24 giờ đồng hồ sẽ diễn ra mọi hoạt động văn hoá đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là nội dung của lễ hội văn hoá “Ký ức cầu Long Biên” kỷ niệm
cây cầu 105 tuổi sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay.
Đây là sự kiện văn hoá nghệ thuật về cầu Long Biên lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội với ý nghĩa đóng góp cho Hà Nội một lễ hội về nghệ thuật:
Đề án này đã được Uỷ ban Nhân dân Thành phố chấp thuận và bà Nguyễn Nga – Giám đốc “Ngôi nhà nghệ thuật” làm giám đốc dự án.
Sự kiện bắt đầu vào 21 giờ đêm hôm trước (ngày 10/10/08) với công việc phân luồng xe. Đúng 9 giờ sáng ngày 11/10/08, đoàn tàu hoả bằng hơi nước sẽ đưa đoàn đại biểu, quan khách, ban tổ chức và các nghệ sỹ ra cắt băng khai mạc lễ hội.
Lễ hội sẽ gồm các hoạt động văn hoá từ đầu thế kỷ XIX đến nay như: Triển lãm tranh của 105 hoạ sĩ vẽ hoặc sưu tầm tranh theo chủ đề cầu Long Biên; Giải thi Diều với sự tham gia của 105 con diều của 105 nghệ nhân làng Bái Giang – Hà Tây, Kim Thành – Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội; Nghệ thuật sắp đặt Chong chóng gió dưới bãi nổi sông Hồng; Triển lãm ảnh “Cầu Long Biên – quá khứ và hiện đại” do các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội và quốc tế thực hiện sẽ diễn ra bên “ký ức” của cây cầu; Triển lãm thư pháp cả ba nhóm thư pháp Hán-Nôm, Tiền Vệ, Quốc ngữ thực hiện trên hàng trăm tấm lụa và sau đó cài lên thành cầu, bay trong gió như những vẩy rồng sặc sỡ.…
Bên cạnh đó, sẽ có một lễ cầu siêu được các nhà sư ở chùa Bồ Đề tiến hành theo nghi thức Phật giáo, cầu nguyện cho những linh hồn ẩn khuất quanh cây cầu được siêu thoát. Trong buổi lễ có thả 1000 hoa đăng xuống dòng sông.
Ngày hội các làng nghề, phố nghề ở Hà Nội cũng được trưng bày trên cây cầu gồm các làng Bát Tràng, làng lụa Hà Đông, cốm làng Vòng, phố Hàng Bạc, phố Hàng Mã,… ) bày bán gốm, vải lụa, cốm, thủ công mỹ nghệ, tò he, phở gánh,… ở trên cầu, dưới thuyền theo phong cách Hà Nội thế kỷ XIX.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899 – 1902) và được đặt tên là cầu Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Chiều dài toàn cầu là 1.862m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. |
BTC cũng cho phục dựng một Bảo tàng dân tộc sống, trình bày trang phục Hà Nội thế kỷ XIX do sinh viên Đại học Thăng Long thực hiện. Bên cạnh đó, cũng sẽ có trình bày trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam với việc ca hát, chơi nhạc cụ dân tộc mình.
Ở hai đầu cầu sẽ là hai sân khấu ca nhạc lớn, quy mô và sẽ biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Một đầu cầu (phía Hà Nội) là sân khấu truyền thống thế kỷ XIX: ca trù, đàn bầu, dàn nhạc dân tộc, chầu văn, chèo tuồng, hát xẩm, quan họ,… Tiến dần đến đầu cầu kia (phía Gia Lâm) là sân khấu đương đại, thế kỷ XXI, trình diễn nhạc mới: nhạc nhẹ, Pop, Rock, nhạc Lazer… Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm nhỏ, lẻ chơi nhạc, ca hát khắp trên cầu.
Người dân cũng có thể tìm hiểu thêm về cây cầu thông qua các bộ phim ngắn về đề tài cầu Long Biên, đoạn Video sắp đặt, Kiosque sách cũ, ảnh cũ, đồ cổ… ở những đoạn hõm của cây cầu có các kiốt nhỏ do người dân Hà Nội trưng bày và bán những kỷ vật liên quan đến cây cầu. Ngoài ra, đây là còn là nơi cho các nghệ nhân vẽ chân dung, truyền thần, chụp ảnh, đọc thơ, các nghệ sĩ, thợ ảnh, nhà văn, nhà thơ đến để thể hiện và thi thố tài năng.
Đặc biệt, mỗi Đại sứ quán có mặt tại Hà Nội sẽ đóng góp một tiết mục trong nội dung chương trình lễ hội. Đại sứ quán Pháp có công nghệ lazer hiện đại tham gia chiếu sáng trên cầu và thực hiện màn kết thúc lễ hội. Qua công nghệ lazer này, cầu Long Biên sẽ biến thành một con rồng bay lên với 105 đèn trời, thắp sáng tuổi thọ của cây cầu như một món quà kỷ niệm đặc biệt dành tặng Hà Nội 1.000 năm tuổi.
BTC cũng bố trí những điểm dừng chân có mái che, những tấm lưới bảo vệ đảm bảo an toàn cho người tham gia sự kiện văn hoá này. Hai bên thành cầu cũng được trang trí khá công phu, một bên thành cầu trang trí hình ảnh “Hà Nội 36 phố phường”, bên kia là hình ảnh của các công ty, các doanh nghiệp, các cửa hàng trong thời kỳ hội nhập.
Dưới lòng sông sẽ là hoạt động ẩm thực mang đậm nét văn hoá đồng bằng Bắc Bộ với những tư nhân mang thuyền bè đến để tổ chức thành những cửa hàng ăn uống. BTC cũng bố trí một con đường dẫn xuống lòng sông cho khách tham dự xuống chơi diều, thưởng thức ẩm thực
Hoạt động đầu tiên của lễ hội này đã được diễn ra chiều qua, ngày 03/07/2008 bằng triển lãm “Ký ức cầu Long Biên” tại “Ngôi nhà nghệ thuật” – 31A Văn Miếu, Hà Nội. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho lễ hội văn hoá nghệ thuật sắp tới thông qua việc tiếp nhận tất cả những “câu chuyện”, những “kí ức” bằng tranh, ảnh, video, thi ca, âm nhạc, văn học, sách báo… về cây cầu Long Biên.
Theo Vnmedia.vn
Bình luận (0)