nếu Hàn Quốc làm được điều lớn lao hơn. Con hổ châu Á đang vươn lên mạnh mẽ, và một chiến thắng ở tầm thế giới với họ sẽ là cú hích ở mọi lĩnh vực. Như thế mới có chuyện ngay sau khi lọt vào vòng 2, Hàn Quốc nhận thưởng ngang với mức thưởng của các “đại gia” Pháp hay Đức khi vào… bán kết. Đọc những kênh thông tin về âm nhạc bây giờ, toàn thấy các nghệ sỹ Hàn Quốc hoãn show hay album để khán giả tập trung xem World Cup. Cả đất nước này đang khoác những chiếc áo in dòng chữ “Be the Red” (Hãy là màu Đỏ) vốn đã thành thương hiệu kể từ World Cup 2002 và hướng về Nam Phi.
Đó có lẽ là lợi thế lớn nhất của Hàn Quốc trước trận này: họ mang trên mình một sứ mệnh cực lớn của quốc gia, nhưng lại phải chịu rất ít sức ép. Động lực thường đi kèm với áp lực. Nhưng ở trong trường hợp của Hàn Quốc, động lực cực lớn còn áp lực lại cực nhỏ. Đơn giản bởi họ đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, thậm chí còn quá sức mong đợi của khán giả nhà.
Vũ khí mạnh nhất của đội tuyển Hàn Quốc không phải là Park Ji-sung hay Park Chu-young, lại càng không phải là chiến thuật, mà là sức mạnh tinh thần. Ở vòng bảng, Hàn Quốc là đội di chuyển nhiều nhất trên sân, với tổng quãng đường 319,43 km, vượt trội so với Hy Lạp (301,27), Argentina (291,89) và Nigeria (278,52). Điều đó chỉ đến một phần từ đòi hỏi chiến thuật của HLV, bởi có những trận đấu mục tiêu của Hàn Quốc không phải là một chiến thắng, cũng không phải bởi họ thừa thể lực so với Nigeria hay Hy Lạp. Hàn Quốc bùng nổ chỉ đơn giản vì họ… muốn như thế.
Nếu Uruguay là một chiến binh già lão luyện, đã vượt qua vòng bảng bằng sự tỏa sáng của những tiền đạo chỉ chạm bóng hơn 20 lần/trận đấu (Suarez và Forlan), thì Hàn Quốc là một gã trai hừng hực sức trẻ nhưng không hề thơ ngây. Sẽ rất khó để nói rằng lợi thế nghiêng về bên nào, và Hàn Quốc có thêm bao nhiêu phút ở lại “làm giàu cho tổ quốc”. Nhưng có một điều chắc chắn: tinh thần mà đội tuyển Hàn Quốc và những người dân nước họ đã thổi vào VCK sẽ sống mãi, như nó từng một lần đi vào lòng người năm 2002.
Tiểu Lý (theo baobongda)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)