Thành công trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn hôm nay. Để có thể xác định được chính xác mình nên học ngành gì, thi trường nào không chỉ để trúng tuyển mà còn có một tương lai tốt đẹp. Bạn hãy thực hiện 3 bước sau đây:
Bước 1:Tìm hiểu ngành nghề nào phù hợp với bản thân
* Khi lựa chọn nghề nghiệp, chúng ta thường bắt đầu bằng sở thích. Vì yêu quý cô giáo chủ nhiệm dạy Văn rất tận tình quan tâm đến học sinh và dạy rất hay mà muốn trở thành giáo viên. Vì ngưỡng mộ Albert Anhxtanh mà muốn trở thành nhà khoa học. Bị quyến rũ bởi tác phẩm "Bay đêm" mà muốn thành phi công, làm bạn cùng trăng sao, vũ trụ… Những sở thích đó khiến cho sự lựa chọn của chúng ta mang màu sắc lý tưởng. Nhưng nó chỉ giúp bạn thành công trên cả con đường học vấn lẫn sự nghiệp sau này nếu sở thích đó là sở thích lâu dài, bền vững, từ năm này qua năm khác, sở thích đó phù hợp với năng lực, tính cách, điều kiện của bạn. Hãy bắt đầu bằng sở thích để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất chứ không hẳn là ngành nghề bạn thích nhất.
Con đường đến với nghề nghiệp phù hợp nhất với mình trước tiên là con đường đi đến chỗ hiểu rõ bản thân mình.Để xác định bản thân mình phù hợp với nghề nghiệp nào, bạn có thể thực hiện một số cách sau :
* Bạn có thể sử dụng các công cụ trắc nghiệm để xác định mình phù hợp với ngành nghề nào.Bạn có thể vào website: aad.vnuhcm.edu.vn/huongnghiep và các website khác để làm các bài trắc nghiệm về sở thích nghề nghiệp. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn, các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp với bạn. Sau khi đã xác định bản thân mình phù hợp với nghề nghiệp nào, bạn nên tìm hiểu các thông tin về ngành nghề mình lựa chọn như: mục tiêu, nội dung đào tạo, chương trình đào tạo bao gồm các môn học nào, ngành nghề đó có đặc điểm nghề nghiệp gì, những điểm nào trong nghề nghiệp này làm mình thích thú (bạn càng thích thú với nghề nghiệp mình lựa chọn thì khả năng đi đúng hướng càng cao), yêu cầu kỹ năng, phẩm chất, tính cách ra sao, học xong ra trường có thể làm gì, ở đâu, xã hội đang yêu cầu gì ở những người đang học trong ngành nghề đó (tiêu chí tuyển dụng), đánh giá xu hướng phát triển của ngành nghề, ngành nghề đó yêu cầu sức khỏe như thế nào, … Những thông tin về ngành nghề sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để xem mình có thực sự phù hợp với ngành nghề đó hay không. Các thông tin này bạn có thể tìm kiếm phối hợp trên các website, sổ tay sinh viên của các trường, website của các công ty tuyển dụng, tư vấn nghề nghiệp, dự báo nhân lực, báo chí, các loại sách hướng nghiệp, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của các trường, những người làm trong nghề…
* Hãy nghĩ về 2,3 ngành nghề mà bạn cảm thấy mình thích và muốn làm nhất trong tương lai. Sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên và tìm hiểu thông tin về các ngành nghề để xem chúng có phù hợp với mình hay không. Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu nhận định của bản thân về điều bạn thực sự muốn chứ không phải dựa vào "thị trường việc làm" và nhóm nghề đang "hot". Nếu không bạn có thể rơi vào hai sai lầm: một là, nhóm ngành nghề đang "hot" trong thị trường lao động hiện giờ sẽ không còn "hot" khi bạn ra trường vào 4 năm sau; hai là, ngành nghề đang hot chưa chắc là phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện của bạn. Khi yêu cầu nêu tên một số nghề nghiệp, hầu hết chúng ta không gặp vấn đề gì với nghề bác sĩ, bán hàng, phi công, tài xế, nhà văn, giáo viên và những nghề nghiệp tương tự, nhưng thường chúng ta thường không hiểu, không biết trước vô số nghề, đơn giản là vì kho từ vựng về nghề nghiệp của chúng ta không dồi dào lắm.Bạn hãy tham khảo các danh sách nghề nghiệp trong các website, sách về hướng nghiệp, các website tuyển dụng, các quảng cáo tuyển dụng trên các báo…Và có thể bạn sẽ thấy có hai hoặc 3 nghề mà bạn chưa từng nghĩ đến nhưng lại thực sự thú vị. Hãy thử xem!
* Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.Ví dụ: làm báo tường, viết bài gửi cho các báo để xem mình có phù hợp với nghề báo không; làm thủ quĩ cho lớp để xem mình có phù hợp nghề kế toán không, tổ chức một buổi picnic hay hội trại, cuộc thi của lớp để xem xét năng lực tổ chức, lãnh đạo của mình … Từ đó bạn có được quyết định chọn nghề phù hợp.
