Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

23% vốn FDI đổ vào bất động sản

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến hết năm 2012, cả nước có 389 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) được cấp phép hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 49,8 tỷ USD. Hiện vốn FDI trong lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 23,32% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Dẫn đầu thu hút FDI trong lĩnh vực BĐS là thành phố Hồ Chí Minh với 163 dự án, đạt tổng vốn 12,4 tỷ USD. Tiếp đến là Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương và Đồng Nai…

Vốn FDI trong lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 23,32% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Ảnh: vneconomy.vn

Hiện Singapore đang là đối tác nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực BĐS với 55 dự án có tổng giá trị 8,6 tỷ USD. Tiếp theo Hàn Quốc với 79 dự án tương đương mức 6,7 tỷ USD và một số nhà đầu tư khác đến từ Malaysia, Brunei, Canada…

Hầu hết nguồn vốn FDI trong lĩnh vực BĐS tập trung vào phân khúc cao cấp như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, căn hộ cao cấp… vốn là thế mạnh của các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, trước xu hướng khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, các sản phẩm này rất khó tìm đầu ra do giá thành cao.

Bởi vậy, mặc dù một số dự án BĐS có quy mô sử dụng đất rộng (trên 100 ha) và vốn đăng ký lớn, trên 1 tỷ USD đã được cấp phép đầu tư từ năm 2008, 2009 nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai và bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Điển hình là 3 dự án của nhà đầu tư Mỹ và 1 dự án của Singapore gồm: Khu du lịch sinh thái Bài biển Rồng (Quảng Nam) rộng 400 ha với tổng vốn đăng ký là 4,15 tỷ USD; Thành phố Sáng tạo Nam Tuy Hòa (Phú Yên) rộng tới 5.600 ha có vốn đăng ký 11,4 tỷ USD; Công viên Phần mền Thủ Thiêm 15,9 ha với vốn đăng ký 1,2 tỷ USD; Khu công viên văn hóa thế giới diệu kỳ (Bà Rịa – Vũng Tàu) rộng 130 ha với vốn đăng ký 1.299 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các dự án BĐS có vốn FDI được triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu đầu tư đã đăng ký, sử dụng đất đúng mục đích, có ý thức xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở chưa đảm bảo tiến độ thực hiện như cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ rất đa dạng, từ vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, thuế, tài chính, quản lý sử dụng đất… đến thủ tục hành chính. Cùng đó là một số khó khăn chung làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư như: lạm phát cao, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, thiếu hạ tầng, thời gian cấp phép kéo dài, quy hoạch không ổn định…

Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, tạo động lực cho kinh tế phát triển, về lâu dài cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS bao gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở đã giúp cho việc cấp phép và quản lý các dự án BĐS được chặt chẽ hơn. Tuy nhiên quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo và thiếu thống nhất trong các văn bản thực thi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian tới cần tiến hành rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất về trình tự thủ tục thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS. Để thu hút các nguồn vốn vào thị trường BĐS, một số kênh huy động vốn cần được nghiên cứu, cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách như: xây dựng hệ thống pháp lý cho vay thế chấp và tái thế chấp; hình thành Quỹ phát triển nhà ở tại các địa phương; thành lập Quỹ đầu tư tín thác BĐS.

Đối với việc thu hút FDI trong lĩnh vực BĐS cần thiết lập mặt bằng pháp lý chung áp dụng cho cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài; đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng các dự án vốn FDI đăng ký vốn cao nhưng thực hiện giải ngân thấp mà lợi dụng huy động vốn của khách hàng từ thị trường trong nước để đầu tư.

Thu Hằng

Báo Tin Tức

Bình luận (0)