Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

22% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phải bán tài sản

Tạp Chí Giáo Dục

Hội thảo tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả vừa được Bộ Y tế tổ chức vào ngày 12.4 tại Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu tại 3 cơ sở điều trị ung thư lớn nhất cả nước (Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai; BV K T.Ư; BV Ung bướu TP.HCM) cho thấy, chi phí điều trị tốn kém là rào cản lớn nhất trong tiếp cận thuốc với bệnh nhân ung thư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, chi phí cho lần nhập viện đầu tiên khoảng 7 – 35 triệu đồng. Sau 12 tháng điều trị, 24% bệnh nhân tử vong. Trong số bệnh nhân còn sống, gần 67% bệnh nhân phải đi vay tiền chữa bệnh, 22% bệnh nhân phải bán tài sản, 38% người bệnh không thể mua thuốc.
Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), chi phí điều trị mua thuốc thế hệ mới cho một bệnh nhân ung thư phổi, gan, đại tràng, máu từ 500 triệu – 1,2 tỉ đồng/năm. Tại hội thảo, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc BV K T.Ư, đề xuất Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, dạ dày, đại tràng, tuyến tiền liệt, cổ tử cung…). Chi phí này thấp hơn rất nhiều so với chi phí bảo hiểm y tế chi trả cho các bệnh nhân ung thư.
Phát hiện sớm giảm chi phí điều trị, tăng cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân. Các thống kê gần đây cho thấy, bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng với 125.000 ca mắc mới và 95.000 ca tử vong mỗi năm. Tại một số cơ sở điều trị ung bướu tuyến T.Ư mỗi năm phát hiện 5.000 – 5.500 bệnh nhân mới, phần lớn bệnh nhân khám và điều trị ở giai đoạn muộn.

Liên Châu (TNO)

 

Bình luận (0)