* Bạn có thể tới các công ty, trung tâm tư vấn về tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp… nơi đó họ có đủ sách, tài liệu, kiến thức về các nghề nghiệp để tư vấn cho bạn. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô, người nhà, bạn bè… để đánh giá các sở thích và khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào.
* Hãy tham dự các buổi thuyết trình của các báo cáo viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm
* Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề. Hỏi về cách sống, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển, khám phá xem công việc này phù hợp với những tính cách nào. Bạn đã có gì và cần phải trang bị thêm những gì, để từ đó có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp… nếu có điều kiện, bạn hãy sắp xếp để được cùng đồng hành với những người đang làm trong nghề một thời gian để tìm hiểu thêm nghề nghiệp là tốt nhất.
* Để đảm báo sự chắc chắn, chính xác khi chọn lựa nghề nghiệp, bạn có thể phối hợp nhiều cách mà tôi đã gợi ý. Khi tiến hành trả lời câu hỏi thứ nhất này một cách thấu đáo, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức. Thời gian dành cho quá trình này càng nhiều bao nhiêu thì sự lựa chọn của bạn sẽ chính xác bấy nhiêu. Bởi vậy, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt để có thể có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của mình.
Bước 2: Xác định năng lực học tập
* Trả lời câu hỏi này không đơn giản như lời phê trong học bạ là Trung Bình, Khá hay Giỏi mà nó giúp bạn đánh giá được khả năng trúng tuyển vào những trường bạn đang nhắm tới. Có thể phối hợp các cách sau để xác định năng lực học tập:
– Hãy tự đánh giá sức học của mình căn cứ vào điểm học tập trên lớp, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học
– Giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh với đáp án để đánh giá sức học của mình.
– Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét.
– Đăng ký thi thử đại học tại trường hoặc tại các trung tâm uy tín để xác định năng lực học tập.
* Trên cơ sở phối hợp các cách đó, bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân có thể thi đại học hoặc cao đẳng được bao nhiêu điểm. Sau khi đã dự đoán được điểm thi đại học của mình, bạn hãy tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở những trường bạn muốn thi trong ba đến năm năm liên tiếp. Việc tìm hiểu như vậy sẽ giúp bạn thấy được sự biến động điểm chuẩn của ngành, trường bạn định dự thi và so sánh với sức học của mình, cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào. Lưu ý bạn rằng cùng một ngành học nhưng có thể thi đầu vào bằng nhiều khối khác nhau. Hãy chọn thi khối nào là sở trường của bạn.
Bước 3: Lựa chọn trường thi
* Khi đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, rất nhiều thí sinh chỉ nghĩ đến khả năng trúng tuyển của mình. Điều này hợp lý nhưng chưa đầy đủ. Nó có thể đưa bạn vào tới giảng đường nhưng có thể không đưa bạn đi xa hơn trong sự nghiệp của mình nếu như bạn không tìm hiểu kỹ về nơi mình dự định sẽ trở thành sinh viên.
* Sau khi lựa chọn được ngành nghề và xác định được khả năng học tập của mình, bạn sẽ liệt kê được một số trường có thể dự thi và có khả năng trúng tuyển. Vậy căn cứ vào đâu để chọn ra ngôi trường phù hợp nhất? Khi chọn trường bạn cần quan tâm tới một số yếu tố sau:
– Tài chính: học phí, lệ phí, học bổng.
– Cơ sở vật chất của trường: trường có đủ điều kiện vật chất cho sinh viên theo học một cách tốt nhất hay không: phòng học (số lượng học sinh học, bàn ghế học, trang thiết bị trong phòng học như micro, projector), phòng máy tính, phòng học anh văn, thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành… Ngoài ra bạn cũng nên tìm hiểu xem trường có mấy cơ sở, ở những nơi nào, có thuận tiện cho việc di chuyển, học hành hay không, trường có ký túc xá không. Nếu có điều kiện, bạn nên sắp xếp thời gian để đi tham quan thực tế trường, không nên quá tin vào các tài liệu, thông tin quảng cáo.
-Chuẩn đào tạo đầu ra của trường đó được xác định như thế nào.
-Đội ngũ giảng viên, tiến sĩ, giáo sư cơ hữu và thỉnh giảng.
-Số lượng giáo trình của nhà trường, các công trình nghiên cứu khoa học mà trường đã thực hiện.
-Uy tín, thương hiệu, truyền thống đào tạo của nhà trường.
-Đánh giá của cựu sinh viên, sinh viên, doanh nghiệp về quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của nhà trường.
-Việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình theo học tại trường (học phí, học bổng, du học, thực tập, việc làm, hoạt động phong trào sinh viên…).
* Khi đã tìm hiểu các yếu tố trên của các trường, bạn hãy so sánh để đưa ra sự lựa chọn hợp lý nhất. Điều này khiến bạn hiểu hơn về ngôi trường mình sẽ theo học, chủ động đón nhận nó, tránh trường hợp không biết gì về trường hoặc mộng ước quá nhiều dẫn đến tình trạng thất vọng, chán nản khi chính thức trở thành sinh viên.
ThS. Trần Minh Đức
Khoa Kinh tế, ĐHQG – HCM
Bình luận (0)