Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

29.700 nhà bị ngập nước, di dời gần 4.500 hộ dân, Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ 1.500 tấn gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng ngày 6-11, Thông tin từ Văn phòng BCH PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đến 9 giờ sáng nay, toàn tỉnh đã thực hiện di dời 4.476 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, 29.700 nhà bị ngập nước, nhiều vùng sạt lở núi,.. tổng thiệt hại ước tính trên 305 tỷ đồng.

Theo đó, đến 9 giờ sáng 6-11, toàn tỉnh đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 4.476 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn. Sau trận mưa lũ, đã có 5 người chết, 7 người bị thương, 1 người mất tích.

29.700 nhà bị ngập nước, di dời gần 4.500 hộ dân, Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ 1.500 tấn gạo ảnh 1
Di dời người dân khu dân cư Châu An lên khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Có 8 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 179 nhà bị tốc mái, hư hỏng và 29.700 nhà bị ngậpnước, có hơn 67 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bị ngập, riêng trường Tiểu học số 1 Tịnh Phong bị sập tường rào gần 40m. Có 7 trạm y tế xã bị ngập, 1 bệnh viên đa khoa tỉnh bị ngập; Hơn 1.060 giếng nước bị ngập, 8.400 nhà vệ sinh bị ngập.

Thiệt hại về nông nghiệp, mưa lớn làm nhiều diện tích lúa bị ngập úng, hư hỏng, không kịp thu hoạch, có 7,4ha diện tích lúa thuần, 742ha diện tích mạ, 497 ha diện tích rau màu bị thiệt hại…

Nhiều diện tích rừng keo, đất canh tác bị sa bồi, thủy phá, nghiêm trọng tại huyện Sơn Hà có 1269,6ha đất sa bồi, thủy phá. Về chăn nuôi đã có 10 con trâu bò bị chết, 682 con gà, vịt bị chết do nước lũ dâng.

Đối với các công trình cầu, đê, nước lũ đã gây sạt lở 30m đê sông Trà Câu, đoạn qua xã Phổ Minh (huyện Đức Phổ), đồng thời, đê sông Thoa đoạn qua thôn Hải Tân (xã Phố Quang, huyện Đức Phổ) bị sạt lở khoảng 20m, nguy cơ sạt lở tiếp tục 150m,… nhiều tuyến đê, bờ sông bị xói lở, sạt lở nghiêm trọng.

Các tuyến đường giao thông bị xói sụp, sạt mái núi, tại huyện Tư Nghĩa, đường Đèo Chim Hút bị sạt lở trên 8.000m3; tại huyện Sơn Hà có 16 điểm sạt lở đường ở các xã Sơn Cao, Sơn Thượng, Sơn Hạ; nhiều tuyến đường bị sạt lở gây tắt đường, trong đó, đường Quốc lộ 24C (từ xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi đi huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) đoạn qua tổ 1, thôn Nguyên (huyện Trà Bồng) bị sạt lở 20m, đoạn đường qua Eo Tà Mỏ, xã Trà Thanh bị sạt lở tắt đường…

Nhiều khu dân cư, khu tái định cư Làng Mâm, xã Ba Bích, huyện Ba Tơ có nhiều điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở; Nhà văn hóa xã Ba Khâm (huyện Ba Tơ) sạt lở núi gây tràn đất, đá vào nhà văn hóa. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại về công trình đường xá, điện, thủy lợi khác. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 305 tỷ đồng.

29.700 nhà bị ngập nước, di dời gần 4.500 hộ dân, Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ 1.500 tấn gạo ảnh 2
Đến chiều qua, nhiều nhà dân xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn ngập nặng. Ảnh: TĂNG THIÊN

Ngoài ra, do biển động, nước dâng cao, khiến 3 tàu bị chìm ngay cửa biển Sa Kỳ, gồm, Tàu QNg 7617 TS do ông Võ Hiếu (1977) ở Nghĩa An, TP Quảng Ngãi làm chủ; Tàu QNg 94387 TS do ông Võ Hồng Thanh (1979) ở Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi làm chủ; Tàu QNg 97588 TS do bà Nguyễn Thi Chung (1975) ở Nghĩa An, TP Quảng Ngãi làm chủ. Riêng tại đảo Lý Sơn, có 23 lồng nuôi tôm hùm, cá bớp) bị thiệt hại.

Hiện nay, mức nước lũ trên các sông và các khu vực ngập lụt còn ở mức cao, tình hình thiệt hại chưa thể thống kê, đánh giá đầy đủ.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ và kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh, hỗ trợ 1.500 tấn gạo để cứu trợ nhân dân vùng bị ngập lũ, hỗ trợ 300 tấn giống lúa (tương đương khoảng 6.000 triệu đồng), hỗ trợ 3.000 kg bột CloraminB, 10.000 viên CloraminB, 100 lít Permethrin 50EC, 200 cơ số thuốc y tế, 10.000 kg ClominB, 50.000 viên Aquatabs, 50 bộ dụng cụ y tế sơ cấp cứu cho tuyến xã để tổ chức tiêu độc, khử trùng, xử lý ô nhiễm môi trường, sơ cấp cứu cho nhân dân, phòng chống dịch bệnh cho người,… ở các vùng bị ngập lụt.

Đồng thời, để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, kiến nghị hỗ trợ kinh phí trang bị thuyền máy cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn các xã thường xuyên bị ngập sâu khoảng 200 chiếc, tương đương 3.500 triệu đồng.

Ngoài ra, cũng kiến nghị hỗ trợ kinh phí 200 tỷ đồng để tầng hóa 60 điểm trường học (tiểu học, mẫu giáo, mầm non) kết hợp sơ tán, tránh lũ cho nhân dân ở vùng thường xuyên ngập sâu.

Hỗ trợ 300 tỷ đồng khắc phục thiệt hại ban đầu công trình giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác kịp thời khôi phục các hoạt động đời sống của nhân dân và nhà nước, đặc biệt là chuẩn bị cho nhiệm vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017-2018.

NGUYỄN TRANG/SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)