Trong một ngày, một thí sinh đạt 29 điểm và một thí sinh đạt 12,5 điểm ba môn thi cùng được vinh danh là thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011. Dĩ nhiên, đó là hai thí sinh dự thi ở hai trường ĐH có quy mô thi tuyển sinh và đào tạo rất khác nhau. Nhưng khoảng cách quá lớn này đã đặt ra nhiều điều đáng bàn đối với hệ thống giáo dục ĐH hiện nay.
Trước hết phải nói về sự đa dạng của bức tranh chất lượng giáo dục ĐH của chúng ta hiện nay. Khái niệm phân tầng chất lượng được các chuyên gia, quan chức Bộ GD-ĐT nhiều lần đề cập. Nay qua những kỳ thi “ba chung” đã ngày càng thể hiện rõ nét sự phân hóa trong chất lượng tuyển sinh đầu vào giữa các trường ĐH được đo đếm trên cùng một đề thi. Có những trường ĐH không thiếu những thí sinh đạt bình quân 9 điểm mỗi môn thi, điểm chuẩn dự kiến không dưới 24 điểm.
Nhưng ngược lại, đã xuất hiện thí sinh thủ khoa có kết quả thi cao nhất chưa đạt nổi mức trung bình 5 điểm/môn. Và những thí sinh này đều trúng tuyển, có thể cũng tốt nghiệp và đều có tấm bằng cử nhân như nhau. Sự phân tầng chất lượng trong giáo dục ĐH sẽ chỉ có giá trị khi xã hội, đặc biệt là những người sử dụng lao động, thấu hiểu hệ thống giá trị chất lượng và từng bước hình thành tiêu chí, văn hóa sử dụng lao động tương ứng, thay vì cào bằng như tình trạng khá phổ biến hiện nay.
Cũng phải xem xét sự chênh lệch đầu vào quá lớn như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra hay không? Chắc chắn là có. Nhưng với phương thức đào tạo ĐH hiện nay, hầu như chỉ khó khăn, khắt khe ở đầu vào. Còn đã qua lọt cửa ải này, các thí sinh sẽ tương đối ung dung đi qua 4-5 năm học để cán đích tốt nghiệp. Tất nhiên, chất lượng sinh viên tốt nghiệp – đã được thực tế chứng minh – sẽ phụ thuộc không ít vào quá trình đào tạo với rất nhiều yếu tố như chương trình đào tạo, quy trình kiểm tra, đánh giá, sàng lọc trong thời gian đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên…
Nhưng nghịch lý hiện nay là trường càng có đầu vào cao, chất lượng đào tạo tốt thì quá trình đào tạo lại càng nghiêm túc, chặt chẽ và có sự đào thải nhất định. Ngược lại, ở không ít cơ sở đào tạo đầu vào đã thấp, đã dễ lại dễ từ đầu đến cuối…
Cuối cùng, con số 105 thí sinh dự thi vào Trường ĐH Hà Hoa Tiên, trong đó có tới 80 thí sinh dự thi “nhờ” để xét tuyển vào trường khác, kết quả thi 12,5 điểm đã là thủ khoa… lại là một lời cảnh báo. Đã ra đời và tuyển sinh đào tạo nhiều năm nhưng thử hỏi đã mấy ai biết Trường ĐH Hà Hoa Tiên là trường nào.
Trên thực tế, ngôi trường có cơ sở vật chất cực kỳ hoành tráng ở một vị trí đắc địa ven quốc lộ 1 (thuộc tỉnh Hà Nam) – điều kiện khiến những trường ĐH công lập lớn khác phải mơ ước – năm nào cũng trầy trật mới tuyển được một, hai lớp ở mức đúng bằng điểm sàn. Số thí sinh nhập học ít ỏi đến nỗi không đủ mở theo ngành đào tạo riêng. Trong khi không ít trường khổ sở vì giới hạn chỉ tiêu thì chưa bao giờ ĐH Hà Hoa Tiên dùng hết
20-30% chỉ tiêu ĐH chính quy và chỉ tiêu phải cắt giảm dần theo từng mùa tuyển sinh…
Và không chỉ có một mình ĐH Hà Hoa Tiên, hiện còn có không ít trường ĐH khác, nhất là các trường tư thục cũng đang vật vã tìm cách tồn tại, bằng mọi cách vét thí sinh mỗi mùa tuyển sinh. Dù nhu cầu học ĐH hiện nay vẫn rất cao, hệ thống giáo dục ĐH vẫn trong tình trạng cung chưa đủ cầu nhưng có những trường ĐH không thể tìm được người học.
Vậy sự tồn tại của các trường ĐH này có còn cần thiết?
Nên chăng, cũng phải áp dụng nguyên tắc đào thải như đối với quy trình đào tạo người học, đủ điều kiện sẽ được mở trường và khi không đủ điều kiện để đào tạo và tồn tại thì cũng cần phải dừng hoạt động. Có khai sinh thì cũng phải có khai tử đối với những ngôi trường quá yếu kém, không thể thu hút được người học.
Rất tiếc là cho đến nay, cái nguyên tắc tưởng thật công bằng và khách quan đó vẫn chưa được thực hiện.
Theo Thanh Hà
(TTO)
Bình luận (0)