Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

3 lần được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Đã 40 năm kể từ ngày gặp bác Duẩn lần đầu tiên ở quê nhà xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), kí ức về cố Tổng Bí thư trong ông Nguyễn Đính, nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Thành vẫn còn như nguyên mới. Những tâm tư của cố Tổng Bí thư luôn thao thức trong ông, để mỗi ngày, dù ở cương vị nào, ông vẫn sống, làm việc và nhắc nhở cháu con phấn đấu vì một quê hương giàu đẹp!

Ông Nguyễn Đính, nguyên Chủ tịch xã Triệu Thành kể về những lần được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn

1.Ngôi nhà nhỏ ở đầu làng của ông Đính những ngày này luôn rộn rã bởi khách ghé thăm. Câu chuyện bên tách trà xanh của ông Đính về những lần vinh dự được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn cuốn hút người nghe. Ông Đính bảo, cuộc đời ông kinh qua nhiều công việc khác nhau, được vinh dự gặp bác Duẩn đến 3 lần khi bác về thăm quê Triệu Thành là một niềm hạnh phúc lớn. Ngừng giây lát, chất giọng trầm ấm của ông đưa chúng tôi ngược về 40 năm trước, khi đất nước mới thống nhất, làng mạc ruộng đồng còn chi chít dấu đạn bom. “Lần đầu tiên tôi gặp Bác là vào năm 1977. Lúc đó tôi làm Ủy viên thư ký (phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội và giao thông, thủy lợi), kiêm Bê trưởng Bê cơ động (tương đương với xã đội trưởng bây giờ) của UBND xã Triệu Thành. Lần bác về thăm quê đó, tôi nhận nhiệm vụ trực và chỉ đạo trực bảo vệ Tổng Bí thư, từ trước lúc bác về thăm quê 3 ngày. Sau khi tổ chức và triển khai lực lượng làm nhiệm vụ, tôi nằm 3 ngày đêm ở chân cầu Sãi, điểm đầu mối giao thông vào khu vực Triệu Thành bấy giờ để tiện theo dõi tình hình, vừa quan sát, chỉ đạo anh em tại các điểm, chốt trực trên địa bàn làm nhiệm vụ. Khi đang trực thì tôi nhận được lệnh vào vòng trong. Ở đó, tôi được cận vệ của bác dẫn vào gặp bác. Bác nở nụ cười đôn hậu đáp lại lời chào của tôi rồi hỏi tôi cho ý kiến làm thế nào để kênh mương ở ta có thể dẫn nước tốt hơn, tưới đủ cho cả cánh đồng lúa thường xuyên hơn?”. Tôi trả lời Bác, là nếu nâng cấp công trình kênh mương, và nạo vét sông ở khu vực đầu nguồn, thì có thể cho một lượng nước lớn hơn, thường xuyên hơn cho đồng ruộng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần phải có công trình thủy lợi lớn để tích nước và xả nước tưới, tiêu những lúc cần, thì mới đảm bảo sản xuất. Bác chăm chú lắng nghe tôi nói, rồi bảo: “Phải, cái này phải được bàn sâu hơn!””. Ông Đính bảo, ông cũng không ngờ rằng, chí ít lâu sau chuyến trở về với niềm trăn trở đó một công trình thủy lợi mang tên Nam Thạch Hãn phục vụ tưới tiêu cho cả cánh đồng Triệu Phong, Hải Lăng tươi tốt, trong đó có xã Triệu Thành đã được gấp rút đầu tư xây dựng rất quy mô. Dòng nước mát lành mang lại những mùa lúa bội thu với năng suất dẫn đầu tỉnh trở thành hiện thực!

2.Ngừng giây lát, ông Đính tiếp: “Lần thứ 2 tui vinh dự được gặp bác Duẩn là vào năm 1981. Lúc đó tui làm Chủ tịch xã Triệu Thành, được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn để báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn. Bác bày tỏ niềm vui mừng vì công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn đã tưới tiêu cho mùa màng no ấm. Rồi sau chuyến thăm quê lần đó, bác Duẩn về Hà Nội, chỉ đạo cho huyện Đông Cao, tỉnh Thái Bình tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ Triệu Thành cách làm ăn hiệu quả bằng cách thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hậu Kiên, chuyên về nghề dệt chiếu cói do Hợp tác xã chiếu cói Đông Cao Thái Bình truyền lại”.

3.Lần thứ 3 ông có dịp gặp Tổng Bí thư là năm 1985, khi cơn bão lịch sử quét qua miền quê nghèo Quảng Trị, khiến nhà cửa tan hoang, hoa màu hư hại, mất trắng. “Lần đó Tổng Bí thư đã đến từng nhà thăm hỏi, động viên bà con vượt qua khó khăn. Tổng Bí thư nói, địch lớn mạnh mà ta vẫn đánh thắng, thiên tai còn có nhiều cách khắc phục. Được bác động viên, ai cũng phấn khởi, cố gắng gầy dựng lại kinh tế”, ông Đính kể.

Cuộc đời ông Nguyễn Đính vinh dự nhất là được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn đến 3 lần ngay trên chính quê hương mình. Những lời dặn dò, tâm tình của Tổng Bí thư được ông ghi nhớ để nhắc nhở chính mình trong công việc, hàng ngày kể lại cho cháu con, thế hệ trẻ để nhớ về tấm gương một vị Tổng Bí thư tài ba, sáng tạo trước mọi khó khăn mà giàu tình người!

Trở về đời thường sau nhiều tháng năm lăn lộn, cống hiến vì sự phát triển quê nhà, ông Đính sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ đầu làng Hậu Kiên. Ông bảo, cuộc đời ông, vinh dự nhất là được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn đến 3 lần ngay trên chính quê hương mình. Những lời dặn dò, tâm tình của Tổng Bí thư được ông ghi nhớ để nhắc nhở chính mình trong công việc, hàng ngày kể lại cho cháu con, thế hệ trẻ để nhớ về tấm gương một vị Tổng Bí thư tài ba, sáng tạo trước mọi khó khăn mà giàu tình người!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)