Một trong 2 nội dung tại cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ GD-ĐT chiều 10.5 là về việc chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2023 – 2024.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thẩm định các bản mẫu SGK các khối lớp và ban hành quyết định phê duyệt SGK kịp thời, đảm bảo thời gian cho địa phương tổ chức lựa chọn và ban hành danh mục SGK lựa chọn theo thời gian quy định (chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới). Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các nhà xuất bản (NXB) triển khai tập huấn giáo viên sử dụng SGK lớp 4, 8, 11.
Đối với công tác chuẩn bị thẩm định, biên soạn SGK lớp 5, 9 và 12, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các NXB, tổ chức, cá nhân tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng biên soạn nội dung SGK các lớp cuối cấp (lớp 5, 9, 12). Ngày 7.4, Bộ đã tổ chức họp với đại diện các tổ chức biên soạn SGK, tổng chủ biên, chủ biên biên soạn bản mẫu SGK lớp 5, 9 và 12 để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng bản mẫu sách được biên soạn và đề nghị thẩm định.
Với mức giá bình quân là 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua SGK: hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ SGK thông qua các thư viện trường học; hỗ trợ 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ SGK; hỗ trợ học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo được mượn SGK. Phương án 1 cần 2.138 tỉ đồng; phương án 2 cần 1.572 tỉ đồng; phương án 3 cần 107 tỉ đồng.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội, TP.HCM) đã chọn xong SGK lớp 4, 8, 11; 26 địa phương chưa có quyết định do đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính.
Theo Bộ Tài chính, về cơ bản bộ này đã rà soát xong giá SGK lớp 4, 8, 11 và đang yêu cầu NXB Giáo dục VN rà soát lại các chi phí và kê khai lại. Từ nay đến ngày 15.5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả SGK để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị các NXB công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)