Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

3 lý do để nghi ngờ quyển sách đang chọc giận ông Trump

Tạp Chí Giáo Dục

Quyển sách mô tả những chuyện hậu trường dưới triều đại Donald Trump đang gây hao tổn nhiều giấy mực trong thời điểm ông Trump sắp tròn 1 năm lãnh đạo. Trang France Info vạch ra những điểm thiếu tin cậy của cuốn sách.

3 lý do để nghi ngờ quyển sách đang chọc giận ông Trump - Ảnh 1.

Sách về chuyện bí mật dưới triều đại Trump chiếm lĩnh vị trí đẹp trong nhà sách ở New York – Ảnh: REUTERS

Quyển sách có tựa đề "Fire and Fury: Inside the Trump White House" (tạm dịch là Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump) xuất bản chính thức từ thứ Sáu (5-1) vừa qua tại Mỹ là một cuộc điều tra về chuyện hậu trường trong năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.

Và cũng không có gì ngạc nhiên khi đây là ấn phẩm thuộc hàng "best-seller", bởi nó đã kịp làm mọi người chú ý trước khi xuất bản. Tổng thống Trump đến mức phải điên tiết phản ứng rồi như đã có lệnh tìm cách ngăn quyển sách phát hành ra công chúng. Bấy nhiêu cũng đủ khiến người ta tò mò, dẫu những thông tin về ông Trump vẫn hằng ngày ngập tràn trên truyền thông.

Cuốn sách đã được phát hành, nhiều người sẽ có quyền nhận định sau nội dung mình đã đọc. Nhưng nhân cách con người và cả phương pháp luận mà tác giả – nhà báo Michael Wolff, 64 tuổi, đã vận dụng để viết ra quyển sách này đang gây nhiều tranh cãi trái chiều. 

Bán chạy nhất trên Amazon

Cuốn sách đang đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon – trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở Mỹ. 

Cuốn sách trên vừa được phát hành hôm 5-1 vừa qua. Bất chấp thời tiết giá lạnh, nhiệt độ dưới 0°C, nhiều người vẫn đứng xếp hàng trước các hiệu sách tại Washington để chờ mua sách "Fire and Fury: Inside the Trump White House".

Chủ hiệu sách Politics & Prose cho biết chính nhà xuất bản cũng không dự đoán được nhu cầu của độc giả đối với cuốn sách về chính trị này cao như vậy. Trong khi đó, có độc giả cho rằng có thể nội dung trong cuốn sách không có gì bất ngờ mà là do phản ứng đối với cuốn sách gây nên.

3 lý do để nghi ngờ quyển sách đang chọc giận ông Trump - Ảnh 3.

Tổng thống Donald Trump đã nổi giận cho rằng cuốn sách này là "hư cấu" và tác giả của nó là một kẻ "lừa đảo" – Ảnh: REUTERS

Và dưới đây là ba lý do làm cơ sở để chúng ta có thể cẩn trọng trong việc đánh giá những nhận định của tác giả.

1. Tác giả phớt lờ sự thật

Nhà báo Michael Wolff đã gầy dựng tên tuổi chủ yếu từ thể loại tạp chí, từ The New York Times Magazine cho đến Vanity Fair, kể cả The Hollywood Reporter. Trong suốt bốn thập niên qua, ông ấy đã tạo danh tiếng qua những phóng sự điều tra về các "ông trùm" của giới truyền thông. 

Cho đến nay, có thể nói tác phẩm đình đám nhất của Michael Wolff là quyển sách xuất bản năm 2008 viết về nhà tài phiệt người Úc tên là Rupert Murdoch, quyển The Man Who Owns the News: Inside the Secret World of Rupert Murdoch.

Thế cho nên, phải chăng phương pháp khai thác câu chuyện của tác giả là hoàn hảo không chê vào đâu được? Nhiều đồng nghiệp của ông tiết lộ rằng Michael Wolff luôn tự ý "bay nhảy" trên sự thật, dù ông ấy đã hai lần nhận giải National Magazine về thể loại "bình luận", năm 2002 và 2008. 

Do đó, Michael Wolff đã bị đồng nghiệp là nữ phóng viên Alisyn Camerota làm việc cho đài CNN chỉ trích trên báo chính trị The Hill khi đề cập quyển sách của ông ấy viết về tổng thống Donald Trump. Theo đó, tác phẩm này "không thật sự đúng chất báo chí" vì nó "không kiểm tra lại" phát ngôn của những người được phỏng vấn và không xác minh đối chiếu những phát ngôn đó qua những nguồn thông tin khác.

Nhưng điều đó cũng chẳng hề làm tác giả nao núng. Trong lời tựa quyển "Fire and the Fury", tác giả Michael Wolff sẵn sàng nhìn nhận rằng "nhiều sự kiện phát sinh trong Nhà Trắng dưới thời Donald Trump là mâu thuẫn nhau; nhiều sự kiện mang phong cách đặc biệt của Trump hẳn nhiên là không đúng sự thật. Những mâu thuẫn này có mức dao động nào đó so với thực tế và thậm chí nếu không tương đồng với thực tế, thì cũng đều là những thành tố cấu thành của quyển sách này".

