Nhịp cầu sư phạmGương sáng

29 tuổi trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

“Không nên quá coi trọng và cũng không nên phủ nhận bằng cấp. Những người có năng lực và có nhiều cống hiến cho xã hội cũng cần một sự ghi nhận”, giảng viên Phạm Hoàng Hiệp, 29 tuổi
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp
chuyên ngành toán (ĐH Sư phạm Hà Nội) – người trẻ nhất vừa được công nhận chức danh Phó giáo sư trong số 374 người chia sẻ.
Phóng viên (PV): Anh có bất ngờ không khi được phong hàm PGS trẻ nhất? Cảm xúc của anh khi nhận chức danh này?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Tôi cảm thấy vui và cũng khá bất ngờ vì quy trình xét học hàm GS, PGS khá chặt chẽ.
PV: Con đường đến với Toán học của anh ra sao?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Tôi bắt đầu thực sự học toán vào cuối năm lớp 9. Tôi cảm thấy toán học rất thú vị khi đọc một quyển sách về số học mà bố tôi mua cho trước đó rất lâu. Tôi cho rằng chỉ những gì người ta thấy dễ hiểu, đơn giản và trực giác được thì họ mới thấy nó thú vị và sử dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Vì vậy tôi luôn cố gắng làm cho toán học trở lên đơn giản, dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng học Trường ĐH Sư phạm vừa có thể nghiên cứu, vừa có thể giảng dạy.
PV: Toán học Việt Nam đã có thời kỳ ở đỉnh cao vinh quang nhưng hiện nay đã dần đánh mất vị thế. Nguyên nhân nào dẫn tới những tụt lùi đó?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Trong cuộc sống hiện đại mọi người có nhiều cơ hội lựa chọn những việc làm khác ngoài Toán học. Hơn nữa, lương của các giảng viên trẻ ở đại học khá thấp làm cho họ phải làm nhiều việc khác, không thể tập trung vào nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
PV: Hiện nay, những nhà toán học giỏi đều làm việc ở nước ngoài. Nhưng có người đã từng nói “Trong cùng một hoàn cảnh, người nào làm việc, cống hiến tốt hơn, người đó mới thực sự là người tài. Còn yêu cầu một điều kiện tốt hơn để làm tốt hơn thì điều đó quá dễ”. Anh suy nghĩ sao về điều này?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Hiện nay, các chương trình học bổng của Chính phủ giúp cho rất nhiều giảng viên trẻ có cơ hội ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. Những người giỏi học tập và làm việc ở nước ngoài, các nước đã có quá trình phát triển lâu dài, sẽ có cơ hội phát huy hết những gì khả năng họ có.
PV: Vấn đề coi trọng bằng cấp ở Việt Nam rất phổ biến. Theo anh bằng cấp có quan trọng không? Những người tài có nhất thiết phải có bằng này, chức danh kia, hay chỉ cần thực tài và có nhiều cống hiến cho xã hội?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Theo tôi thì mọi thứ nên hài hoà, không nên quá coi trọng và cũng không nên phủ nhận bằng cấp. Hơn nữa, những người có năng lực và có nhiều cống hiến cho xã hội cũng cần một sự ghi nhận. Bằng cấp chính là một hình thức ghi nhận của xã hội cho một năng lực hay một sự cống hiến nào đó. Trong xã hội trọng bằng cấp, nếu như người tài có bằng cấp thì họ có thể làm được nhiều việc hơn.
PV: Những người thầy tương lai, “chất lượng” ngày càng thấp. Với tư cách là giảng viên một trường ĐH Sư phạm, anh có thể cho biết chúng ta cần làm gì để khuyến khích, thu hút những người có kiến thức đến với ngành này?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Theo tôi nên chọn một vài trường đại học Sư phạm trong nước làm trọng tâm để ưu tiên đầu tư phát triển.
PV: Anh sẽ làm gì để truyền niềm đam mê Toán học cho các bạn trẻ?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Với cuộc sống hiện nay có khá nhiều thứ bên ngoài tác động đến môi trường yên tĩnh học tập của các sinh viên. Tuy nhiên, tôi cố gắng khơi gợi sự tò mò, ham hiểu biết của các em.
PV: Dự định sắp tới cho sự nghiệp khoa học của anh là gì?
Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp: Tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để hiểu sâu hơn các lĩnh vực khác nhau trong Toán học. Sau đó sẽ viết lại những gì đã hiểu với hy vọng giúp ích cho những người muốn nghiên cứu Toán ở Việt Nam. 
PV: Xin cảm ơn và chúc anh thành công!
Theo Thu Hà 
(QĐND Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)