Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

3 nguyên nhân “nhảy” việc của bạn trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, để tìm được công việc ưng ý và gắn bó lâu dài đã trở thành chuyện hiếm có đối với các bạn trẻ… Những người trụ được lâu năm cho biết muốn như vậy cần sự kiên nhẫn, đôi khi phải nhịn nhục để được một chỗ làm ổn định.

Không hiểu về luật lao động, bị bắt chẹt hợp đồng: 
Vừa tốt nghiệp cao đẳng, khoa hướng dẫn du lịch, N xin vào được một công ty chuyên tổ chức tour du lịch có tiếng ở miền Bắc. Sau 3 tháng cật lực đi tour cho công ty mà cô chỉ được hưởng lương tháng thử việc đầu tiên. Bản hợp đồng lao động vẫn chỉ có trong lời hứa của giám đốc nên cô rút lui. 
Trong khi đó, bạn của N thì đầu quân cho một chi nhánh công ty du lịch mới mở ở phía Nam. Cũng sau 3 tháng thử việc không lương, bạn cô làm còn đạt hơn cả yêu cầu mà hợp đồng lao động vẫn chỉ là thứ xa vời. Bạn cô cũng buộc phải rút. 
Trường hợp trên minh chứng việc nhà tuyển dụng nắm bắt được nhu cầu tìm việc rất lớn (cộng thêm việc thiếu hiểu biết về luật lao động) của nguồn nhân lực trẻ mới ra trường để họ tha hồ bắt chẹt lương và hợp đồng. Lãnh đạo yêu cầu thử việc 1-3 tháng không lương, trong khi luật lao động quy định lương thử việc phải bằng 80% lương chính thức. Mất việc ở chỗ này, đồng nghĩa với việc họ phải bôn ba tìm việc ở nơi khác. Họ tìm việc để có thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình hay để gia đình yên tâm chứ nhiều khi họ chưa hoàn toàn tin tưởng vào nơi làm việc mới.

Không hòa nhập được với luật lệ của công ty: 

Đôi lúc văn hóa, tập tục ở phòng nơi bạn làm việc lại chính là nguyên nhân bạn phải nhảy việc mặc dù năng lực của bạn thì miễn bàn. Q, một sinh viên mới tốt nghiệp khoa điện tử của trường công nghiệp, lúc đầu xin vào một xưởng lắp ráp đồ điện tử ở quận 1, TPHCM. Lương thử việc chưa đầy 2 triệu mà anh em đồng nghiệp lúc nào cũng lôi kéo Q nhậu sau giờ làm việc. Do vừa là đồng hương với một số người, vừa là nhân viên mới nên người trả tiền luôn luôn là Q. Không thể sống tách biệt với tập thể và không thích ứng được với “luật lệ” của anh em đặt ra, sau 2 tháng, Q xin nghỉ việc và nhận dạy kèm thêm toán cho học sinh. Tuy trái nghề, nhưng thu nhập của Q được cải thiện. 

Ma cũ, ma mới và chuyện cạnh tranh không lành mạnh: 

Một nguyên nhân lớn nữa cho việc nhảy việc là do tâm lý “ma cũ bắt chẹt ma mới” của rất nhiều công ty, đặc biệt là các công ty nhà nước. Nhiều người trẻ mới đi làm luôn đau đầu về vấn đề này. Tâm lý “ráng làm ma mới, sau làm ma cũ” khiến chuyện ma cũ, ma mới thường không có hồi kết. 
N – sinh viên tốt nghiệp khoa báo chí, xinh đẹp, lanh lợi, ăn nói có duyên nên được sếp của một Đài truyền hình tỉnh phân công làm MC. Sau một thời gian các nhân viên cũ trong phòng cảm thấy vị thế của mình bị đe dọa, họ quay sang trù dập, tăng áp lực cho N bằng cách giao cho cô nhiều công việc, không hướng dẫn. N đi làm trễ chừng vài phút cũng bị nhắc nhở và thái độ kèn cựa của các đồng nghiệp khiến cô không chịu nổi. Và việc N ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo dan tri

Bình luận (0)