3 lý do để nghi ngờ quyển sách đang chọc giận ông Trump - Ảnh 4.

Tác giả Michael Wolff, 64 tuổi trong lần trả lời phỏng vấn đài CBS về cuốn sách của mình – Ảnh: REUTERS

Đây là một cây bút vừa mang phong cách một nhà xã luận thượng lưu, vừa là một chuyên gia liệu pháp tâm lý, vừa phảng phất tính cách của một nhà xã hội học cộng đồng, nói chung là một cây bút muốn gây tò mò cho độc giả theo kiểu thích đọc những thứ thâm cung bí sử của các nhân vật có máu mặt"

Tạp chí The New Republic của Mỹ mô tả về Michael Wolff

2. Tác giả dùng những phương pháp ít mang tính chính thống

Những phương pháp mà Michael Wolff vận dụng cũng được cho là không đáng tin cậy, nhưng chính ông ấy đã đề cao chúng một cách quá đáng. Để viết quyển "Autumn of the Moguls" (NXB Flamingo), tác giả phải thu thập thông tin về cuộc đời của Steven Rattner, một cựu phóng viên của nhật báo The New York Times sau này trở thành một nhân vật nổi bật của thị trường tài chính chứng khoán Mỹ Wall Street. Theo báo Le Monde của Pháp, tác giả Wolff đã không còn cách nào khác hơn là "tuyển mộ" chính đứa con trai 7 tuổi của mình làm "gián điệp".

Cậu con trai này là bạn chơi chung với con trai của Steven Rattner và đã được rủ về nhà chơi trong căn nhà bề thế lộng lẫy của nhà tài chính Steven Rattner nằm trên Đại lộ số 5 – một trong những khu phố sang trọng bậc nhất của New York. 

Còn theo trang báo mạng The Daily Beast, nhà báo Michael Wolff đã khoe khoang rằng ngay sau khi con trai mình từ nhà Steven Rattner về, ông ấy đã lấy được từ thằng bé một số chi tiết "sốc" từ lối sống xa hoa của gia đình Rattner.

3. Tác giả dàn dựng bối cảnh

Và cuối cùng, chất liệu mà Michael Wolff sử dụng để viết ra những câu chuyện không đúng theo sở thích của đại bộ phận công chúng. Vào năm 2004, khi quyển "Autumn of the Moguls" được phát hành, tạp chí The New Republic của Mỹ đã khẳng định: "Những bối cảnh mà Wolff mô tả trong các sự kiện của mình không phải là từ những ghi chép thuật lại mà cũng không phải là từ những sáng tạo, mà đó thực chất chỉ là những tưởng tượng bất chợt trong đầu ông ấy hơn là từ những sự kiện hiện hữu có thật". 

Năm 2008, nhà báo khó tính David Carr khẳng định điều trên khi đề cập đến quyển sách mà Wolff viết về trùm truyền thông Murdoch trên tờ The New York Times theo một cách thâm thúy như sau: "Về khía cạnh lịch sử, một trong những vấn đề từ phong cách uyên bác của Wolff là, ngay cả khi ông ấy có thể biết tất cả, thì đôi khi ông ấy cũng hoàn toàn biết sai tất cả".

3 lý do để nghi ngờ quyển sách đang chọc giận ông Trump - Ảnh 6.

Sách về ông Trump đang bán chạy ở nhà sách tại thủ đô Washington – Ảnh: REUTERS

Cũng phải nói rằng tổng thống Donald Trump cũng có những đồng minh đáng nể của mình trong cuộc chiến nhân danh sự thật của ông ấy. Ngay trước khi quyển sách này được phát hành, tổng thống Trump đã lên Twitter công kích rằng đây là một tác phẩm "đầy dối trá" và "sử dụng những nguồn thông tin không có thật".

Ngoài những bài phê bình dễ dãi, thì việc còn lại là cần có một thái độ mang tính chuyên nghiệp chính xác. Để viết được quyển sách mới nhất này, Michael Wolff đã có thể lui tới Nhà Trắng thường xuyên, một đặc quyền mà tổng thống Donald Trump đã tạo điều kiện cho ông ấy, mà có lẽ là Tổng thống cũng không thể lường trước được những công kích nhắm vào ông từ việc ban phát cho tác giả đặc quyền đó. 

Chính nhờ thuận lợi đó mà Michael Wolff đã có thể phỏng vấn được khoảng 200 nhân vật, trong đó có cả cựu cố vấn của tổng thống, ông Steve Bannon. Ông này đã không phủ nhận những ý kiến mà ông đã đưa ra và cũng đã cáo buộc chính con trai của tổng thống Trump "đã phản bội đất nước" khi tiếp xúc với một nữ luật sư Nga để có được những thông tin làm phương hại đến bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử.

TƯỜNG NGUYỄN/ TTO

 

Bình luận (0)