Sự kiện giáo dụcTin tức

3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Có 3 tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, mà TP.HCM dự liệu và có những phương án ứng phó.
TP.HCM có thể nới lỏng mức độ giãn cách nếu đạt kết quả cao nhất sau 15 ngày giãn cách.  /// Ảnh: Độc Lập
TP.HCM có thể nới lỏng mức độ giãn cách nếu đạt kết quả cao nhất sau 15 ngày giãn cách. ẢNH: ĐỘC LẬP
Chiều 13.7, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Mãi cảm ơn các cơ quan báo chí, phóng viên đã đồng hành, đưa tin kịp thời về dịch bệnh và những nỗ lực của TP để người dân cả nước hiểu hơn và yên tâm hơn. Thông qua các góp ý của báo chí, lãnh đạo TP.HCM có nhiều điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình. Sau 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội, ông Mãi cho biết phần lớn người dân đồng tình và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của TP; đồng thời nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của đợt giãn cách lần này.
Kỳ vọng kịch bản giảm mức độ giãn cách

Trả lời câu hỏi của PV về các kịch bản sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông Mãi thông tin những ngày qua, TP.HCM đang tập trung vào 3 tuyến: tầm soát F0 có trọng tâm, trọng điểm với nỗ lực tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất; tuyến 2 là cách ly, thu dung, điều trị F0, tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng; và tuyến 3 là tập trung cho vắc xin ngừa Covid-19. TP.HCM cũng ứng dụng công nghệ vào công tác chống dịch đảm bảo khoa học, chính xác.
Không để F0 bị chậm đưa đi điều trị
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi một số trường hợp F0 chậm được đưa vào khu điều trị, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin khi lấy mẫu tầm soát phát hiện F0 thông qua test nhanh thì ngành y tế coi đây như là ca nhiễm và triển khai các biện pháp tiếp theo, bởi nếu chờ kết quả khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR có khi phải mất một ngày. Đối với những ca F0 phát hiện qua test nhanh, nếu có triệu chứng thì nhân viên y tế sẽ chuyển ngay đến bệnh viện điều trị, nếu chưa có triệu chứng thì đến khu cách ly tạm thời. Trong những ngày gần đây, số ca F0 nhiều hơn nên có những thời điểm triển khai chưa đáp ứng kịp thời trong thời gian ngắn.

Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định đến nay TP.HCM đưa vào sử dụng hàng chục bệnh viện dã chiến nên thời gian tới sẽ đưa hết F0 qua test nhanh vào bệnh viện dã chiến.

Theo ông Mãi, có 3 tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Thứ nhất, TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 và xem xét thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 “trừ”, Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến dịch. Thứ hai, TP.HCM chưa thể kiểm soát và dịch vẫn gia tăng; khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn. Tình huống 3 là xấu nhất mà không ai mong muốn, là dịch gia tăng mạnh và mất kiểm soát; lúc đó TP.HCM phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.

“TP.HCM đang nghiên cứu và đề xuất với Bộ Y tế và BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 để có đề xuất cho phù hợp với tình hình”, ông Mãi nói, đồng thời nhấn mạnh điều quyết định nhất là từng người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, lực lượng trực tiếp phải làm hết chức trách, nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất. Sự cộng hưởng của 2 yếu tố trên sẽ giúp TP.HCM đạt kết quả cao nhất là tình huống 1. Ngược lại, nếu không nghiêm, không đồng bộ thì phải thực hiện tình huống 2 hoặc đối diện với kết quả xấu hơn là tình huống 3.
Sản xuất phải an toàn

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cũng chia sẻ về những chệch choạc, bất cập mà các đơn vị phải đối mặt, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đợt này. Khi phát hiện những bất cập đó, TP đã có nhiều bổ sung, vừa làm vừa điều chỉnh.
Liên quan đến vấn đề sản xuất an toàn, ông Mãi thông tin trong thời gian qua TP.HCM tập trung cho mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhưng đến thời điểm này thì TP xác định phòng chống dịch là ưu tiên số một, đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng người dân được đặt lên trên hết và trước hết. Do đó, nơi nào an toàn thì mới tổ chức sản xuất, nếu chưa an toàn thì củng cố các điều kiện, khi nào an toàn thì mới sản xuất.
Ngày 12.7, UBND TP.HCM đã có văn bản thông báo đến các cơ sở sản xuất, đề nghị rà soát các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo 2 phương thức. Thứ nhất là 3 tại chỗ, gồm: ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ. Phương thức 2 là “2 điểm một con đường”, doanh nghiệp bố trí chỗ ăn uống, nghỉ ngơi bên ngoài nhà xưởng và tổ chức xe đưa đón tập trung.
Theo Sỹ Đông/TNO
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)