Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

3 ngàn tỷ đồng cho đào tạo nhân lực điện hạt nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên học ngành điện hạt nhân sẽ được hỗ trợ 100% học phí

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trả lời phóng viên

Vừa qua tại Hà Nội, Bộ KH-CN đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Để phát triển điện hạt nhân, Việt Nam không chỉ cần nguồn kinh phí lớn mà còn cần đội ngũ nhân lực lành nghề.
Trao đổi với phóng viên Giáo Dục TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc vận hành nhà máy điện hạt nhân đó là nguồn nhân lực. Bộ trưởng Nguyễn Quân nói:
Chính phủ đã thành lập hai ban chỉ đạo quốc gia phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân. Một ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì và một ban chỉ đạo riêng về nguồn nhân lực do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách. Nhưng đến nay, chính sách đối với người đi học và người sẽ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và nhà máy điện hạt nhân nói riêng chúng ta vẫn chưa công bố công khai để tạo nguồn động lực và sự hấp dẫn đối với những cán bộ trong lĩnh vực này. Thứ hai, việc lựa chọn người đi học trong lĩnh vực điện hạt nhân đòi hỏi điều kiện khó khăn hơn so với những ngành nghề khác. Người đi học về nghiên cứu điện hạt nhân phải chấp nhận đối mặt với những rủi ro trong quá trình học tập, nghiên cứu và xây dựng nhà máy. Đặc biệt phải có trình độ nhất định trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, vì thế quá trình tuyển chọn diễn ra rất khắt khe.
Mấy năm qua, chúng ta đã hợp tác với Liên bang Nga, Nhật, Pháp và Mỹ đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Riêng 3 năm qua chúng ta đã gửi 200 người qua Liên bang Nga và khoảng 300 người tới các quốc gia khác để học tập cả ngắn hạn, dài hạn về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta sớm công bố công khai chế độ đãi ngộ đối với những người đi học và sau này làm việc trong nhà máy điện hạt nhân thì việc tuyển chọn người đi học và làm việc chắc chắn thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta cũng sẽ sớm có đủ đội ngũ có trình độ để vận hành nhà máy điện hạt nhân.
PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về chính sách đưa du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học về điện hạt nhân?
– Chúng tôi đã phải lên chương trình đào tạo do các đơn vị phụ trách về năng lượng nguyên tử cùng phối hợp xây dựng. Chính phủ đã dành ra một ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng cho chương trình đào tạo cán bộ điện hạt nhân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng dành ra một khoản ngân sách 1.000 tỷ đồng cho đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành điện hạt nhân. Hiện nay chúng ta đã khởi động chương trình đào tạo dài hạn. Trong nước đã giao nhiệm vụ cho 5 trường ĐH lớn Việt Nam đào tạo kỹ sư về điện hạt nhân sau đó thì sẽ gửi đi nước ngoài để thực tập.
Chúng tôi cố gắng đến 2020 sẽ có đủ người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân cũng như các cơ quan pháp quy về hạt nhân tại Việt Nam.
Cụ thể cần ưu tiên chính sách đãi ngộ như thế nào để khuyến khích được người giỏi theo nghề này?
– Hiện nay Chính phủ cho phép những người làm việc trong lĩnh vực điện nguyên tử và hạt nhân được hưởng phụ cấp từ 30-70% mức lương hiện hưởng. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định về việc trả phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng, điều đó chưa đủ để có thể hấp dẫn và đảm bảo cuộc sống cho những người làm việc trong lĩnh vực này, vì thế trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước về điện hạt nhân chúng tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu và sớm công bố công khai chế độ đối với người đi học cũng như những người sẽ làm việc trong nhà máy điện hạt nhân sau này.
Sinh viên học ngành điện hạt nhân ở 5 trường ĐH lớn Việt Nam cần được hỗ trợ học bổng 100% và chi phí ăn ở. Và yêu cầu điểm đầu vào của ngành này tương đối cao.
Những người sẽ làm việc và vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai mức lương trả cho họ phải ở mức họ có thể nuôi sống được cả gia đình. Vì môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro và áp lực cao.
Hiện nay, điểm chuẩn các khoa điện hạt nhân của 5 trường ĐH lớn rất thấp, chỉ từ 15,5 đến 17 điểm. Và số sinh viên theo học chuyên ngành này đến cùng cũng rất ít. Tại ĐH Điện lực Hà Nội, năm 2011 tuyển sinh được 58 sinh viên đến nay chỉ còn chưa đầy 40 sinh viên theo học. Liệu đến 2020, chúng ta có đảm bảo được đủ nguồn nhân lực như dự tính ban đầu hay không, thưa Bộ trưởng?
– Nhiều quốc gia làm điện hạt nhân sử dụng nhân lực nước ngoài hoàn toàn. Họ thuê từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến cán bộ quản lý. Tuy nhiên chúng ta muốn nhà máy điện hạt nhân phải được quản lý và điều hành bằng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật Việt Nam. Vì thế chúng ta phải đặt ra chương trình đào tạo. Đúng như các bạn nói, sinh viên vào học ngành này điểm đầu vào chưa cao, nguyên nhân xuất phát từ chính sách ưu đãi và đãi ngộ của chúng ta đối với những người đi học và người sẽ làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân chưa được công bố công khai nên người ta thấy chưa có gì hấp dẫn để theo đuổi một nghề có nhiều nguy hiểm và rủi ro. Tôi hy vọng Chính phủ sớm công bố chính sách này.
Có một thực tế, hiện có nhiều nhà khoa học Việt kiều làm việc trong nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Họ rất muốn được về giúp đỡ Việt Nam. Vậy chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ này sẽ như thế nào?
– Chính sách của Chính phủ luôn mở rộng cửa cho các nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều tham gia vào chương trình này. Tuy nhiên nước ta còn lạc hậu, khó khăn vì thế giai đoạn ban đầu chúng tôi dự kiến chỉ sử dụng một phần ngân sách Nhà nước, phần còn lại chúng tôi vận động các cơ quan quốc tế, tổ chức cá nhân có thể tài trợ đảm bảo mức sống, chi phí tối thiểu cho những nhà khoa học từ nước ngoài trở về hoặc những nhà khoa học nước ngoài tham gia vào dự án điện hạt nhân của Việt Nam.
Trên thực tế hiện nay có rất nhiều người nước ngoài đang làm việc giúp cho Việt Nam, kể cả các chuyên gia Việt kiều có rất nhiều kinh nghiệm làm việc tại Pháp, Hoa Kỳ… cũng đã trở về Việt Nam.
Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)