Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

3 chàng sinh viên mê rác

Tạp Chí Giáo Dục

Quách Văn Đen, Lý Văn Lợi (sinh viên khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên) và Trần Thanh Toàn (sinh viên khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng) ĐH Cần Thơ cùng bắt tay nhau viết và thực hiện đề án “Mô hình trao đổi sản phẩm 3R tại ĐH Cần Thơ”.
Với ba chàng trai mê rác, rác cũng có thể biến thành những cây hoa mai thế này – Ảnh: Thanh Xuân
Mô hình đi liền với khẩu hiệu “3R GOODS – Chung tay giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu”. Với ba bạn, rác là tài nguyên vô cùng quý giá mà nếu biết sử dụng sẽ mang lại lợi ích kinh tế và làm trong sạch môi trường.
Đam mê và bức xúc
Theo Quách Văn Đen, thành viên sáng lập câu lạc bộ và cửa hàng 3R GOODS ĐH Cần Thơ, ĐBSCL được dự báo là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng sự cảnh báo và giáo dục cho cộng đồng còn nhiều hạn chế. Trong khi đi cùng biến đổi khí hậu là ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải vật liệu khó tiêu hủy như nilông, nhựa, rác sinh hoạt…
Việc sử dụng các vật dụng loại thải bằng cách áp dụng cách thức 3R (reduce – giảm thiểu, reuse – tái sử dụng, recycle – tái chế) đang nhân rộng trên thế giới, nhưng ở VN 3R chưa được phổ biến rộng rãi. Theo một điều tra bỏ túi của nhóm, chỉ khoảng 0,5% người dân, 2% SV ĐH Cần Thơ, thậm chí chưa đầy 30% SV chuyên ngành môi trường biết về 3R.

Thành viên khác của nhóm, Lý Văn Lợi, cho biết mỗi năm có khoảng 6.500 sinh viên ĐH Cần Thơ ra trường, theo đó là việc loại bỏ các đồ dùng sinh hoạt với giá cho không hoặc đi vào các đống rác. Sách vở, giáo trình được bán với giá giấy vụn nên rất cần một dịch vụ trao đổi hai chiều sao cho cả hai cùng có lợi.

“Nếu thiên về kinh doanh sẽ không bền vững, còn tuyên truyền giáo dục không thôi đến khi hết nguồn tài trợ cũng không thể hoạt động được” – Lợi phân tích.
Bàn bạc, thảo luận, cả ba cùng thống nhất chốt lại ý tưởng chung: viết đề án thành lập CLB và cửa hàng 3R GOODS, mà sản phẩm kinh doanh chủ yếu là vật dụng đã qua sử dụng, những vật thải từ quá trình sinh hoạt của cộng đồng, tái chế những thứ tưởng chừng bỏ đi… “Không đặt nặng việc kinh doanh, cửa hàng là nơi tạo việc làm và để sinh viên thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình”, Trần Thanh Toàn chia sẻ.
Sáng tạo bên đống rác
Đề án được báo cáo nhanh lên ban giám hiệu. Nhà trường quyết định dành hai phòng học làm nơi hoạt động của CLB. Có mặt bằng, cả ba hăng hái đi nhặt giấy vụn, nắp bia, vỏ lon, miểng chai để trang trí mặt tiền cửa hàng, xin bàn ghế cũ sửa chữa lại làm nơi làm việc. Cuối tháng 12-2009, CLB và cửa hàng 3R GOODS ra đời. Nhà trường ngỏ ý trợ vốn nhưng ba bạn lại muốn “khởi nghiệp” từ đôi tay và vốn tự tạo bằng số tiền kiếm được từ những công việc chạy bàn, bán hoa tươi, nuôi dế, viết thư pháp của nhóm.
Tất tật những thứ đồ cũ của sinh viên như sách, quần áo, xe đạp, bàn học, kệ sách, đồ dùng sinh hoạt… đều được cửa hàng thu mua với giá cao hơn giá phế liệu. Sau đó, vật dụng nào tái sử dụng được sẽ bán lại cho SV khác cần với giá rẻ, những thứ khác gom lại tái chế. Chẳng hạn giấy phế liệu cactông chế thành kệ sách, nilông thành những sản phẩm thủ công như ví, giỏ xách, đĩa CD hư thành hộp đèn trang trí, vỏ lon, nắp bia thành hộp đèn… Nhóm còn tạo ra tranh phù điêu từ giấy vụn tái chế, tranh tượng từ bọc nilông, giấy vụn. Chưa hết, cửa hàng còn có một góc để SV trưng bày và bán các sản phẩm tự làm của mình.
Họa sĩ Phan Thanh Bình, giảng viên Trường cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, tâm đắc: “Tôi thật ấn tượng khi đến thăm cửa hàng, thấy các bạn quây quần và miệt mài thực hiện những ý tưởng sáng tạo về môi trường bên đống rác”. Những lúc rảnh rỗi thầy Bình lại tình nguyện đến cửa hàng tư vấn mỹ thuật tạo hình cho những tác phẩm được làm từ rác.
Cả nhóm đang thiết kế trang web để khi người dân có nhu cầu trao đổi sản phẩm 3R hay loại bỏ đồ dùng sinh hoạt có thể liên hệ với nhóm một cách nhanh nhất. Ba chàng trai ấy đang ấp ủ dự án thương hiệu 3R GOODS sẽ chiếm lĩnh thị trường Cần Thơ trong hai năm, sau đó hướng đến thành lập Công ty môi trường và tái chế 3R GOODS tại ĐBSCL, cùng với đó là dự án cải tạo rạch Cái Khế, sản xuất thùng rác từ rác tái chế với giá rẻ…
THANH XUÂN / TTO

Bình luận (0)