Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

22 năm tận tụy với trẻ khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

“Dạy trẻ khuyết tật, người giáo viên (GV) không chỉ làm mỗi công việc dạy chữ mà phải chăm chút cho các con từ bữa ăn, giấc ngủ, chia sẻ tâm tư và giúp con điều chỉnh từng hành vi, cử chỉ. Để làm được điều đó, người GV phải có lòng kiên nhẫn và hơn tất cả là tình yêu thương như một người mẹ đích thực!”. Cô Trương Thị Ngọc Hà, GV có thâm niên 22 năm công tác ở Trường Chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng bộc bạch.

22 năm qua, cô Trương Thị Ngọc Hà nhẫn nại với công tác giáo dục trẻ khuyết tật

Cho con những vẹn tròn

Ngót 22 năm tận tụy với trẻ khuyết tật, cô Hà bảo, cuộc sống và công việc có lúc rơi vào tột cùng khó khăn nhưng chưa một lần cô nghĩ đến việc tìm đến một nơi công tác mới như đúng niềm mong mỏi, khát khao ngày đầu cô bước chân vào giảng đường đại học của khoa sư phạm tiểu học năm ấy. “Ngày đầu về giảng dạy ở một môi trường chuyên biệt mà mình chưa hề được trải qua trong các tiết học ở giảng đường khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng hụt hơi. Nhưng dần dà, tiếp xúc với các con, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư của các con mình mới hiểu rằng, chịu sự khiếm khuyết đã là một điều quá bất hạnh nhưng mình tận tâm bù đắp cho các con thì sẽ chia bớt được nỗi đau phần nào. Nghĩ vậy là mình ở lại, cho tới bây giờ”. Ở lớp, để HS nghe theo, không phản kháng, cô giáo phải luôn là người gương mẫu. Tìm tòi, tham gia các lớp bồi dưỡng thêm kiến thức để nắm bắt tâm sinh lý của HS. “Có nhiều em độ tuổi tầm 10-16 tuổi, có rất nhiều tâm tư, các em bối rối vì không hiểu nguyên nhân nhưng rất hiếm khi tâm sự với ba mẹ. Những lúc đó, mình phải là người đứng ra tâm tình, bầu bạn để giải thích, hướng cho các em có những cách xử lý phù hợp, tránh bị xâm hại”, cô Hà nói. “Bây giờ phụ huynh không còn e ngại đưa con em đến lớp. Những năm mới thành lập trường, tôi phải thường xuyên đến tận nhà vận động. Thuyết phục cha mẹ cho con đến trường không phải chuyện dễ vì vốn dĩ có một đứa con không may khiếm khuyết là cả nỗi đau”, cô Hà nhớ lại. Dạy chữ, dạy kỹ năng sống, tự phục vụ thôi chưa đủ. Cô Hà còn dạy HS cả kỹ năng tránh bị xâm hại: “Dù các em không nhận thức rõ nhưng sinh lý vẫn phát triển bình thường. Vì vậy mình phải tập cho HS thói quen giữ khoảng cách giữa bạn khác giới và cách xử lý những tình huống gặp phải khi HS không có người thân đi cùng để các em có thể tự bảo vệ mình”, cô Hà nói. Trong túi xách của cô lúc nào cũng có sẵn các vật dụng cá nhân. Cô bảo, HS ở lứa tuổi 15, 16 đã dậy thì mình nên luôn mang theo sẵn những thứ cần thiết vừa giúp vừa dạy cho các em.

Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Hà không chỉ là GV có nghiệp vụ vững, chuyên môn sâu, cô còn là người mẹ ở trường của trẻ khuyết tật, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí còn tắm gội cho các em như giọt máu của mình. Không nề hà dù công việc rất nặng nề. Luôn hòa đồng và giúp đỡ đồng nghiệp trẻ tiếp cận với môi trường giáo dục chuyên biệt”.

Năm học 2016-2017, nhà trường quyết định mở thêm lớp C6, C7 (dành cho độ tuổi 10-16 và tương đương với trình độ lớp 5. Nhưng thiếu biên chế, một mình cô Hà đảm nhiệm dạy gấp đôi tổng số HS/lớp (23 HS). Cô lại phải tất bật soạn giáo án mới. Do không có chương trình dành riêng cho HS khuyết tật nên GV phải tự dựa vào chương trình và nắm được trình độ nhận thức của HS để biên soạn. Quá trình dạy, điểm nào chưa phù hợp thì tiếp tục điều chỉnh. Vừa dạy chữ, cô vừa đảm nhận thêm việc hướng dạy nghề cho HS, giúp các em làm quen với nghề mình thích để ra trường các em không bị tụt lại. 

Hạnh phúc nhân đôi

Cô Hà kể: “Dạy trẻ khuyết tật không chỉ mỗi việc dạy chữ. GV phải đồng thời là người mẹ, người bạn tâm tình với các con. Chỉ dẫn, uốn nắn từng hành vi, cử chỉ cho con. Thậm chí cả những thói quen vệ sinh cá nhân. Có những việc đơn giản như mặc áo, quần hay rửa tay cũng phải mất đến cả tuần mới tập được. Những lúc ấy đòi hỏi mình phải có sự nhẫn nại”. Hỏi cô hơn 2 thập niên gắn bó với trẻ khuyết tật, điều gì làm cô vui và hạnh phúc nhất? Cô cười: “Nhiều lắm! Một tiếng chào của HS hay cái ôm sau ngày nghỉ cuối tuần trở lại trường cũng làm mình sung sướng”. “Với GV dạy HS bình thường, họ vui khi HS của mình đạt giải, đỗ đại học, niềm hạnh phúc ấy với mình tôi chỉ đơn giản là khi HS giải được một bài toán hay đọc suôn sẻ một đoạn văn”. Cô Hà nhẩm tính có chừng 10 đám cưới. Chưa có đám cưới nào của trò mà cô không đến, dù xa xôi đến đâu. Nghe tin trò có con, cô lại tất bật tìm đến gia đình để tư vấn cho ông bà đôi bên hỗ trợ trò chăm con. Hướng dẫn họ chăm sóc cháu để những đứa trẻ ấy phát triển ngôn ngữ, trở thành người bình thường. “Hạnh phúc nhất của mình là các trò đều có 1 đến 2 con và cháu nào ra đời cũng bụ bẫm, mạnh khỏe bình thường”, cô Hà trải lòng.

Tiếng trống báo giờ tan lớp, cô Hà nán lại ở mấy bậc tam cấp vào trường. Cô bảo, học trò có thói quen lúc ra về là chào cô giáo nên ngày nào cô cũng đứng ở đó đợi các em. “HS khuyết tật một khi đã tin tưởng thì yêu thương cô giáo vô điều kiện nên mình không để các em thất vọng”. Hỏi cô về ước mong với nghề giáo, cô nói: “San sẻ phần nào cho các mảnh đời kém may, giúp các em rèn luyện kỹ năng để hòa nhập, để sống có ích đã là một khát khao cháy bỏng luôn thường trực. Nỗ lực hết mình để ngày gặp lại, các em vẫn nhận ra cô giáo và đang sống có ích là điều hằng mong mỏi!”. Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Hà không chỉ là GV có nghiệp vụ vững, chuyên môn sâu, cô còn là người mẹ ở trường của trẻ khuyết tật, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí còn tắm gội cho các em như giọt máu của mình. Không nề hà dù công việc rất nặng nề. Luôn hòa đồng và giúp đỡ đồng nghiệp trẻ tiếp cận với môi trường giáo dục chuyên biệt”.

Bài, ảnh: Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)