Từ chiến thắng của ông Barack Obama, giới kinh doanh có thể rút ra nhiều kinh nghiệm, Nbởi chạy đua vào Nhà Trắng và điều hành một doanh nghiệp có những nguyên tắc chung mà một nhà lãnh đạo muốn thành công không thể bỏ qua.
Trước hết là nguyên tắc mà chính những người sáng lập nước Mỹ hơn 200 năm trước đề cao, là cần có một đường lối rõ ràng, kiên định. Nếu muốn lôi cuốn được nhiều người ủng hộ, người lãnh đạo không thể mỗi lúc đưa ra một thông điệp khác nhau, cũng không thể khiến người ta bị nhầm lẫn bởi quá nhiều thông điệp, hay vì sợ mà phải làm theo mình. Chính sách về y tế của ứng cử viên đảng Cộng Hòa John McCain được giới chuyên môn đánh giá là rất hữu ích, nhưng cách ông trình bày khiến người ta bị ngợp, bởi nó có vẻ rắc rối quá.
Trong khi đó, thông điệp mà ông Obama đưa ra lại rất đơn giản và thể hiện nhiều khát vọng. Ông Obama nói về những thất bại của chính quyền Tổng thống Bush đương nhiệm. Ông nói về những thay đổi, những hy vọng và hệ thống chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Những bài diễn thuyết của nhà lãnh đạo có tài hùng biện này vẽ lên một bức tranh sáng về tương lai nước Mỹ, và đủ hấp dẫn để lôi cuốn người dân. Ông Obama cũng xây dựng cho mình hình ảnh nhà lãnh đạo kinh tế điển hình: luôn gắn với một số điểm quan trọng nhất định, không ngừng nhắc lại những luận điểm này và cuốn mọi người theo mình.
Một nguyên tắc khác mang lại thành công cho ông Obama nghe có vẻ rất dễ dàng: sự thi hành. Trong một cuốn sách có cùng tựa đề, 2 tác giả Larry Bossidy và Ram Charan nhận định, thi hành không phải là việc duy nhất một nhà lãnh đạo cần làm, nhưng thiếu nó, những quy trình khác không còn ý nghĩa.
Trong suốt gần 2 năm thực hiện chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, đội ngũ của ông Obama hầu như không mắc phải sai lầm nào. Ngay từ đầu, các cố vấn của ông luôn có sự chuẩn bị tốt và xuất hiện đúng nơi đúng chỗ để hỗ trợ ông. Trong khi đó, đội ngũ của ông McCain có sự gắn kết lỏng lẻo hơn, và có quỹ vận động tranh cử nhỏ hơn, nên khó lòng cạnh tranh được với đối thủ.
Bài học lớn hơn có thể xuất phát từ chính chiến thắng của ông Obama trước đối thủ Hillary Clinton để giành được sự ứng cử của đảng Dân chủ cho chiến dịch vào Nhà Trắng. Khi bắt đầu cuộc đua trong nội bộ đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton có nhiều lợi thế và tin tưởng có thể chiến thắng theo cách truyền thống, là giành được các bang quan trọng New York, Ohio, California thì sẽ chiến thắng chung cuộc. Nhưng ông Obama đã giành được chiến thắng sít sao vào thời điểm cuối, và nhờ sự cân nhắc của các thành viên đảng Dân chủ.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, cứ làm ngày càng tốt những quy trình đã có là sẽ tăng trưởng mạnh. Thực tế, doanh nghiệp tìm thêm được nhiều khách hàng và mở rộng thị trường trong quá trình thay đổi cách vận hành. Người ta không thể đánh bại các đối thủ và lớn mạnh bằng những phương thức đã cũ, mà phải tìm ra những “trò chơi” mới và nhờ đó vượt mặt đối thủ.
Cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra tại Mỹ cũng một lần nữa khẳng định giá trị của tình bằng hữu vào những thời điểm quan trọng. Ngay từ đầu, ông Obama đã giành được thiện cảm của giới truyền thông, và những cuộc tranh luận nhiều chiều của báo giới ít khi có sự liên quan đến ông. Trong khi đó, càng về sau, đội ngũ của ông McCain càng “mất điểm” trước giới truyền thông. Phần lớn các nhà quan sát cho rằng, thiện cảm mà giới truyền thông dành cho ông Obama đã tạo nên khác biệt lớn giữa ông và đối thủ McCain.
Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, các nhà quản lý không thể không có sự đồng lòng của các cộng sự. Nhưng mỗi khi lãnh đạo đưa ra thay đổi, sẽ có người phản đối. Họ có thể phản đối công khai tại các cuộc họp, thông qua truyền thông, hay nhiều cách khác. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu công việc quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một êkíp làm việc chuyên nghiệp, có năng lực và chia sẻ quan điểm với mình về các chính sách trong công ty.
Nhưng thế vẫn là chưa đủ. Nếu muốn giữ được sự đồng lòng trong nội bộ doanh nghiệp, không nên làm các thành viên khác bị sốc. Việc ông McCain lựa chọn nữ thống đốc bang Alaska Sarah Palin vào liên danh tranh cử được đánh giá là một quyết định có phần ngẫu hứng. Và có khả năng vì thế mà ông có thêm bất lợi trong cuộc đua.
Thu Nga (theo Business Week)
Bình luận (0)